Những vũ khí Trung Quốc khiến thế giới ngỡ ngàng tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024
Triển lãm Hàng không Chu Hải lần thứ 15 sắp khai mạc vào ngày 12/11, các thiết bị trưng bày đã được đưa đến. Một số loại vũ khí, trang bị của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của truyền thông nước ngoài.
“Máy bay mẹ” có khả năng phóng UAV
Trang web Mỹ The Warzone ngày 6/11 lưu ý một máy bay không người lái (UAV) phản lực siêu lớn mới do Trung Quốc sản xuất với trọng lượng cất cánh tối đa 10 tấn đã xuất hiện tại Chu Hải.
Đặc điểm lớn nhất của nó là một "khoang nhiệm vụ cấu trúc tổ ong" khá lớn trong bụng. Bài viết suy đoán thiết kế này là một mô-đun để phóng một số lượng lớn UAV cỡ nhỏ, khiến chiếc máy bay không người lái lớn có tên là "Jiutian” (Cửu Thiên) này trở thành "máy bay mẹ" của các UAV cỡ nhỏ.
Theo bài viết, UAV cỡ lớn "Jiutian" được trang bị động cơ phản lực ở giữa phía trên thân máy bay và có 8 giá treo dưới đôi cánh dài. Những đặc điểm này khiến nó trông giống như một máy bay lai giữa máy bay cường kích A-10 và máy bay trinh sát OV-10 của Mỹ. Được trang bị động cơ phản lực, nó có thể giảm thời gian đến và về từ khu vực làm nhiệm vụ. Một tháp cảm biến quang điện/hồng ngoại được lắp đặt dưới mũi “Jiutian”.
Bảng trưng bày tại chỗ cho thấy trọng lượng cất cánh tối đa của "Jiutian" là khoảng 10 tấn, trong khi trọng lượng cất cánh tối đa của UAV phản lực cỡ lớn "CH-6" được ra mắt trước đây ở Chu Hải là 7,8 tấn; của UAV “Yilong-3” là 6 tấn, còn phiên bản cải tiến tầm xa mới nhất của UAV MQ-9 "Reaper" của Mỹ chỉ dưới 6 tấn.
Truyền thông Mỹ cho rằng khả năng tải trọng lớn mang lại cho UAV "Jiutian" ưu thế để trở thành "máy bay mẹ" của các UAV cỡ nhỏ.
Vì mục đích quân sự, các phi đội UAV kiểu bầy ong hiện đại có nhiều ưu thế, bao gồm khả năng nhanh chóng triển khai trên diện rộng và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau tùy thuộc vào cách chúng được cấu hình, bao gồm tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), tác chiến điện tử và tấn công. Mỗi bầy UAV cũng có thể có trang bị khác nhau để thực hiện nhiệm vụ riêng, cho phép toàn bộ đàn UAV thực hiện các nhiệm vụ đa dạng.
Ngoài khả năng phóng các UAV kiểu bầy ong, bài báo còn lưu ý rằng khoang nhiệm vụ trong thân UAV "Jiutian" còn có thể mang các thiết bị khác để thực hiện nhiệm vụ như lấy mẫu không khí hoặc vận tải. Tám giá treo và cảm biến ở mũi và dưới cánh cho thấy nó cũng có khả năng tấn công và giám sát tình báo trên không, đồng thời có thể được sử dụng như một nền tảng không người lái đa nhiệm, tầm xa và hoạt động liên tục.
Hệ thống THAAD "phiên bản Trung Quốc"
Tại cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh hôm 5/11, người phát ngôn Không quân Trung Quốc tiết lộ hệ thống vũ khí tên lửa đất đối không "Red Flag-19" (Hongqi-19) sẽ được ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Chu Hải lần này.
