Từ việc làng, việc nước đến kỷ nguyên vươn mình
Từ bé tôi đã nghe người lớn tuổi nói 'Việc làng, việc nước phải cư xử cho đàng hoàng'.
![Ở làng khi có việc thì tất cả cùng xắn tay vào làm, họ coi việc làng như thể việc nhà (ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_428_51406473/c6d1eaf5d5bb3ce565aa.jpg)
Ở làng khi có việc thì tất cả cùng xắn tay vào làm, họ coi việc làng như thể việc nhà (ảnh minh họa)
Sống ở làng
Mùng 3 Tết ở quê, từ tờ mờ sáng, bên cạnh tiếng lạch cạch của xóm giềng trở dậy cơm nước, là tiếng loa truyền thanh của làng thông báo: Một bà cụ qua đời vì tuổi cao, sức yếu.
Thế là mấy ngày Tết còn lại, làng xóm vắng tiếng hát hò. Thật không hợp thời điểm, nhưng cả làng im ắng, chỉ còn những tiếng chúc nhau nhỏ nhẹ. Tiếng "dô ta, dô tà" nổ trong các bữa nhậu cũng bớt đi.
Loa thông báo, cũng vừa là phân công nhiệm vụ:
- Bà con tập trung tại tang gia từ 8 giờ sáng, để truy điệu rồi đưa cụ ra đồng.
Anh con nhà bác tôi cũng ở trong danh sách ấy.
- Ngày Tết đi anh có ngại không? - tôi hỏi.
- Ngại gì? Việc của nhà mình cả làng đều luân phiên làm thế. Mình không đi không được. Nếu bận thì phải báo trưởng thôn để thay con em mình vào chỗ trống.
Hỏi thế, chứ thực tình bao năm thoát ly, nhưng tôi luôn nhớ nếp làng.
![Tình nghĩa xóm giềng được nhân lên mỗi khi làng có việc (ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_428_51406473/e1a2a1869ec877962ed9.jpg)
Tình nghĩa xóm giềng được nhân lên mỗi khi làng có việc (ảnh minh họa)
Làng tôi khuất nẻo, ở thế "Một con gà gáy 3 tỉnh nghe tiếng", vừa sát Hưng Yên, lại cạnh Bắc Ninh. Không phải làng Bắc Bộ cổ, mà các cụ truyền nhau, làng tôi gốc gác từ nơi khác tụ về quãng 200 năm nay, thế nhưng những "thâm căn" của làng bao năm vẫn giữ.
Nhà có đám, nhất là đám hiếu, dù có mâu thuẫn với nhau, nhưng vẫn phải có mặt, đã thành một lệ tục. Giống như người bên Công giáo có câu "Nay người, mai ta" vậy, để khi nhà mình có việc, xóm làng cũng đối đãi y như cách mình đối xử.
Lại nhớ hồi bao cấp, nhà ai có đám cưới thì cả làng như hội. Đèn măng xông sáng rực, nhạc Bonye 79 vang động cả một vùng. Chả cần có họ hàng, cứ đến tối trước hôm cưới là người già, trẻ nhỏ rủ nhau đến đám ăn trầu, uống nước, xem thanh niên nhảy nhạc xập xình.
Nhưng để có được một đám cưới ấy là công sức của cả họ hàng, làng xóm. Để dựng chiếc rạp cưới phải đi mượn từng cây tre, miếng bạt, chia nhau đi mượn từng chiếc nồi niêu, từng chiếc mâm nhôm, mâm đồng làm cỗ...
Rồi làm con đường ra đồng, nhà ai không góp của, góp công, chắc "khó sống" ở làng.
"Việc làng" là vậy. Đã ở làng, khi có việc phải xắn tay cùng làm, coi việc làng như việc của nhà thì mới sâu rễ, bền gốc. "Sống ở làng, sang ở nước" là thế, để nói về sự quan trọng ở làng.
Ai cũng lo việc nước
![Hình ảnh bà con các dân tộc góp công, góp của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ từ hơn 70 năm trước được khắc họa trong bức tranh lớn tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_428_51406473/7d1112352d7bc4259d6a.jpg)
Hình ảnh bà con các dân tộc góp công, góp của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ từ hơn 70 năm trước được khắc họa trong bức tranh lớn tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Hồi năm ngoái, dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi tìm gặp ông Nguyễn Đức Nội, năm nay tròn 90 tuổi, là cựu chiến binh Điện Biên Phủ.
Ông kể, năm 1952, trước Chiến thắng Điện Biên Phủ 2 năm, ông mới 16 tuổi, cùng 18 thanh niên làng Lãng Xuyên, xã Gia Tân (nay là xã Gia Phúc, Gia Lộc) được 1 bộ đội dẫn đường lên chiến dịch. Lúc tiết lộ bí mật với mẹ về dự định "đi chiến dịch", mẹ ông nói:
- Mày bé thế này, đi có theo kịp người ta không? Đi là chết...
- Thanh niên làng kéo nhau lên rồi mẹ ơi. Con đi được. Chết cũng được - ông trả lời như vậy.
Tôi đã bao lần tự vấn, cách đây 73 năm, bằng một cách thần kỳ nào đó, các chàng trai mới lớn, mới 16 - 17 tuổi, ăn còn chưa đủ no nhưng đã cùng nhau đi chiến dịch trong một đêm tối bão bùng, dù chẳng biết có còn sống trở về hay không.
Có lẽ, chỉ có thể lý giải, họ coi đó là việc nước thì phải làm, rằng khi có giặc thì phải cùng nhau đánh đuổi.
![Những chàng trai phơi phới ra trận vì việc nước phải làm (ảnh tư liệu)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_428_51406473/492224061b48f216ab59.jpg)
Những chàng trai phơi phới ra trận vì việc nước phải làm (ảnh tư liệu)
Rồi bao lần về Kiếp Bạc, đứng trên đê Lục Đầu Giang nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy ra cửa biển, tôi lại hình dung và tự hỏi, tại sao thời nhà Trần, hàng chục vạn nông dân, ngư dân lại rời xa gia đình về Vạn Kiếp hội quân?
Thay vì cầm cuốc cày, thay vì khua chèo, đan lưới, họ lại dùng đôi tay ấy vung gươm đao đánh đuổi quân Mông Nguyên - thứ giặc hung hãn và tinh nhuệ, là nỗi khiếp sợ của bất kỳ quốc gia phong kiến nào từ Á đến Âu ra khỏi quốc gia Đại Việt?
Có lẽ, cũng chỉ lý giải ngắn gọn trong từ việc nước. "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", huống hồ đàn ông.
Chiến tranh qua đi, nhưng những người dân Việt Nam từ miền sơn cước cho đến đồng bằng hay phố thị vẫn trọn vẹn việc làng, việc nước, như cái cách mà hàng nghìn năm trước cha ông của họ vẫn làm.
Từ việc làng đến việc nước trọn nghĩa, vẹn tình, xóm làng yên ổn thì quốc gia thịnh vượng, để Việt Nam ta có đủ đầy nguồn lực bước sang trang mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.