Hậu phương người lính - điều chưa kể
LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh 'Bộ đội Cụ Hồ' nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.
Kỳ 1: Ở hai đầu nỗi nhớ…
“Đang khoác ba lô men theo con đường làng về nhà thì bắt gặp cô ấy cũng về quê sau tốt nghiệp Trường Trung cấp cao đẳng sư phạm Thanh Hóa. Như cái duyên, từ lần gặp đó, 3 năm sau, chúng tôi nên duyên vợ chồng. Dù phải xa nhau cả nghìn cây số, nhưng chúng tôi dành hết tình cảm cho nhau và hạnh phúc gia đình cứ đong đầy mãi”, Thượng tá Nguyễn Văn Tùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Nông, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam chia sẻ.
Những cánh thư gửi yêu thương
Dù nên duyên 24 năm và lên chức ông bà rồi, nhưng chị Tống Thị Hồng (giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long 1, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) vẫn nhớ như in một ngày vào tháng 6/1996. Bất chợt trận mưa giông ập đến và tình cờ anh chị cùng trú mưa ở một quán cóc đầu làng. Trong thời gian chờ cơn mưa tạnh, hai anh chị đã kịp trò chuyện về hoàn cảnh gia đình và trao nhau địa chỉ nhà và mời anh đến chơi trong những ngày nghỉ phép.
Chị Hồng kể, sau thời gian nghỉ phép, anh chị trao cho nhau lời hẹn ước, rằng, khi anh tốt nghiệp, hai người sẽ nên duyên. “Ngày anh khoác ba lô ra đơn vị, sau vài tháng tôi cũng nhận quyết định đi thực hiện nhiệm vụ dạy học ở huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Hai đứa hai đầu nỗi nhớ, những cánh thư vẫn đều đặn trao nhau. Ngày đó, tôi lên dạy ở miền núi cuộc sống gian khổ, nhưng qua những cánh thư, anh động viên tôi rất nhiều, nhờ đó tôi vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ”, chị Hồng tâm sự.
Sau thời gian học tập, rèn luyện, năm 2000, anh Tùng tốt nghiệp Cao đẳng Biên phòng, lên đường vào công tác tại vùng biên giới ở tỉnh Quảng Nam. Ngay sau khi ổn định công tác, anh về cầu hôn và cưới chị Hồng làm vợ, rồi họ sớm chào đón con gái đầu lòng. Năm tháng dần trôi, thời gian công việc, chăm lo cho con cái, gia đình cũng vơi bớt đi nỗi nhớ chồng. Thấu hiểu được những vất vả của chồng ngày đêm canh giữ biên cương, chị Hồng lại nhớ đến lời ca quen thuộc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “… Ở hai đầu nỗi nhớ/ Yêu và thương sâu hơn/ Ở hai đầu nỗi nhớ/ Nghĩa tình đằm thắm hơn”…
Chị Hồng chia sẻ: “Thực ra, hai vợ chồng trước khi nên duyên có bàn chuyện, tổ chức đám cưới xong, chị cũng theo anh vào Quảng Nam công tác. Nhưng về nhà chồng được hơn một tuần, thì anh xách ba lô vào đơn vị. Trong thời gian ở nhà cùng mẹ chồng, chị đã đổi ý. Vì mình theo anh vào Quảng Nam, vợ chồng được gặp nhau thường xuyên hơn, nhưng ai chăm lo cho mẹ già khi trái gió trở trời? Thế rồi, chị đã viết bức thư dài 4 trang giấy tâm sự với anh tất cả và quyết định ở lại công tác ở quê để có thời gian lo cho mẹ, gia đình”.
Dẫu biết một mình ở nhà chăm lo gia đình là vất vả, nhưng điều này chị Hồng đã xác định trước khi đến với anh Tùng. Làm vợ người lính mình phải chịu thiệt thòi, cố gắng xây dựng tổ ấm, thì anh mới yên tâm công tác, bảo vệ biên cương.
Chị Hồng chia sẻ, mỗi khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, một mình phải lủi thủi lo toan gia đình, chị cũng thấy tủi thân. Trong hoàn cảnh như vậy, chị lại nghĩ đến chồng đang khó khăn trăm bề, vẫn vững tin bảo vệ vững chắc phên dậu Tổ quốc, khiến chị càng vững tin thêm.