Trang web Defense Blog của Mỹ ngày 6/11 lưu ý rằng các bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy hệ thống tên lửa Hongqi-19 đã có mặt tại Chu Hải, “giúp mọi người tận mắt chứng kiến loại vũ khí phòng thủ tên lửa chống đạn đạo tiên tiến này".
Các bức ảnh chụp tại hiện trường cho thấy Hongqi-19 sử dụng khung gầm xe tải cơ động cao bánh 8×8. Mỗi xe mang được 6 tên lửa đánh chặn được lắp đặt trong một ống phóng tích hợp "bảo quản, vận chuyển và phóng" hình trụ. Phương pháp phóng là phóng lạnh. Xét đến bệ phóng thích ứng ở phía đế ống phóng, Hongqi-19 không sử dụng phương pháp phóng thẳng đứng truyền thống mà sử dụng phương pháp phóng gần thẳng đứng với góc nghiêng lớn. Các chuyên gia phương Tây cho rằng thiết kế này không chỉ có thể giảm bớt áp lực lên xe phóng mà còn cho phép nhanh chóng di chuyển trong thời chiến, nâng cao khả năng sống sót.
Thông tin trên bảng tại chỗ cho thấy Hongqi-19 là hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ mới do Trung Quốc tự chủ phát triển, chủ yếu được sử dụng để thực hiện việc đánh chặn các mục tiêu tên lửa đạn đạo trong khu vực phòng thủ, có đặc điểm phạm vi bao phủ rộng lớn và khả năng đối kháng mạnh mẽ, là trang bị "xương sống" của lực lượng phòng không quốc gia.
Truyền thông Mỹ suy đoán rằng Hongqi-19 tương tự hệ thống chống tên lửa "THAAD-ER" của Mỹ, chủ yếu được sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa.
Theo bài viết, tên lửa Hongqi-19 sử dụng đầu nổ tiêu diệt động năng để loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ tên lửa đang lao tới thông qua tác động trực tiếp. Công nghệ này nổi tiếng về độ chính xác và hiệu quả. Ngoài bệ phóng, radar 610A cũng được trưng bày, "có thể là thành phần chính của hệ thống phát hiện và nhắm mục tiêu cho Hongqi-19".
Tờ Eurasia Times của Ấn Độ cho biết mặc dù thông tin chi tiết về hệ thống Hongqi-19 vẫn được giữ bí mật nhưng hệ thống này có thể được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo bên ngoài bầu khí quyển. Báo này dẫn lời một nhà quan sát cho rằng tên lửa Hongqi-19 và máy bay tiêm kích tàng hình J-35A là "điểm nổi bật nhất của các thiết bị được ra mắt tại Triển lãm hàng không Chu Hải".
Tên lửa hành trình tàng hình phóng từ máy bay
Trang web Bulgaria Military ngày 6/11 viết, tại Triển lãm hàng không Chu Hải lần này, Không quân Trung Quốc sẽ trưng bày loại tên lửa hành trình phóng từ trên không AKF98A mới, "thiết lập một chuẩn mực mới về công nghệ tàng hình và phạm vi chiến đấu". Theo hãng tin, AKF98A được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương và nhắm mục tiêu vào các tài sản có giá trị cao ở khoảng cách xa.
AKF98A có các đặc điểm của tên lửa hành trình tàng hình hiện đại. Ngoại hình của nó nhấn mạnh vào thiết kế tàng hình và thân hình khối chữ nhật của nó tương tự như tên lửa hành trình dòng Storm Shadow của Anh và AGM-158 của Mỹ. Đồng thời, tên lửa có thiết kế thân nhỏ gọn và cánh có thể thu vào, điều này không chỉ làm giảm khả năng phát hiện của radar mà còn cho phép được lưu trữ trong một không gian nhỏ hơn, chẳng hạn như khoang vũ khí bên trong thân của máy bay chiến đấu, do đó nâng cao tính linh hoạt của việc triển khai.
