Tính toán kỹ lưỡng các tác động của việc giảm thuế GTGT
Phát biểu tại Tổ 5 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Yên Bái, Bình Dương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, giảm thuế GTGT sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dẫn đến sự tăng trưởng của các nguồn thu khác, bù đắp một phần cho khoản giảm thu từ thuế này. Do đó, Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng các tác động này để đưa ra quyết định phù hợp.
Quy định gọn và rõ sẽ giúp hành thu hiệu quả
Phát biểu về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, giảm thuế giá trị gia tăng là một chính sách được xem xét góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước, tương tự như các biện pháp đã được áp dụng trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Chính phủ, việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, do đó Chính phủ cần phải tính toán lại các khoản thu, chi để đảm bảo cân đối ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức
Phân tích tác động của chính sách này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh. Khi việc giảm thuế GTGT làm giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ thì sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. “Điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng của các nguồn thu khác, bù đắp một phần cho khoản giảm thu từ thuế GTGT. Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng các tác động này để đưa ra quyết định phù hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Liên quan tới kỹ thuật văn bản về việc đưa chính sách giảm thuế GTGT vào Nghị quyết chung của Quốc hội hay Nghị quyết riêng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết nếu chính sách giảm thuế không có gì thay đổi so với trước đây, thì nên đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội. Nhưng, nếu mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng (trong nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10%), thì nên thiết kế đưa vào Nghị quyết riêng.
“Nghị quyết riêng này cũng nên được viết ngắn gọn, súc tích, rõ ràng về việc điều chỉnh, những ngành, lĩnh vực nào được giảm thuế, để khi công bố, người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Điều này cũng sẽ giúp cho việc hành thu của các cơ quan thực thi có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn, thay vì phải tham chiếu một văn bản dài”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku để tạo tuyến kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn; kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; kết nối với khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia...
Lưu ý về những vấn đề cần chú ý thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí đầu tư xây dựng của Dự án mới ở bước sơ bộ và dựa trên giá đất hiện hành, nên cần rà soát, tính toán các chi phí kỹ lưỡng, bảo đảm không làm tăng tổng mức đầu tư.
Những cơ chế đặc thù, đặc biệt được Quốc hội cho phép thực hiện vừa qua đã giúp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù, tái định cư ở nhiều dự án. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các cơ quan chức năng cần khảo sát chính xác, địa phương chủ động bố trí kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư để ổn định đời sống cho người dân.
Đồng thời, các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương, kịp thời hướng dẫn thực hiện để tránh xảy ra tình trạng cát cứ trong khai thác nguyên vật liệu xây dựng, có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.

ĐBQH Nguyễn Văn Lợi (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
Đặc biệt quan tâm đến những yếu tố liên quan đến dân sinh, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, các cao tốc nếu “xây dựng dọc để tiến ngang” thì dễ trở thành bờ đê, không đủ các cống, cầu thoát nước, gây úng trên vùng thượng lưu. Tuyến cao tốc này cũng theo hướng Đông Tây nên các đơn vị, cơ quan phải hết sức lưu ý xây dựng các hạng mục công trình thoát nước, cũng như phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng sạt lở đất.
Bên cạnh chú ý khảo sát, đánh giá về những tác động từ thiên nhiên, bão lũ đến công trình, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần chú ý xây dựng các đường kết nối, đường dân sinh phục vụ cho công trình, tránh gây chia cắt ruộng nương của người dân.
“Dự án này đi qua vùng Tây Nguyên, người dân canh tác cao su, cà phê, tiêu trên diện tích lớn nên càng cần chú ý để không làm chia cắt nương rẫy của người dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Làm rõ việc bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong năm 2025
Các ĐBQH trong Tổ 5 nhất trí với sự cần thiết giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 theo đề nghị của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương), việc giảm thuế GTGT là rất kịp thời, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho rằng, dù Chính phủ kiến nghị cho thời gian áp dụng dài hơn (18 tháng), phạm vi mở rộng hơn so với những lần giảm thuế được ban hành trước đây nhưng nhìn chung “còn gọn”.
Do đó, đại biểu đề nghị, quyết nghị nội dung này trong Nghị quyết chung của kỳ họp, làm rõ bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong năm 2025, thực hiện các nhiệm vụ theo đúng dự toán đã được Quốc hội thông qua.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, việc giảm thuế GTGT sẽ rất tốt cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng, từ số liệu báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc giảm thuế GTGT dự kiến sẽ gây giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng chưa được đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Đại biểu lưu ý, việc này cùng các khoản chi NSNN mới phát sinh và các chính sách giảm thu khác trong các nghị quyết mới sẽ được ban hành, các dự án mới được thông qua có thể tác động đến việc bảo đảm dự toán thu và bội chi NSNN năm 2025 cũng như việc xây dựng dự toán của năm 2026.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị, Chính phủ cần làm rõ giảm thuế GTGT giúp tăng bao nhiêu điểm GDP, hoặc tác động đến tăng trưởng của từng ngành. “Ở lần đề nghị giảm thuế GTGT này đã có sự thay đổi lớn khi đưa kỳ giảm thuế dài hơn đến 31/12/2026, nhưng không thể điều hành theo cảm tính, phải có cơ sở khoa học cho mỗi chính sách, quyết định”, đại biểu nêu quan điểm.