Tình người nơi xóm ve chai
Giữa xóm ve chai đầy phế liệu, những con người lam lũ vẫn sưởi ấm nhau bằng tình thương, sẻ chia từng bữa cơm, giấc ngủ và cả những giấc mơ dang dở.
Nép mình sâu trong con hẻm 184, đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP.HCM), có một khu trọ chật chội mà người dân quen gọi bằng cái tên thân thương: “Xóm ve chai”.

Người dân cùng trò chuyện trước hẻm.
Nhặt ve chai để nuôi người bạn tai biến
Trong căn phòng trọ 10m2, mái tôn thủng lỗ chỗ, sàn lót bạt cũ loang lổ, trở thành tổ ấm của bà Lê Thị Ánh Mai (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Cảnh (72 tuổi).
Quần áo, xoong nồi, đa phần là đồ đi nhặt về, được bà Mai tân trang để dùng. Trước hiên, đống ve chai chất cao như chỉ dấu của cuộc mưu sinh không ngừng nghỉ. Mỗi ngày, hai bà kiếm được 40.000-50.000 đồng, vừa đủ trả 1,5 triệu đồng tiền trọ, còn lại chắt chiu mua thức ăn, đôi khi nhờ hàng xóm hỗ trợ gạo.


Bà Mai (bên phải) cùng bà Cảnh (bên trái) kể về lần gặp gỡ định mệnh.
Năm 1995, khi bà Mai đang đi nhặt ve chai, tình cờ bắt gặp bà Cảnh co ro trên vỉa hè gần nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM). Sau 3 tháng trò chuyện, biết bà Cảnh không nơi nương tựa, bà Mai ngỏ ý rủ về thuê trọ chung.
“Tôi cũng nghèo, nhưng ít ra còn có chỗ ngủ. Cả hai đều khốn khó, nhưng từ ngày có nhau, cuộc sống dù nghèo vẫn vui, bớt cô đơn” - bà Mai tâm sự.
Bảy năm trước, bà Cảnh bị tai biến, tay chân không còn cử động, bệnh tim và tiểu đường khiến cơ thể suy yếu. Mọi sinh hoạt, từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống, đều do bà Mai chăm sóc.


Bà Cảnh dù không nói được vẫn cố gắng nói "Tôi rất thương bà Mai".
“Lúc đó, tiền thuốc men phần lớn xin từ hàng xóm. Chị em tôi đùm bọc nhau, thương yêu, không gây lộn bao giờ. Nương tựa nhau sống là hạnh phúc” - bà Mai tâm sự.
Dù bản thân bà Mai cũng mang bệnh, sức khỏe yếu nhưng bà vẫn kiên trì chăm sóc bạn.

Trước hiên tổ ấm của bà Cảnh và bà Mai.
“Dù nghèo khó, xóm ve chai này vẫn đong đầy tình nghĩa. Lúc chúng tôi bệnh, có người nấu canh đem tới, người khác thì để cơm hâm lại ăn. Mọi người sống dựa vào nhau. Giờ già hết cả rồi, ai giúp gì được thì giúp nhau" - bà Mai hạnh phúc nói.
Bà Mai từng một mình nuôi hai con nhỏ, giờ các con đã có gia đình riêng, thỉnh thoảng ghé thăm. Sức khỏe bà Cảnh suy giảm, không giấy tờ để khám bệnh, thuốc men tiêu tốn 600.000-700.000 đồng mỗi tháng.
“Có mấy người còn nói tôi bỏ bà Cảnh đi, nhưng làm sao bỏ được, không có ai ngoài mình. Hồi đó, khi còn khỏe, hai tụi tui cùng nhau đi nhặt ve chai, đồng lòng nuôi hai đứa con của tui, đứa lớn mới 7 tuổi, đứa nhỏ mới 3 tuổi.
Mỗi ngày, chúng tôi đi nhặt ve chai, hai đứa nhỏ ở nhà tự trông nhau. Nếu ai bệnh, người còn lại đi làm, gánh vác phần nặng hơn. Sống với nhau vậy là vui rồi” - bà Mai nói.
"Xóm này sống được lắm!"
Gắn bó với xóm ve chai suốt 36 năm, bà Tô Thị Lan (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) sống trong căn nhà chưa đầy 25 m² cùng 9 người thân và một chú chó. Gia đình bà có bốn anh chị em, nhưng anh hai đã mất, chỉ còn một chị lập gia đình. Không chồng con, bà Lan và chị gái nương tựa nhau từ nhỏ.