Tên lửa này có thể được trang bị cho các máy bay chiến đấu J-16D và máy bay cường kích JH-7A2 của Không quân Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc chưa tiết lộ phạm vi chính xác của nó, nhưng các nhà phân tích suy đoán rằng nó có tầm bắn tới 500 km và có thể tấn công các mục tiêu của đối phương mà không gây nguy hiểm cho sự an toàn cho nền tảng phóng.
Hệ thống dẫn đường của AKF98A ở giai đoạn bay đầu tiên kết hợp dẫn đường bằng vệ tinh Beidou của Trung Quốc và hệ thống dẫn đường quán tính; khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa sẽ chuyển sang radar hoặc đầu dò hồng ngoại để dẫn đường giai đoạn cuối, nâng cao đáng kể độ chính xác và tỷ lệ bắn trúng.
Trang Bulgaria Military viết, AKF98A là một "bước nhảy vọt về công nghệ". Mặc dù tên lửa này có nhiều đặc điểm của tên lửa hành trình tàng hình tiên tiến của phương Tây, nhưng nó cũng có sự kết hợp giữa thiết kế hình học và hệ thống dẫn đường độc đáo, có thể tránh bị các hệ thống phòng thủ tên lửa như THAAD và Aegis phát hiện.
J-35A không phải "bản sao" của F-35
Màn ra mắt chính thức của J-35A, loại máy bay chiến đấu tàng hình thứ hai của Không quân Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của truyền thông phương Tây.
Trước đây, phương Tây thường viết tiêm kích tàng hình của Trung Quốc là “kết quả của việc sao chép tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ”. Tuy nhiên, sau khi trang web The Warzone của Mỹ phân tích kỹ lưỡng, người ta nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa J-35A và F-35.
J-35A được đưa vào sử dụng đánh dấu sự nâng cao năng lực tàng hình của Không quân Trung Quốc. Nó và J-20 sẽ tạo thành cặp đôi máy bay chiến đấu tàng hình của Không quân Trung Quốc, tương tự như hai máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-3 của Không quân Mỹ.
Sau khi so sánh cẩn thận, truyền thông Mỹ cho rằng F-35 và J-35A có sự khác biệt rõ ràng về ngoại hình, cho thấy ưu tiên thiết kế và tiềm năng sử dụng của chúng là khác nhau. Ví dụ, mũi của F-35 tròn hơn và hơi nghiêng, trong khi mũi của J-35A sắc nét hơn và có đường cơ sở rõ ràng hơn. Sự khác biệt này cũng thể hiện rõ ở hình dạng của nắp buồng lái: F-35 sử dụng nắp kiểu bong bóng tích hợp với những đường cong mượt mà, trong khi nắp của J-35A hơi góc cạnh và có hình dáng phẳng hơn.
Về vòi phun ở đuôi động cơ, F-35 áp dụng thiết kế đa giác nhằm nâng cao các đặc tính hiệu suất nhất định, trong khi J-35A sử dụng vòi phun hình tròn. Thiết kế cửa hút gió của hai máy bay cũng khác nhau. F-35 sử dụng cửa hút gió có cạnh thẳng lớn hơn, gần thân máy bay hơn, trong khi J-35A có cửa hút gió hẹp hơn, hơi nghiêng ra ngoài, tạo nên hình dạng độc đáo.
Sự khác biệt về hình dạng và vị trí cánh thậm chí còn lớn hơn: các cánh hình thang của F-35 được tích hợp với thân máy bay, trong khi các cánh hình thang của J-35A lớn hơn và có các vị trí khác nhau, "điều này có thể phản ánh những cân nhắc do chiến đấu trên tàu sân bay".
Thiết kế đuôi của cả hai cũng khác nhau: đuôi thẳng đứng của F-35 ngắn hơn và gắn chặt với thân máy bay, trong khi đuôi thẳng đứng của J-35A cao hơn và nghiêng ra ngoài, tương tự như J-20.
Theo QQnews, Sina