Bỏ thuế khoán, áp dụng hóa đơn điện tử: Giảm rủi ro, tránh 'nộp thuế oan'

Việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc từ ngày 1/6 được đánh giá sẽ thay đổi căn bản trong phương thức quản lý của cơ quan thuế với hộ kinh doanh và tạo ra một 'cuộc cách mạng' trong quản lý thuế, góp phần chống gian lận thuế, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc

Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, từ ngày 1/6 tới đây, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với máy tính tiền. Theo đó, hàng chục nghìn hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm, thuộc các nhóm ngành nghề như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… sẽ thực hiện xuất hóa đơn điện tử, được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, thay vì nộp thuế khoán như trước đây.

Cùng với Nghị định 70, Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) cũng đã đưa ra lộ trình dự kiến mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử máy tính tiền, nhằm giảm chi phí quản lý hành chính của cơ quan thuế và quản lý thu hiệu quả mà vẫn đảm bảo không tăng gánh nặng chi phí hành chính cho các hộ kinh doanh siêu nhỏ.

Từ ngày 1/6, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với máy tính tiền (Ảnh minh họa: KT)

Từ ngày 1/6, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với máy tính tiền (Ảnh minh họa: KT)

Cụ thể, từ 1/6/2025, hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên sẽ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.

Từ 1/1/2027, hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 800 triệu đồng/năm trở lên sẽ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.

Từ 1/1/2028, tiếp tục mở rộng đối tượng này đến toàn bộ các hộ, cá nhân kinh doanh có ngưỡng doanh thu thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng đến mức 800 triệu đồng/năm.

Lộ trình mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử máy tính tiền hộ kinh doanh. Với định hướng này, tất cả các hộ kinh doanh sẽ phải thực hiện chế độ tự khai, tự nộp thuế và thực hiện sổ sách hóa đơn, chứng từ. Quy định này được đánh giá sẽ thay đổi căn bản trong phương thức quản lý của cơ quan thuế với hộ kinh doanh và sẽ tạo ra một “cuộc cách mạng” trong quản lý thuế.

Trước thông tin này, nhiều hộ kinh doanh bày tỏ sự đồng tình, vì các quy định quản lý thuế mới có thể giúp họ hạn chế một số rủi ro, như nộp thuế “oan” do lẫn lộn giữa dòng tiền kinh doanh và cá nhân; thất thoát tài chính do không kiểm soát được nguyên liệu đầu vào/đơn hàng xuất ra… Tuy vậy, cũng có những hộ tỏ ra e ngại khi phải thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh.

Chị Hoàng Thị Mai, hộ kinh doanh mặt hàng thực phẩm, nông sản rau củ ở Mai Động, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội cho biết, doanh thu của cửa hàng chị khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm, nếu theo Nghị định 70 thì từ ngày 1/6, chị sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với máy tính tiền. Chị Mai chia sẻ, quy định mới này có thể giúp cửa hàng xuất được hóa đơn cho khách hàng vì hiện nhiều khách mua hàng cũng muốn xuất hóa đơn. Tuy nhiên, rau củ chị nhập ở chợ đầu mối thì họ chỉ viết giấy chứ không phải cửa hàng đã đăng kí kinh doanh nên không có hóa đơn đầu vào.

“Hiện tôi đã xin được lập bảng kê hàng nhập vào nhưng cán bộ thuế nói bảng kê chỉ áp dụng cho hộ nông dân tự trồng, còn hàng tôi nhập từ chợ đầu mối là của tiểu thương, thương lái thì không sử dụng bảng kê thu mua được, mà không có hóa đơn đầu vào thì không cấp được hóa đơn điện tử”, chị Mai băn khoăn.

Chị Nguyễn Việt Trinh, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho biết, chị đã lắp đặt thiết bị với chi phí khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chị cũng lo ngại hệ thống công nghệ phát sinh trục trặc khi đi vào vận hành chính thức, dẫn tới nhập sai thông tin trên hóa đơn đầu vào hoặc chậm xuất hóa đơn... dẫn tới rủi ro bị cơ quan thuế xử phạt, nếu nhà cung cấp không hỗ trợ kịp thời.

