Kết quả nổi bật trong chuyển đổi số giai đoạn 2021-2024

Với việc Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về 'Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'; UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 176/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06, giai đoạn 2021-2024, chương trình chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt những kết quả thiết thực, góp phần làm thay đổi tổng thể, toàn diện quy trình hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như phương thức sống, làm việc của người dân, doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổ công nghệ số cộng đồng khu phố 4, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số.

Tổ công nghệ số cộng đồng khu phố 4, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số.

Thực hiện nhiệm vụ CĐS, trong giai đoạn 2021-2024, hạ tầng viễn thông - internet tiếp tục được các doanh nghiệp (DN) viễn thông địa bàn tỉnh không ngừng đầu tư, nâng cấp, mở rộng vùng phục vụ với công nghệ tiên tiến hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 9.503 trạm BTS (trong đó có 2.550 trạm 2G; 2.678 trạm 3G; 4.261 trạm 4G; 64 trạm 5G và dự kiến đến hết tháng 11/2024 đưa vào hoạt động thêm 34 trạm 5G); 8 trạm BTS phát sóng biển đảo phục vụ thông tin liên lạc cho các tàu cá; có 14 thiết bị chuyển mạch cố định; 2.192 thiết bị truy nhập internet băng thông rộng. Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng ước đạt 2.900.000 thuê bao (đạt 96,7% so với kế hoạch), mật độ thuê bao điện thoại đạt 78,91 máy/100 dân. Tổng số thuê bao internet trên toàn mạng ước đạt 2.670.000 thuê bao (đạt 111,25% so với kế hoạch), đạt mật độ 72,65 thuê bao/100 dân.

Đặc biệt, qua 4 năm đẩy mạnh thực hiện CĐS, một số ngành, lĩnh vực đã ứng dụng các nền tảng số và các công nghệ mới như: AI, Block chain, IoT... vào hoạt động như: quản lý hệ thống giám sát chỉ số không khí của ngành tài nguyên môi trường; hệ thống giám sát mực nước các hồ đập của ngành công thương; nền tảng du lịch thông minh; nền tảng khám chữa bệnh; nền tảng nông nghiệp thông minh... mang lại nhiều đột phá mới.

Cùng với đó, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã được duy trì nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, CĐS; 100% cán bộ, công chức được trang bị thiết bị CNTT; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; 100% các hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi sang IPv6.

Xác định xây dựng chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, giai đoạn 2021-2024, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và đưa vào sử dụng nền tảng chia sẻ, tích hợp nội tỉnh LGSP hiện cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 15 dịch vụ kết nối bên ngoài, trục kết nối nội tỉnh được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định. Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng nhập một lần của tỉnh; trong đó đối với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; phần mềm theo dõi nhiệm vụ của UBND tỉnh... đều thực hiện ở cả 3 cấp chính quyền. Ngoài ra, đối với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc còn thực hiện trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan chính quyền với DN.

Đến nay, 100% DN, hộ kinh doanh, các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh và 80% trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn đã sử dụng hóa đơn điện tử; 100% DN được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; có 5.550 DN (đạt 29,65%, tăng 3,85% so với năm 2023) đạt mức độ CĐS theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; tổng số DN công nghệ số trên địa bàn là 615 DN (gấp 1,86 lần so với năm 2023).

Toàn tỉnh đã đưa 429 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm đặc trưng của các huyện, thị xã, thành phố lên các sàn thương mại điện tử; 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile money; đã triển khai chữ ký số cho hơn 429.000 người dân...

Xác định nhân lực công nghệ số là yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công của CĐS, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã mở được 32 lớp cho 2.400 thành viên của 1.647 tổ công nghệ số cộng đồng, thông qua chương trình tập huấn, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cơ bản nắm được các kiến thức chung để về thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn nâng cao nhận thức về chương trình CĐS của tỉnh, ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, một số các dịch vụ số thiết yếu cơ bản... Góp phần đưa nhận thức về CĐS ngày càng thấm sâu, lan tỏa ở các cấp ngành, địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động CĐS tại Thanh Hóa vẫn nhiều khó khăn, vướng mắc như: các phần mềm và cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành đang còn rời rạc, chưa kết nối, chia sẻ do thiếu kho dữ liệu chung của tỉnh; việc kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu các bộ, ngành Trung ương vẫn còn vướng mắc như: CSDL doanh nghiệp, CSDL cấp đổi giấy phép lái xe; việc triển khai CĐS, nền tảng số trong các ngành, lĩnh vực còn nhiều khó khăn do thiếu hướng dẫn đồng bộ từ các bộ, ngành; tỷ lệ điện thoại thông minh và tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng tốc độ cao còn thấp; hạ tầng tiện ích chưa phủ khắp, đồng bộ nên khó khăn cho người dân trong sử dụng; các ứng dụng, nền tảng số dành cho người dân chưa thuận lợi, tiện ích nên chưa phát huy được hiệu quả...

Trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu đẩy mạnh chính quyền số, trong đó sẽ đưa toàn bộ hoạt động của các cơ quan chính quyền được thực hiện dựa trên dữ liệu và công nghệ số và thực hiện an toàn trên môi trường số; dựa vào phân tích dữ liệu để giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Về kinh tế số, sẽ phát triển kinh tế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Về xã hội số, sẽ từng bước hình thành xã hội số trên cơ sở tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên vào mọi mặt đời sống, giúp người dân tham gia các hoạt động xã hội toàn diện, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Thanh Hóa xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CĐS theo hướng đổi mới về nội dung, hình thức triển khai đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách số để thúc đẩy CĐS; xây dựng, ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy CĐS, như: thu hút nhân lực chất lượng cao trong CĐS; hỗ trợ CĐS cho các DN, nhất là DN khởi nghiệp; hỗ trợ cho hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng...; phát triển hạ tầng lưu trữ, hạ tầng điện toán đám mây phục vụ CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số phù hợp với định hướng chung của quốc gia; đảm bảo nguồn nhân lực cho CĐS quốc gia; chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với nhu cầu thị trường...; lấy người dân, DN làm trung tâm trong CĐS với mục tiêu là phục vụ người dân, DN, góp phần thúc đẩy CĐS nhanh và bền vững.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ket-qua-noi-bat-trong-chuyen-doi-so-giai-doan-2021-2024-33824.htm
Zalo