Tỉnh Quảng Trị quy hoạch khu di tích Dinh chúa Nguyễn

Tỉnh Quảng Trị xây dựng quy hoạch Dinh chúa Nguyễn nhằm bảo tồn, tôn tạo và tạo ra một khu du lịch lịch sử - văn hóa tại huyện Triệu Phong.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia "Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558-1626)".

Quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các yếu tố mang tính lịch sử gốc của di tích; tạo ra không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm các chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử - văn hóa, làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị.

 Đoàn chuyên gia khảo sát di tích lịch sử quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn. Ảnh: TQ

Đoàn chuyên gia khảo sát di tích lịch sử quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn. Ảnh: TQ

Phạm vi, quy mô lập di tích bao gồm 10 di tích, địa điểm di tích và 4 công trình xếp hạng bổ sung thuộc địa giới các xã Triệu Ái, Triệu Giang, Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong.

Quy hoạch này bao gồm điều chỉnh khu vực bảo vệ của các di tích: Bãi trận; Miếu Trảo Trảo phu nhân; Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ; Lăng mộ người Việt cổ; Giếng Phủ - Phủ Thờ.

Quy hoạch kiến nghị tiến hành khai quật khảo cổ, xây dựng đền thờ Nguyễn Hoàng và các công trình mang tính tưởng niệm, phát huy giá trị văn hóa và giá trị di tích của địa điểm Dinh Ái Tử (1558 - 1570); Dựng bia giới thiệu di tích, kết hợp với không gian tái hiện Chợ Hôm xưa.

Đối với địa điểm Miếu Trảo Trảo phu nhân, sẽ có phương hướng phục hồi theo hình ảnh tư liệu, hướng nhìn ra sông Thạch Hãn. Tại Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, sẽ tôn tạo lại theo kiến trúc - mỹ thuật thời Lê Trung hưng và thời kỳ chúa Nguyễn ở Đàng Trong…

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị sẽ cắm mốc bảo vệ di tích, xây dựng biển giới thiệu, tôn tạo cảnh quan hạ tầng kỹ thuật,… đối với các địa điểm như: Ghềnh Phủ, Mô Súng, Cồn Tập, Tàu Tượng, Bãi Trận, Lăng mộ người Việt cổ.

Với khu vực phát huy giá trị di tích sẽ có hai trục chính. Trong đó, một trục là "cội nguồn lịch sử" tạo ra một không gian gợi nhớ về hình ảnh bước tiến xưa của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và quá trình dựng dinh phủ đầu tiên trên đất Ái Tử - Trà Bát. Trục còn lại phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch…

Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tinh-quang-tri-quy-hoach-khu-di-tich-dinh-chua-nguyen-post322692.html
Zalo