Tình huống mất điện cabin điều hành bay Đài Kiểm soát không lưu Phù Cát được xử lý ra sao?

Mất điện tại cabin điều hành bay, gián đoạn tất cả các trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay, Công ty Quản lý bay miền Trung đã ứng phó, xử lý một cách nhanh chóng, an toàn.

Ngày 16/9, Công ty Quản lý bay miền Trung đã tổ chức diễn tập Ứng phó không lưu hàng không dân dụng tại Đài Kiểm soát không lưu Phù Cát (Bình Định).

Tình huống giả định được đặt ra, vùng trách nhiệm của Đài không lưu Phù Cát có 2 tàu bay dân dụng là VJC77 hành trình từ Nội Bài về Phù Cát. Kiểm soát tiếp cận tầng cao Đà Nẵng (CTL Đà Nẵng) chuyển sóng liên lạc cho Đài KSKL Phù Cát.

Còn máy bay BAV43 đang trong vùng trời trách nhiệm của CTL Đà Nẵng. Tuy nhiên, lúc này, màn hình chính CWP tại Đài không lưu Phù Cát bị treo, kiểm soát viên không lưu không thể thao tác được, mọi liên lạc với tàu bay bị gián đoạn. Sau mọi nỗ lực khắc phục sự cố kỹ thuật vẫn không xử lý được.

Quang cảnh buổi diễn tập.

Quang cảnh buổi diễn tập.

Lúc này, kiểm soát viên không lưu chính sử dụng đèn lightgun để cấp huấn lệnh cho tàu bay VJC77. Đồng thời, yêu cầu CTL Đà Nẵng gọi tàu bay BAV43 để thông báo sự cố, yêu cầu giữ sóng và điều hành tàu bay bay chờ trên tần số của CTL Đà Nẵng.

Tại Đài Kiểm soát không lưu Phù Cát, kiểm sát viên không lưu chính quan sát tàu bay VJC77 hạ cánh và sử dụng lightgun hướng dẫn tàu bay vào nơi an toàn. Sau đó, nhân viên kỹ thuật, đài phó tại Đài Kiểm soát không lưu Phù Cát kiểm tra sự cố thì xác định mất điện trên cabin TWR và báo cáo với đài trưởng, sự cố này cần nhiều thời gian xử lý.

Đài trưởng có mặt tại vị trí giám sát và báo cáo lãnh đạo công ty, Cảng hàng không Phù Cát để xử lý.

Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung - Trưởng ban chỉ huy sau khi nhận được thông báo từ đài trưởng đã báo cáo lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và triệu tập Ban chỉ huy ứng phó để chỉ đạo.

Đài trưởng Đài kiểm soát không lưu Phù Cát xin lệnh diễn tập Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập.

Đài trưởng Đài kiểm soát không lưu Phù Cát xin lệnh diễn tập Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập.

Phương án lúc này là di chuyển kíp trực, kỹ thuật sang vị trí ứng phó không lưu tại Đài kiểm soát không lưu cũ. Lúc này, tàu bay VJC77 đã an toàn, BAV43 đã được CTL Đà Nẵng giữ sóng.

Xe của Trung đoàn 925 đóng tại Phù Cát chở kiểm soát viên không lưu và nhân viên kỹ thuật mang trang thiết bị và dụng cụ sang Đài kiểm soát không lưu cũ.

Kiểm soát viên không lưu liên lạc với CTL Đà Nẵng yêu cầu thông báo sự cố cho tàu bay BAV43 về sự cố và đề xuất tàu bay đi sân bay dự bị để đảm bảo an toàn.

Sau khi sang vị trí ứng phó không lưu, nhân viên kỹ thuật kiểm tra điện nguồn, đấu nối VHF và khởi động trang thiết bị. Sau đó liên lạc thử với các tàu bay và thực hiện điều hành bay tại vị trí ứng phó.

Sau 24h, nhân viên kỹ thuật khôi phục được hệ thống điện và VHF ở Đài KSKL Phù Cát. Đài trưởng báo cáo cho Ban chỉ huy khôi phục điều hành bay tại Đài Kiểm soát không lưu Phù Cát.

Theo Công ty Quản lý bay miền Trung, với tình huống giả định về sự cố mất điện tại cabin điều hành bay, gián đoạn tất cả các trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

Kíp trực không lưu, kỹ thuật phải tiến hành di chuyển sang vị trí ứng phó không lưu – Đài Kiểm soát không lưu cũ để tiếp tục duy trì hoạt động bay.

Ông Trần Nguyễn Bảo Anh - Phó Ban chỉ đạo diễn tập phát biểu.

Ông Trần Nguyễn Bảo Anh - Phó Ban chỉ đạo diễn tập phát biểu.

Ông Trần Nguyễn Bảo Anh - Phó Ban chỉ đạo diễn tập cho biết, trong bối cảnh ngành hàng không ngày càng phát triển mạnh mẽ, sản lượng điều hành bay gia tăng nhanh chóng, đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ về an ninh, an toàn hàng không, việc chuẩn bị kỹ lưỡng và ứng phó kịp thời với các tình huống bất ngờ là yêu cầu cấp bách.

"Diễn tập Ứng phó không lưu là một hoạt động thường niên tại tất cả các cơ sở điều hành bay theo yêu cầu của kế hoạch ứng phó không lưu hàng không dân dụng.

Nhằm đảm bảo duy trì tối đa các hoạt động bay không bị gián đoạn tại một khu vực diễn ra ứng phó không lưu, đảm bảo công tác triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó của cơ sở ATS bị ảnh hưởng được nhanh chóng, nhịp nhàng và an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay.

Tạo điều kiện cho kiểm soát viên không lưu và nhân viên kỹ thuật tăng cường kỹ năng xử lý tình huống, công tác phối hợp hiệp đồng với các đơn vị liên quan.

Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức diễn tập, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy, điều hành giải quyết các tình huống phải tiến hành ứng phó không lưu và cũng là bài học kinh nghiệm cho các cơ sở điều hành bay", ông Trần Nguyễn Bảo Anh chia sẻ.

Quang Đạt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tinh-huong-mat-dien-cabin-dieu-hanh-bay-dai-kiem-soat-khong-luu-phu-cat-duoc-xu-ly-ra-sao-192240916182155378.htm
Zalo