“Có những thời điểm thực sự tôi rơi vào bế tắc, mẹ ốm, con nằm viện. Lúc đó, tôi nghĩ bây giờ có nhắn tin, anh về đến quê thì mẹ già, con thơ đã khỏe. Nhắn tin chỉ làm anh lo lắng, khổ thêm. Thôi mình cố gắng một chút vậy. Những lần như vậy, khi anh về phép biết chuyện lại mắng. Mắng thì mắng vậy thôi, nhưng trong ánh mắt, trái tim anh yêu thương tôi hơn”, chị Hồng tâm sự.
Thấu hiểu để tình yêu đong đầy
Anh Tùng, chị Hồng cưới nhau đã 24 năm, nhưng tổng thời gian vợ chồng bên nhau chỉ tính bằng tháng, bằng năm. Là Bộ đội Biên phòng, anh Tùng gắn mình với dải biên cương ở Quảng Nam. Gia đình thường xuyên thiếu vắng hơi ấm của người trụ cột, nhưng tình yêu đối với chồng - người chiến sĩ biên cương, giúp chị Hồng vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ nhà giáo và thiên chức làm dâu, làm mẹ nuôi dạy con cái trưởng thành.
Chị Hồng bảo, vì xa chồng hàng nghìn cây số, nên vào các dịp hè, mẹ con lại lên tàu đi vào cùng anh. “Mỗi lần mẹ con đi vào thăm bố phải mất hai ngày đi đường. Từ Thanh Hóa đi tàu vào thành phố Tam Kỳ, rồi bắt xe khách lên biên giới. Đường lên vùng biên miền Tây xứ Quảng cũng rất khó khăn, mỗi lần tôi vào thăm anh, lại thương và khâm phục anh hơn, vì những vất vả của người lính biên phòng”, chị Hồng chia sẻ.
Đặc thù của người lính Biên phòng là vậy, luôn phải xa nhà. Đường sá xa xôi, mỗi năm anh Tùng chỉ về nhà vài lần. Kể chuyện về gia đình, anh Tùng bảo rằng, anh luôn trân trọng tình cảm yêu thương và những hy sinh thầm lặng của vợ. “Tôi đi xa nhà đằng đẵng, tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, từ chăm sóc mẹ tới nuôi nấng, dạy dỗ con cái đều do một tay vợ tôi lo. Tôi biết ơn cô ấy! Người vợ tần tảo, là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm công tác”, anh Tùng chia sẻ.
“Dù biết nên duyên với lính Biên phòng là vất vả, xa xôi, nhưng màu quân phục bố mặc đã hằn sâu vào trong tâm trí con gái. Khi trưởng thành gặp chàng lính Biên phòng, con gái tôi đã yêu và trao gửi cuộc đời. Tôi biết lấy chồng Bộ đội Biên phòng là vất vả, nhưng tôi ủng hộ con gái và dạy con rằng, làm vợ người lính là niềm tự hào, khi gặp khó khăn phải vượt qua tất cả để chồng yên tâm công tác” Chị Tống Thị Hồng
Và như để bù đắp cho những thiệt thòi của vợ, những lần về thăm nhà, anh không nề hà bất cứ việc gì, từ giặt giũ, lau dọn nhà, đưa đón con đi học... Nhiều bữa, anh lặng lẽ dậy sớm, nấu đồ ăn sáng cho con, làm việc gì cũng nhẹ nhàng để vợ ngủ thêm được chút ít. Tình yêu của người lính được “gói ghém” qua những hành động, cử chỉ giản dị như vậy để hạnh phúc luôn đong đầy trong gia đình những người lính Biên phòng.
Làm vợ lính là chấp nhận thiệt thòi. Càng những dịp lễ, Tết các anh đều không thể về nhà. Chị Hồng chia sẻ rằng, vào dịp lễ, Tết thấy bạn bè, đồng nghiệp vui vầy bên nhau, chị cũng chạnh lòng, nhưng phút chốc nó tan biến và chỉ để lại trong chị niềm tự hào về người chồng của mình đang vững tay súng bảo vệ vững chắc biên cương, góp phần giữ bình yên cho nhân dân.
Qua câu chuyện được biết thêm, gia đình anh Tùng, chị Hồng có một con gái. Suốt quá trình dài, dù xa cách nhưng anh luôn là tấm gương sáng, cùng với sự tần tảo, chăm sóc của chị, nên con gái học hành giỏi giang và hiện theo nghiệp mẹ trở thành giáo viên. Đặc biệt, cô “con gái rượu” của anh Tùng cũng đã nên duyên với người lính Biên phòng đóng quân trên biên giới tỉnh Quảng Nam với bố.
(Còn nữa)