Vì sao người Việt trẻ ngày càng ngại kết hôn?

Tuổi trung bình khi lập gia đình lần đầu của người Việt Nam đang ngày càng tăng. Cụ thể, nam giới kết hôn lần đầu ở độ tuổi trung bình là 29,8 tuổi và nữ giới là 27 tuổi.

Số liệu do Cục Thống kê (trước đây gọi là Tổng cục Thống kê) công bố hồi cuối tháng 4/2025, dựa trên dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng, cho thấy xu hướng kết hôn muộn ở cả hai giới tiếp tục tăng, với mức tăng trung bình 1,1 tuổi từ năm 2021 đến 2023.

Phân tích từ dữ liệu cũng cho thấy, phụ nữ thường kết hôn sớm hơn nam giới. Trong các cặp đôi, hơn 72% trường hợp người chồng lớn tuổi hơn vợ, và chênh lệch phổ biến là 1 đến 4 tuổi (chiếm khoảng 43%). Trong khi đó, tỷ lệ các cặp vợ lớn tuổi hơn chồng chỉ chiếm khoảng 16%.

Đáng chú ý, theo số liệu công bố trước đó vào tháng 7/2024, TP.HCM hiện là địa phương có độ tuổi kết hôn trung bình cao nhất cả nước, với con số lên tới 30,4 tuổi, vượt xa nhiều tỉnh thành khác.

Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết các nghiên cứu ghi nhận ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do. Ngoài ra, người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng...

Người Việt kết hôn ngày càng muộn (Ảnh minh họa)

Người Việt kết hôn ngày càng muộn (Ảnh minh họa)

Trong khi tuổi kết hôn tăng, mức sinh của Việt Nam giảm. Lý do, kết hôn muộn kéo theo sinh con muộn. Tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ Việt Nam hiện nay là khoảng 28-29. Còn tỷ suất sinh của Việt Nam những năm gần đây dao động quanh mức 1,8-1,86 con/phụ nữ, thấp hơn hẳn mức thay thế 2,1. Đây là hệ quả của xu hướng giới trẻ "lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con". Độ tuổi kết hôn tăng cùng tỷ lệ sinh giảm sẽ đẩy nhanh hơn quá trình già hóa dân số ở Việt Nam.

Dự báo, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có dân số già, tức người 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ có dân số siêu già, nghĩa là người cao tuổi chiếm đến 35%. Từ đó kéo theo tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước.

Vì sao nam, nữ nên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi?

Trong bối cảnh tuổi kết hôn trung bình đang tăng, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các cặp vợ chồng hay nam nữ thanh niên nên kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ nên sinh con thứ hai trước 35 tuổi, vì thời điểm 20 - 34 tuổi là thời điểm những người phụ nữ mang thai và sinh con thuận lợi nhất, thuận buồm xuôi gió, mẹ tròn con vuông, ít gặp những bệnh mãn tính và tai nạn sản khoa.

Nam, nữ nên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi (Ảnh minh họa)

Nam, nữ nên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi (Ảnh minh họa)

TS.BS Phan Chí Thành - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, buồng trứng của phụ nữ như gia tài, của hồi môn của mẹ chia cho con gái để thực hiện thiên chức làm mẹ. Gia tài này chỉ suy giảm dần, không sinh thêm được. Tuổi càng cao chất lượng trứng càng kém và số lượng trứng ít khiến việc thụ thai gặp nhiều khó khăn.

Từ 20 đến 30 tuổi là giai đoạn buồng trứng chín muồi và hoạt động tốt nhất nên tỷ lệ cho ra nang trứng tốt sẽ cao hơn. Do đó, phụ nữ nên sinh con trong độ tuổi 20 - 30, tối đa 35 tuổi để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé, giảm tỷ lệ thai bất thường, vô sinh và tăng khả năng đậu thai.

Hơn nữa, ở tuổi này, sức khỏe phụ nữ tốt nên những tai biến gặp trong sản khoa và bệnh lý thai kỳ ít hơn như đái tháo đường thai kỳ hoặc tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật... Sức khỏe sản phụ tốt giảm tình trạng chảy máu sau sinh do tầng sinh môn không còn mềm mại, cuộc đẻ thuận lợi, giảm tỷ lệ mổ lấy thai do sức khỏe người mẹ đảm bảo.

“Trường hợp mang thai sau tuổi 35 có thể gặp nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Kim Ngân

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vi-sao-nguoi-tre-viet-ngay-cang-ngai-ket-hon-d206003.html
Zalo