Tĩnh lặng giữa dòng chảy của vô thường

Một trong những lời dạy đầu tiên của Đức Phật là bản chất của tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Với trí tuệ của một bậc toàn giác, Ngài đã nhận ra rằng bất cứ điều gì nhìn bề ngoài có vẻ ổn định thì đều liên tục thay đổi.

Thậm chí ngay cả những điều tưởng như vững chắc và lâu bền nhất cũng là duyên sinh và không đáng để bám víu. Tất cả các nhân duyên và hoàn cảnh mà chúng ta tin tưởng, cho dù là bên trong hay bên ngoài, cũng đang trong quá trình biến chuyển không ngừng.

Những lời khẳng định như trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vô thường trong đời sống của chúng ta. Vô thường như một đặc tính của thời gian, như một con quái vật nuốt chửng từng khoảnh khắc, đánh cắp những niềm vui và làm tiêu hao năng lượng của chúng ta. Cố gắng bám víu một cảm xúc hay trạng thái nào đó của tâm cũng vô vọng như việc nắm giữ cầu vồng, bởi trạng thái tinh thần và cảm xúc của chúng ta thay đổi trước cả khi chúng ta kịp nhận thức, định hình hay phản ứng lại chúng.

Chúng ta thường tự an ủi mình rằng những thứ quý giá như sức khỏe, bạn bè, tuổi trẻ, sự nghiệp, sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng sự thật là thời gian sẽ dần dần tước đi tất cả. Năm tháng trôi qua, các mối quan hệ cũng sẽ phải kết thúc vì nhiều lý do khác nhau, gia đình chia lìa, sức khỏe giảm sút và những cơ hội cũng trở nên khó nắm bắt hơn.

Chúng ta từng chứng kiến những điều vô thường trong cuộc sống, nhưng lại hiếm khi thực sự chấp nhận nó. Chúng ta vẫn luôn hy vọng và cố níu giữ những gì chúng ta đang có. Ta có bạn bè mới, tình yêu mới, nhưng khó mà chấp nhận rằng một ngày nào đó những mối quan hệ ấy có thể tan biến, hoặc tệ hơn là trở thành gánh nặng hay thù địch.

Chúng ta từ chối tin rằng mình sẽ già đi, dù dấu hiệu của tuổi tác ngày càng hiện rõ. Tuổi thơ vụt qua trước khi ta kịp hưởng trọn, tuổi trẻ cũng nhanh chóng mất đi trước khi ta kịp trân trọng. Những nếp nhăn dần xuất hiện trên khuôn mặt, từng sợi tóc bạc dần lộ ra như một lời nhắc nhở không nhân nhượng về sự tàn phai theo thời gian; dù ta có cố gắng che đậy hay bỏ qua những dấu hiệu đó thì tuổi trẻ vẫn cứ trôi qua rất nhanh và đưa ta đến gần hơn với tuổi già từng giây từng phút.

Cái chết là minh chứng khắc nghiệt nhất của sự vô thường. Khi trưởng thành, ta dần nhận ra rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi. Nhưng dù biết vậy, ta vẫn cố tình lờ đi, và tự trấn an mình bằng cách trau chuốt cho vẻ bề ngoài trẻ đẹp như thể cái chết sẽ bỏ qua chúng ta. Văn hóa đề cao tuổi trẻ và vẻ đẹp của phương Tây vô tình tạo thêm một rào cản lớn về mặt nhận thức, khiến ta khó lòng đối diện với sự thật này. Thế nên, việc tỉnh thức trước bản chất vô thường của đời sống là điều rất quan trọng; nó giúp ta nhận ra sự phù du của cuộc sống, nhận ra rằng những mong muốn vật chất chỉ là hư ảo.

Cuộc sống không có điều gì là chắc chắn. Bạn bè có thể trở thành người dưng, kẻ thù lại có thể hóa thành bạn bè. Tình yêu cũng có thể tan biến. Tiền bạc, danh vọng đều là phù du. Khi hiểu được những điều này, chúng ta mới có thể ưu tiên việc thực hành con đường giác ngộ của một bậc Bồ-tát. Đây là biểu hiện lớn nhất của tình yêu thương. Bởi vì chỉ khi ta vượt lên trên những mối liên kết thông thường thì chúng ta mới có thể tập trung vào hành trình tâm linh; chỉ khi từ bỏ những gì tạm thời, chúng ta mới đạt đến trạng thái tỉnh thức; và chỉ khi trở thành người giác ngộ, ta mới có thể giúp đỡ người khác một cách chân thành nhất.

