Tình hình dịch bệnh diễn biến bất thường, Việt Nam sẵn sàng ứng phó

Ngày 13/2, Bộ Ngoại giao đã thông tin về công tác kiểm dịch, vệ sinh dịch tễ, cũng như những quy định về xuất nhập cảnh của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở khu vực châu Á, cũng như toàn cầu.

Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, trước tình hình gia tăng các ca mắc bệnh cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp trong và ngoài nước, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm và các dịch bệnh khác trong mùa Đông-Xuân, nhằm có các biện pháp phản ứng nhanh khi xuất hiện các chủng cúm đột biến và các dịch bệnh nguy hiểm khác.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ tại trường học, khu công nghiệp và cộng đồng. Chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị và thuốc men để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh gia tăng.

Việt Nam cũng phối hợp với các đối tác quốc tế để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cần thiết, nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh và an toàn cho người dân.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới có xu hướng tăng cao

Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết, bệnh cúm hiện đang ở đỉnh điểm của nước này.

Theo các bác sỹ, các tác nhân gây bệnh chính phát hiện trong các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp là virus cúm, virus metapulmone ở người. Các triệu chứng cảm lạnh thông thường tương đối nhẹ, chủ yếu là nghẹt mũi, chảy nước mũi, thường có thể tự khỏi sau một tuần. Tuy nhiên, dịch cúm hiện tại lại có các triệu chứng nặng hơn như sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi rõ rệt, trong trường hợp nghiêm trọng còn có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, đặc biệt là đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai.

Việc phát hiện và chữa bệnh ngay từ giai đoạn đầu là điều quan trọng nhất để tránh cúm phát triển thành bệnh nặng. Một khi xuất hiện triệu chứng giống cúm như sốt cao, đau nhức toàn thân, bệnh nhân, đặc biệt là người có nguy cơ cao, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám chữa.

Dịch cúm hiện tại có các triệu chứng nặng hơn như sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi cho người bệnh. Ảnh minh họa: PV

Dịch cúm hiện tại có các triệu chứng nặng hơn như sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi cho người bệnh. Ảnh minh họa: PV

Các chuyên gia Trung Quốc cũng khuyến cáo một số điểm lưu ý để chẩn đoán sớm và điều trị cúm ngay từ giai đoạn ban đầu. Theo đó, trong mùa dịch cúm, đối với những bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc có yếu tố nguy cơ cao mắc cúm nặng, hoặc bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đặc biệt nghi ngờ mắc cúm, cần lấy dịch tỵ hầu hoặc dịch hầu họng để xét nghiệm tác nhân gây bệnh nhằm khẳng định chẩn đoán.

Còn tại Mỹ, dịch cúm mùa đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng khiến nhiều trường học phải đóng cửa và số ca mắc và tử vong tăng cao đáng kể. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, từ đầu tháng 10/2024 đến nay, đã ghi nhận ít nhất 24 triệu ca mắc cúm, 310.000 ca nhập viện và 13.000 ca tử vong, trong đó gần 60 trường hợp là trẻ em.

Các chuyên gia và tổ chức y tế khuyến cáo, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tiêm vắc xin cúm, duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc gần với người có dấu hiệu nhiễm bệnh và tránh tụ tập đông người nhằm giảm nguy cơ lây lan virus trong cộng đồng.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tinh-hinh-dich-benh-dien-bien-bat-thuong-viet-nam-san-sang-ung-pho-179250214081137301.htm
Zalo