“Rất mong có sự đồng hành từ phía cơ quan thuế để hướng dẫn cho chúng tôi có thể thao tác thật đơn giản. Trong khi làm đôi khi không tránh được sai sót làm sao phân biệt được lỗi nào là cố tình, lỗi nào là vô tình. Bên cạnh đó, để tạo sự công bằng cho các hộ kinh doanh tuân thủ nghiêm túc, đề nghị cần có chế tài đối với các hộ kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử hoặc xuất hóa đơn điện tử giả, xuất hóa đơn giấy, không phải hóa đơn điện tử”, chị Nguyễn Việt Trinh đề nghị.

Hộ kinh doanh có dễ tuân thủ?

Theo một số chuyên gia về thuế, việc thay đổi thói quen sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử có thể gây ra khó khăn trong giai đoạn đầu cho các hộ kinh doanh. Về kỹ thuật, không phải mọi hộ, cá nhân kinh doanh đều đã có kết nối, đầu tư trang thiết bị là máy tính tiền. Điều này dẫn tới việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, do phải đầu tư chi phí mua sắm thiết bị và học cách vận hành.

Về tâm lý, xưa nay các hộ, cá nhân kinh doanh đang được hưởng thuế khoán, thì nay phải kê khai hết các khoản doanh thu và chi phí, nên có tâm lý ngần ngại không muốn thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam (VTCA

Với bối cảnh hiện tại, Nghị định 70/2025 có quy định bắt buộc các hộ kinh doanh phải thực hiện chuyển đổi. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam (VTCA), từ ngày 1/6, việc này không còn là tự nguyện mà là bắt buộc. Bên cạnh đó, thời điểm xuất hóa đơn là ngay tại thời điểm bán hàng/cung cấp dịch vụ và thu tiền, có nghĩa là không được dồn về cuối ngày để xuất một lần như trước đây. Yêu cầu này áp dụng cho tất cả các hoạt động bán lẻ, ăn uống, taxi công nghệ... Do đó, các hộ kinh doanh cần tuân thủ pháp luật và cập nhật chính sách sẽ giúp phòng tránh rủi ro.

“Người chủ kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai. Họ sẽ phải lựa chọn là rủi ro hay tuân thủ pháp luật và chúng tôi khuyên các hộ, cá nhân kinh doanh cố gắng chung tay thực hiện nghĩa vụ thuế, từ đó tránh được rủi ro đáng tiếc. Hơn nữa, sự ra đời của hóa đơn điện tử đã giúp chúng ta thay đổi và thuận lợi hơn với việc kê khai thuế tự động”, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.

Bên cạnh đó, bà Cúc cũng lưu ý, hộ kinh doanh cần đặc biệt chú ý đến các quy định về hóa đơn đầu vào. Việc quy định về hóa đơn thuế giá trị gia tăng đầu vào thì phải theo chế độ hóa đơn chứng từ. Trong quá trình kê khai, hộ kinh doanh cần chủ động khai báo doanh thu thực tế, tránh tình trạng bị Cơ quan Thuế phát hiện gian lận.

“Nguyên tắc hàng hóa mua vào phải có hóa đơn chứ không chỉ là hóa đơn đầu ra. Thay vì xuất hóa đơn vào cuối ngày như hiện nay, từ ngày 1/6, bán hàng và thu tiền ở đâu phải xuất hóa đơn điện tử ở đó. Đây là thay đổi rất mới nên các hộ, cá nhân kinh doanh cần nắm để thực hiện”, bà Cúc lưu ý.

Với tư cách là một chuyên gia tư vấn thuế, bà Cúc nhấn mạnh vai trò của công nghệ và dịch vụ hỗ trợ. Bà khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng phần mềm kế toán uy tín và dịch vụ đại lý thuế để giúp có thể thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng, chính xác, tiết kiệm chi phí và tuân thủ pháp luật. Theo Chủ tịch VTCA, các hộ, cá nhân cần chọn các giải pháp phần mềm cần đơn giản, dễ sử dụng với chi phí hợp lý.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bo-thue-khoan-ap-dung-hoa-don-dien-tu-giam-rui-ro-tranh-nop-thue-oan-post1198317.vov
Zalo