Những cột mốc chuyển biến lớn lao trong cuộc đời, đặc biệt là cái chết, chỉ có một mình chúng ta đối mặt. Đến lúc đó, chúng ta sẽ dựa vào điều gì để vượt qua nó? Có cách nào để chuẩn bị cho những điều vô thường chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai từ ngay bây giờ hay không?

Hướng đến sự thực tập

Khởi đầu của hành trình tâm linh chính là suy ngẫm về ý nghĩa của sự sống và khám phá những cơ hội mà cuộc sống mang lại. Nếu hiểu được bản chất của chính mình và thực sự trân quý đời sống này, chúng ta sẽ biết cách tận dụng từng khoảnh khắc một cách ý nghĩa nhất. Thay vì cố gắng níu giữ quá khứ hay kiểm soát tương lai, ta có thể tập trung vào hiện tại và làm cho nó trở nên phong phú, thiện lành và bình an.

Bởi vì hiểu rằng những gì chúng ta đang trân quý rồi sẽ tan biến nên chúng ta có thể sống với sự tỉnh thức, sẵn sàng thực hiện những điều tốt đẹp cho mình lẫn người khác. Sự thay đổi chắc chắn đang diễn ra và cái chết là điều không thể tránh khỏi. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình cần sống một cuộc sống có ý nghĩa. Thay vì chờ đợi trong mơ hồ hay lãng phí thời gian vào những thú vui tạm bợ, ta có thể hướng vào nội tâm để khám phá tâm trí và trau dồi những đức tính tốt đẹp cho bản thân mình.

Có thể điều này nghe có vẻ thật ích kỷ, nhưng đó là một phản ứng hợp lý trước tình huống khắc nghiệt của vô thường. Quá khứ chỉ còn lại là những ký ức mờ nhạt, còn tương lai thì sẽ chẳng bao giờ diễn ra đúng như ta mong đợi. Liệu chúng ta sẽ để khoảnh khắc hiện tại trôi qua mà không giữ lại được gì ý nghĩa cho mình? Nếu cứ cố tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối, thất vọng chắc chắn sẽ là điều không thể tránh khỏi; nếu không biết quý trọng những cơ hội hiện tại, mọi điều quý giá rồi sẽ vụt qua kẽ tay. Giữa sự hỗn loạn và hoang mang của đời sống, liệu ta có đủ sáng suốt để nhận ra điều gì thực sự quan trọng hay không? Liệu ta có thể nhìn thấu mọi vọng tưởng và sợ hãi điên đảo để hướng tâm trí mình đến sự giác ngộ hay không?

Buông bỏ những lo lắng về tương lai cũng chính là chấp nhận sự vô ích của việc cố kiểm soát mọi thứ. Thế nhưng, sự buông bỏ hoàn toàn như vậy chỉ có ý nghĩa với những ai đã thực sự sẵn sàng đối mặt với hậu quả của nó. Ví dụ, nếu bạn sống trong một căn nhà gỗ nơi hoang dã mà không thu lượm củi để chuẩn bị cho mùa đông, thì bạn có thể phải đối mặt với cái chết vì lạnh giá. Nhưng, mặt khác, cho dù bạn đã chất đầy củi, cũng không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ sống đến mùa đông để tận hưởng hơi ấm từ đống củi ấy.

Hiểu rõ về vô thường không có nghĩa là bỏ mặc, không chuẩn bị gì cả, mà là chấp nhận rằng những điều ta nỗ lực ngày hôm nay có thể không mang lại kết quả về lâu dài. Vì vậy, hãy sống hết mình, nhưng không bám víu; thực hiện trọn vẹn mọi việc, nhưng không bị ràng buộc bởi kết quả. Nhận thức rõ bản chất mong manh của đời sống không làm cho chúng ta sống một cách hời hợt, mà ngược lại, nó giúp chúng ta tập trung vào những điều có ý nghĩa thực sự, biết dừng lại để cảm nhận từng khoảnh khắc với sự trân trọng sâu sắc.

Thay vì sống trong sợ hãi trước vô thường, ta có thể tìm thấy tự do và niềm an lạc bằng cách chấp nhận nó. Mọi thứ đến rồi đi, nhưng ngay tại đây và bây giờ, ta có thể trọn vẹn trong từng hơi thở. Bằng sự tỉnh thức, ta tìm thấy bình an trong những khoảnh khắc thoáng qua, và biến từng khoảnh khắc hiện tại thành một phần của cuộc hành trình đến sự giác ngộ.

Phổ Tịnh dịch/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tinh-lang-giua-dong-chay-cua-vo-thuong-post73899.html
Zalo