Tình hình cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ dồi dào, giá cả ổn định

Tình hình cung cầu thị trường hàng hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ nhìn chung ổn định, nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp khá dồi dào, đa dạng, hàng hóa lưu thông thông suốt giữa các vùng, miền; giá cả các mặt hàng thiết yếu khá bình ổn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng.

Hoạt động mua bán tại chợ dân sinh (trong ảnh: Chợ Kênh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã trở lại bình thường trong ngày mồng 4 Tết.

Hoạt động mua bán tại chợ dân sinh (trong ảnh: Chợ Kênh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã trở lại bình thường trong ngày mồng 4 Tết.

Nguồn cung hàng hóa chủ yếu đến từ các chợ truyền thống và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Từ ngày 30/1 (mồng 2 Tết), phần lớn các chợ truyền thống và siêu thị đã mở cửa phục vụ người dân trở lại. Tuy nhiên, số lượng quầy, sạp hoạt động khá ít, lượng khách mua sắm rất thấp so ngày thường...

Theo khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, người tiêu dùng chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (trứng gia cầm, thịt heo, gà, cá, tôm, hải sản…), trái cây, hoa tươi… Trong sáng 1/2 (mồng 4 Tết), khách mua sắm ở các chợ truyền thống và siêu thị cũng còn khá vắng vẻ. Nguyên nhân chính, phần lớn người dân còn vui Tết, nên khách mua hàng rất thưa thớt. Đại diện một cửa hàng hoa tươi tại chợ Tân Sơn Nhất (Quận Gò Vấp) cho biết: Các loại hoa tươi đều giảm giá khá nhiều so trước Tết, mức giảm từ 10-20% (tùy loại hoa).

Cô Ba Hồng (chủ một sạp rau, củ, quả) tại chợ Tân Sơn Nhất cho biết: Các loại rau, củ, quả đều giảm giá mạnh so trước Tết, có loại giảm tới 50%. Ở các chợ truyền thống, giá bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ so những ngày cận Tết. Đơn cử, giá các mặt hàng thịt heo, bò, cá… tăng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg so những ngày cận Tết.

Người dân mua rau, củ, quả ở chợ Tân Sơn Nhất trong sáng 1/2. (Ảnh: HOÀNG LIÊM)

Người dân mua rau, củ, quả ở chợ Tân Sơn Nhất trong sáng 1/2. (Ảnh: HOÀNG LIÊM)

Tại các siêu thị, các quầy hàng đều đầy đủ hàng hóa, nhất là những mặt hàng lương thực-thực phẩm, nhiều mặt hàng được bán với giá bình ổn hoặc được giảm giá từ 10-30%.

Trong đó, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra đã bổ sung, tăng cường một số mặt hàng đặc thù nhằm phục vụ cho phong tục cúng đầu năm mới như mâm ngũ quả, gà sống, gà luộc, thịt heo quay, cá lóc nướng... Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra cũng đã cam kết giữ giá bình ổn và giảm giá nhiều mặt hàng cho đến hết ngày 7/2 (mồng 10 Tết).

Riêng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống Co.opmart giảm giá đến 30% đối với nhiều loại rau xanh, giảm giá từ 15-20% đối với nhiều loại trái cây. Từ ngày 3/2 (mồng 6 Tết), hệ thống Co.opmart, Co.opXtra trên cả nước mở cửa và hoạt động bình thường.Theo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, sức mua ở các chợ truyền thống trong ngày 31/1 và 1/2 tăng nhẹ so các ngày trước đó. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tương đương trước Tết.

Trong những ngày qua, trên địa bàn thành phố Cần Thơ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng. Nguồn cung hàng hóa chủ yếu đến từ các chợ truyền thống và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Mùng 4 Tết, tất cả các siêu thị còn lại đồng loạt mở cửa hoạt động trở lại, qua khảo sát doanh thu một số siêu thị đạt mức 85% so với ngày thường.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tiểu thương chung quanh chợ đã hoạt động trở lại từ mùng 3 Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Một số mặt hàng tươi sống như gà, vịt, cá,... giá tăng nhẹ, chủ yếu do người bán tự tăng. Hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi,… trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra sôi động để phục vụ nhu cầu du xuân của người dân và du khách. Giá cả các loại hình kinh doanh này tăng từ 20 – 40% so với ngày thường, chủ yếu bù đắp chi phí và chi trả lương cho người lao động phục vụ liên tục các ngày Tết. Nhìn chung, giá cả hàng hóa ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.

Đường hoa là một trong những hoạt động tạo điểm đến cho người dân và du khách vui chơi, giải trí và thưởng ngoạn tại Cần Thơ.

