Kiến tạo ngay từ quy trình lập pháp

Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín tới. Đây không phải là lần đầu tiên 'đạo luật để làm luật' này được sửa đổi toàn diện, nhưng có lẽ sẽ là lần sửa đổi đặc biệt nhất kể từ khi được ban hành lần đầu tiên vào năm 1996 đến nay.

Đặc biệt là bởi, trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới sâu sắc tư duy xây dựng pháp luật, hơn lúc nào hết, việc sửa đổi luật này phải bảo đảm thiết kế được một quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Nói cách khác, ngay từ quy trình xây dựng pháp luật đã phải thể hiện được tinh thần kiến tạo, tập trung tháo gỡ nhanh nhất các điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn về thể chế, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Dự luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua, 5.2, đã thể hiện rõ tinh thần đó. Trước hết là ở ngay số lượng các điều khoản. Dự luật đã giảm tới 101 điều, từ 173 điều của Luật hiện hành xuống chỉ còn 72 điều, giảm 58,38% số điều; các điều, khoản cụ thể cũng được thiết kế gọn, đơn giản, rõ, dễ hiểu hơn.

Về nội dung, dự luật đã tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật gồm: tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, với mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự luật đã bổ sung một số nguyên tắc quan trọng về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc; kịp thời giải quyết vấn đề bất cập, yêu cầu phát sinh từ thực tiễn; bảo đảm quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn được thể hiện tại nội dung cụ thể của một số điều như: xin ý kiến của Bộ Chính trị đối với xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt, trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của đảng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật…

Về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự luật đã đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo hướng: vừa bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa nâng cao “năng suất”, vừa chú trọng bảo đảm chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm đánh giá tác động thực chất; bảo đảm cơ chế tiếp thu, giải trình, ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và quy định pháp luật. Cụ thể là, tập trung vào 2 vấn đề lớn, trọng tâm gồm: đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt.

Dù còn một số nội dung cụ thể cần tiếp tục hoàn thiện sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, song nhìn chung, dự luật được đánh giá cao, đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu đề ra. Như vậy, có thể kỳ vọng vào một quy trình lập pháp thực sự chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, từ đó, tạo đột phá trong giải quyết "điểm nghẽn" thể chế để khắc phục hiệu quả các điểm nghẽn khác, khơi thông mọi nguồn lực và kiến tạo cơ hội phát triển cho đất nước trong thời gian tới.

Quỳnh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kien-tao-ngay-tu-quy-trinh-lap-phap-post403714.html
Zalo