Tinh thần yêu nước soi sáng con đường đi tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Những ngày đầu xuân này, là một cựu chiến binh thuộc thế hệ sinh viên cầm súng, tôi lại nhớ đến câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: 'Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc'.

Chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, của con người Việt Nam là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Ảnh: ST

Chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, của con người Việt Nam là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Ảnh: ST

Quả đúng như vậy! Chỉ có tinh thần yêu nước mới có thể cắt nghĩa tại sao thế hệ sinh viên chúng tôi ngày ấy lại thanh thản “xếp bút nghiên ra trận”. Chỉ có lòng yêu nước mới tiếp thêm nghị lực cho thế hệ chúng tôi có sức mạnh tinh thần để vượt qua biết bao thử thách, gian lao, vất vả, ác liệt, hy sinh trong chiến tranh để cùng dân tộc ta giành chiến thắng!

Điều này không phải chỉ có chúng ta là người trong cuộc cảm nhận như thế mà cả những người nước ngoài có trái tim cùng nhịp đập với chúng ta cũng suy nghĩ như vậy! Một người trong số đó là nữ văn sĩ Bungasia Blaga Dimitrova khi sang Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ, bà đã viết về lòng yêu nước và sự hy sinh dũng cảm của thế hệ trẻ Việt Nam như sau: “Mỗi gia đình Việt Nam dường như ít nhất đều có một người thân mất đi… Chiến tranh là sự giết chết thời gian. Không ai có thể trả lại cho cả một thế hệ những năm tháng tuổi trẻ, khi tương lai họ đang hình thành… Một thế hệ mà tương lai họ đã bị giết chết. Nhưng chính thế hệ đó, thế hệ mà ta tưởng rằng phải rền rĩ tiếc than vì đã bỏ mất đi cái thời gian quý nhất trong đời mình, lại cất tiếng cười trong đêm tối và lấy tuổi trẻ của mình mà lấp những hố bom!”.

Có thể thấy ở thời kỳ chiến tranh, biểu hiện của lòng yêu nước là sự xả thân, sẵn sàng cầm súng ra chiến trường chiến đấu chống lại kẻ thù để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thì ngày nay, trong thời bình, lòng yêu nước cũng có những biểu hiện khác. Lòng yêu nước hiện nay yêu cầu thế hệ trẻ nói riêng và toàn dân ta nói chung là phải tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng con đường cho dân tộc ta đi tới mục tiêu trong tương lai không xa, Việt Nam có thể sánh vai với những nước phát triển và các cường quốc trên thế giới.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam gần 95 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh rằng, trong những bước phát triển nhảy vọt của cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, của con người Việt Nam là nguồn gốc của mọi thắng lợi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, thành công của cách mạng tháng 8 năm 1945 đã trở thành tiền đề cho sự thiết lập mô hình chính thể dân chủ cộng hòa, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam; đưa tên nước Việt Nam hiện đại xuất hiện trên bản đồ thế giới.

Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi đã kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhưng cũng đầy vẻ vang đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Năm 1986, quyết định Đổi mới đã đánh dấu quá trình cả dân tộc quyết tâm thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa đất nước thoát khỏi thế bị bao vây và bị cô lập trên trường quốc tế. Vì thế, gần bốn thập kỷ vừa qua có thể coi là một kỷ nguyên trong lịch sử dân tộc, đặc trưng bởi những nỗ lực đổi mới và hội nhập quốc tế.

Sự vận động của lịch sử cho thấy, sau những cột mốc có tính bước ngoặt là một giai đoạn phát triển, gắn với những nỗ lực cho các mục tiêu mới, và thường được gọi là thời kỳ hoặc kỷ nguyên. Do đó, kỷ nguyên mới là khoảng thời gian sắp tới, cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu mới.

Kỷ nguyên mới với những mục tiêu lịch sử đòi hỏi khách quan phải phát huy đến mức cao nhất tinh thần yêu nước, ý chí và sức mạnh của nhân dân - chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới.

Những tháng cuối năm 2024, khái niệm “Kỷ nguyên vươn mình” đã trở thành một từ khóa được nhắc đến sâu rộng trong xã hội Việt Nam. Đây là sự kết tinh của khát vọng và tầm nhìn hướng tới một tương lai thịnh vượng, bền vững cho quốc gia; là lời kêu gọi mỗi người chúng ta hãy vượt qua chính mình để tạo dựng một đất nước Việt Nam xứng tầm trên trường quốc tế.

Sau gần 40 năm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, bối cảnh thế giới ngày nay đã khác rất nhiều. Sự phức tạp của các vấn đề kinh tế, chính trị, môi trường và công nghệ đòi hỏi Việt Nam phải có một cách tiếp cận mới. Vì vậy, có thể nói “Kỷ nguyên vươn mình” là một cuộc cách mạng tư duy mang tầm vóc quốc gia, với những định hướng và chiến lược rõ ràng như: đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh gọn tổ chức bộ máy; tạo đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn…

Trong buổi trao đổi về chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày 25/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng.

Một đất nước sẽ “vươn mình” khi từng cá nhân trong xã hội nhận thức được trách nhiệm và tiềm năng của mình. Từ bạn sinh viên trẻ cho đến một nhà quản lý cấp cao, từ người nông dân cho đến các nhà doanh nghiệp, mỗi cá nhân và tổ chức đều là một mắt xích trong hành trình bứt phá của dân tộc. Một Việt Nam năng động, đổi mới và thịnh vượng chắc chắn sẽ sớm trở thành hiện thực khi tất cả chúng ta cùng nhau hành động.

Có thể nói, đây là thời cơ chiến lược mà chúng ta cần phải nắm bắt và thực hiện không được bỏ lỡ. Chỉ có như vậy chúng ta mới hiện thực hóa được mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 và biến khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” thành hiện thực./.

NGUYỄN HỮU MÃO

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tinh-than-yeu-nuoc-soi-sang-con-duong-di-toi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-37930.html
Zalo