Đường hoa là một trong những hoạt động tạo điểm đến cho người dân và du khách vui chơi, giải trí và thưởng ngoạn tại Cần Thơ.

Tết năm nay, các doanh nghiệp du lịch, bến tàu du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí cán bộ trực, đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, niêm yết giá công khai, bán theo giá niêm yết và thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh du lịch. Các địa phương, khu điểm đặc biệt quan tâm đến công tác cảnh quan môi trường, xây dựng sản phẩm mới để đón khách.

Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Nam Định vào sáng 1/2 (ngày mồng 4 Tết), cho thấy, các mặt hàng thiết yếu, trong đó có thực phẩm khá dồi dào, không có hiện tượng tăng giá; một số mặt hàng như rau xanh, cá còn giảm nhẹ so với ngày thường trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Các siêu thị trên địa bàn đã hoạt động trở lại, thực hiện đúng phương châm không để trống kệ hàng, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nam Định Đặng Ngọc Rung cho biết: Từ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, qua phân tích thị trường, sức mua trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ có thể tăng khoảng 15-20%, để chủ động nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, Sở Công thương Nam Định đã đề nghị các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan phối hợp chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo dõi đánh giá tình hình thị trường, chuẩn bị tốt lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; chủ động kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa hàng hóa phục vụ nhân dân tại địa bàn nông thôn.

Bên cạnh đó, thông tin về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, các điểm bán hàng thực phẩm an toàn cho người dân địa phương, việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh liên tục được đăng tải, cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Qua khảo sát, xu hướng mua sắm dịp Tết năm nay có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Hoạt động mua sắm trên các nền tảng số từ TikTok, Facebook, Zalo; các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… luôn rộn ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cuối năm, phong phú về chủng loại hàng hóa, giá cả cạnh tranh, tạo sức hút không nhỏ với người tiêu dùng.

Mặc dù nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhưng hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nguồn cung xăng dầu không có hiện tượng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung hoặc có những biến động bất thường, bảo đảm đủ nguồn xăng dầu đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng. Các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định về niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, bố trí lao động bán hàng thường xuyên, liên tục phục vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tình hình thị trường, cung-cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong những ngày trước, trong và sau Tết Ất Tỵ khá ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia tăng của người dân. Trước đó, tại các siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống, các doanh nghiệp và tiểu thương đã chuẩn bị lượng lớn hàng hóa bảo đảm cung ứng nhu cầu tiêu lớn của người dân, nên hàng hóa không có tăng giá đột biến, bất thường xảy ra.

Thực hiện chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn, trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công thương Hải Phòng đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại và các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố. Tại 11 trung tâm thương mại, 28 chợ, hơn 150 cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hải Phòng đều có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng trung bình 10-12% so cùng kỳ năm 2024, tăng 30-50% so ngày thường. Trong đó, siêu thị Aeon Lê Chân (Hải Phòng) đã dự trữ lượng hàng hóa tăng 15% so cùng kỳ năm 2024.

Tại các siêu thị và hệ thống các cửa hàng đều đồng loạt triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng doanh số bán hàng. Việc cung ứng nhiên liệu xăng, dầu trên địa bàn Hải Phòng cũng bảo đảm với hệ thống chín kho xăng, dầu và mạng lưới hơn 250 cửa hàng bán lẻ mở cửa liên tục, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trước, trong và sau Tết. Các lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng đã tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế...

Theo ghi nhận tại các chợ hoa Tết, do thiệt hại của bão số 3 nên lượng hoa đào cảnh, đào thế ít hơn mọi năm, nhưng đào rừng, đào đồi, quất cảnh và nhất là hoa lan khá nhiều, giá không cao, thậm chí các ngày 28, 29 Tết giá còn giảm mạnh, do tiểu thương cần bán nhanh để thu hồi vốn. Khác với mọi năm, tại các chợ truyền thống trên địa bàn, lượng thực phẩm tươi sống, rau xanh được cung ứng khá lớn, giá cả không tăng, thậm chí nhiều tiểu thương mở hàng bán rau xanh xuyên Tết và giá còn thấp hơn mấy ngày trước đó. Đặc biệt, theo truyền thống, tại chợ Xưa trên địa bàn phường An Lư, thành phố Thủy Nguyên (Hải Phòng) còn họp sôi động từ sáng mồng 1 Tết với đủ loại sản phẩm nông nghiệp, hải sản của địa phương và nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống khác.

Theo quan niệm người dân nơi đây, người dân đi chợ là để cầu may, cả người bán, người mua đều không nói thách, không mặc cả và mọi người gặp gỡ, chúc nhau những điều tốt lành, thuận lợi trong năm mới... Các sản phẩm được người dân mua nhiều nhất là muối, diêm, hải sản… như ước muốn có được nhiều may mắn, phát triển thịnh vượng trong năm mới.