Bà Lan chỉ mong có tiền để mua thuốc giảm đau cho chị gái.
Hiện tại, bà Lan đi nhặt ve chai kiếm được khoảng 80 ngàn đồng mỗi ngày để chăm sóc và nuôi người chị của mình.
Làm công nhân xí nghiệp may gần 30 năm, bà nghỉ hưu năm 48 tuổi vì bể túi mật, rồi phát hiện ung thư ngực. Số tiền tích lũy tiêu tan sau hai năm điều trị, nhưng nhờ gia đình và hàng xóm góp sức, bà vượt qua hiểm nghèo, hiện bà đang chờ tái khám.
“Bệnh viện thấy nhà khó khăn nên quyên góp giúp một phần, còn lại hàng xóm quyên góp thêm rồi gia đình tôi gom tiền xoay sở” - bà Lan nói.
Năm 2021, trong giai đoạn dịch COVID-19, chị bà bị tai biến lần đầu. Đến tháng 9-2024, chị bà tái phát tai biến lần thứ hai, nằm liệt giường và phát hiện ung thư ngực giai đoạn cuối.
“Đến khi chữa xong cho tôi thì chị tôi nói ngực có gì đó lạ. Chị tôi đi khám thì bác sĩ nói bị ung thư, không cứu được nữa. Khối u sưng lớn, đau dữ dội, cổ teo lại, chỉ uống được sữa cầm cự. Ban đêm, chị khóc vì đau nhức, nhưng tôi chỉ biết nén lòng. Tôi chỉ mong có tiền mua thuốc giảm đau cho chị” - bà Lan trải lòng.
Bà Lan không biết chạy xe, chỉ đi bộ quanh mấy khu chung cư. Ngoài khoản thu nhập ít ỏi, bà nhận 10kg rau từ thiện mỗi tháng, đủ để duy trì cuộc sống tối giản.
“Xóm này tuy nghèo nhưng vui vẻ, mọi người sống chan hòa, đùm bọc nhau. Xóm này sống được lắm. Ở đây, ai gặp khó khăn, cả xóm sẵn sàng chung tay. Có người mất người thân hay bệnh nặng, cả xóm gom góp.
Có người còn tặng cả hòm. Hồi thời dịch, ai xin được đồ là đem chia cho xóm. Một lần, cả xóm góp tiền và kêu gọi giúp chú Minh (một người bị hoại tử, ruột lòi ra ngoài) phẫu thuật cứu mạng. Ở đây giống một xã hội thu nhỏ, một gia đình thứ hai. Ai có gì cho nấy, sống bằng tình thương” - bà Lan kể.
Còn ông Trần Văn Minh (66 tuổi, quê Đắk Nông) đã sống 10 năm với xóm ve chai. Ông Minh mắc bệnh nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng. Mỗi ngày, ông đều đặn uống thuốc để giảm đau và duy trì sự sống.

Sau buổi sáng nhặt ve chai, ông Minh trở về với tổ ấm của mình.
“Lần tôi mổ sau Tết, khi tôi nằm viện, những người cùng phòng bệnh chăm sóc ông tận tình. Về xóm, hàng xóm thay phiên nấu cháo, mang canh qua cho. Bà bên này, vợ chồng thằng bên kia nấu cho tôi ăn. Có bà kia bị liệt thì bà này chăm sóc.
Người trong xóm thương nhau, đùm bọc. Ai bệnh đau là xúm lại tới giúp liền, người nấu cháo, người bưng cơm. Không chỉ riêng tôi bệnh mà ở đây ai khó khăn cũng đều giúp. Xóm tuy nghèo nhưng tình nghĩa. Tết đến, mạnh thường quân và nhà thờ gần đó gửi gạo, vài chục ngàn đồng, giúp tôi có bữa cơm đủ đầy. Chủ trọ, thấy hoàn cảnh khó khăn cũng chia sẻ rau nhà trồng, nước mắm" - ông Minh tâm sự.
Hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm cho bà con
Ông Nguyễn Tiến Phước, Chủ tịch UBND phường 26 (quận Bình Thạnh), cho biết người dân sinh sống tại cuối hẻm 184 Nguyễn Xí, khu phố 18, phường 26 chủ yếu là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đến từ nhiều địa phương khác nhau.
Họ bôn ba vào TP.HCM mưu sinh bằng các công việc tự do như nhặt ve chai, buôn bán phế liệu, bán vé số… Chính vì vậy, người dân quanh khu vực quen gọi nơi đây bằng cái tên dân dã: “Xóm ve chai”.
“Chúng tôi luôn sát cánh cùng bà con, lắng nghe nguyện vọng để hỗ trợ kịp thời. Hằng năm, phường phối hợp mạnh thường quân tặng quà Tết, nhu yếu phẩm như gạo, mì, bánh, sữa.
Tết Nguyên đán 2025, ở đây có 22 hộ nhận quà, mỗi phần 500.000 đồng, tổng kinh phí 11 triệu đồng. Năm 2024, UBMTTQ phường cũng trao hơn 50 phần quà lễ, Tết, mỗi phần 400.000 đồng, cùng hỗ trợ đột xuất gạo, mắm, muối, giúp bà con giảm gánh nặng sinh hoạt” - ông Phước nói.
Theo ông Phước, do nhiều người xa quê thiếu giấy tờ tùy thân nên câu chuyện tìm việc làm ổn định và tham gia bảo hiểm y tế gặp khó khăn. Đảng ủy phường chỉ đạo UBND và công an phường thu thập thông tin, hỗ trợ cấp mã số định danh và căn cước công dân cho 35 trường hợp có “nhân khẩu đặc biệt”.
Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục chăm lo đời sống bà con, hỗ trợ phương tiện sinh kế và giới thiệu việc làm để cải thiện cuộc sống, giúp xóm ve chai vượt khó, xây dựng tương lai ổn định hơn.