Nhằm bảo đảm tình hình cung, cầu và giá cả hàng hóa trong dịp Tết, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch về dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, du khách trong dịp Tết, như nhóm lương thực, thực phẩm, nông sản… Theo đánh giá, nguồn hàng phục vụ Tết trên địa bàn dồi dào, đa dạng về chủng loại. Các chợ hạng 1 và phần lớn các siêu thị trên địa bàn đều mở bán trở lại trong ngày mồng 2 Tết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tết năm nay Đà Lạt-Lâm Đồng đón lượng khách du xuân khá lớn. Thông tin từ Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Đà Lạt cho biết, từ mồng 2 Tết đến nay, công suất phòng nghỉ lưu trú đạt khoảng 85%. Theo ghi nhận, các cửa hàng, điểm vui chơi giải trí, ăn uống tại Đà Lạt và các địa phương lân cận trở nên đông đúc. Tuy nhiên, giá cả dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan chỉ tăng nhẹ, nhiều dịch vụ không tăng giá so ngày thường.

Anh Lê Hữu Huân, chủ nhà nghỉ tại phường 8, thành phố Đà Lạt cho biết: “Công lao động dịp Tết khan hiếm, nên chúng tôi chỉ phụ thu khoảng 20% so với ngày thường để trả công phục vụ”. Ghi nhận tại một số nhà hàng, quán ăn uống phần lớn đều giữ giá như ngày thường. Giá cả hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, trái cây, rau củ quả vẫn ổn định, giảm nhẹ so những ngày trước Tết.

Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đời sống sinh hoạt và nhu cầu mua sắm của người dân đang trở lại nhịp sống thường ngày. Ghi nhận tại các điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An), các mặt hàng nhu yếu phẩm, tiêu dùng hết sức đa dạng, không có tình trạng tăng giá hàng thiết yếu.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiểm tra tình hình cung cầu hàng hóa trong cao điểm Tết Ất Tỵ 2025.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiểm tra tình hình cung cầu hàng hóa trong cao điểm Tết Ất Tỵ 2025.

Từ ngày 1/2 (tức mồng 4 Tết), nhiều hàng quán kinh doanh ăn uống, chợ truyền thống, một số hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh đã mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ truyền thống như: Chợ Vinh, chợ Quán Bàu, chợ Bến Thủy, chợ Đông Vĩnh, chợ Cọi... nhiều tiểu thương đã "khai Xuân" bán hàng từ mồng 2 Tết. So với thời điểm trước Tết, giá cả hàng hóa sau Tết không có biến động lớn, nhất là nhóm hàng hóa bao gói sẵn giữ nguyên, không thay đổi về giá. Tuy nhiên, đối với nhóm thực phẩm tươi sống có biến động về giá nhưng không đáng kể. Đặc biệt, năm nay nhờ thời tiết khô ráo, nguồn cung rau dồi dào, giá rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh giữ mức ổn định như: Hành lá dao động từ 30.000 đồng/kg, bắp cải từ 15.000 đồng/cây, súp lơ từ 10.000-15.000 đồng/cây, cà rốt 20.000 đồng/kg,...

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Nghệ An, tình hình cung cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ không có bất thường. Diễn biến giá cả thị trường tại các địa phương trong tỉnh nhìn chung ổn định do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm không nhiều người dân đa phần đã mua sắm đầy đủ trước Tết. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, các nhà phân phối hàng hóa, các chợ và các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết với tổng giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tại thành phố Đà Nẵng, những ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao; khách hàng ưu tiên mua sắm những sản phẩm truyền thống như trái cây chưng Tết các loại, rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến và sơ chế sẵn, bánh kẹo, mứt; nhưng sức mua kém hơn so với thời điểm giáp tết 2024. Tại các chợ truyền thống, hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết phong phú, đa dạng, một số mặt hàng được kinh doanh phổ biến trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố như mặt hàng hoa tươi cắt cành, cây cảnh, trái cây... từ khắp mọi miền đất nước đổ về thị trường thành phố buôn bán sôi động. Giá thịt lợn, bò, gà vịt, cá, tôm… giá chỉ tăng nhẹ so với ngày thường và thấp hơn với trước, trong và sau Tết các năm trước, do sức mua không mạnh. Một phần giá thịt, cá không tăng là nhờ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… đều có nguồn cung dồi dào, đa dạng. Nhiều siêu thị thực hiện chương trình giảm giá, khuyến mại, tặng quà… nên đã góp phần kích cầu tiêu dùng.

Mặt hàng bánh kẹo luôn hút hàng trong những ngày Tết ở Đà Nẵng.

Mặt hàng bánh kẹo luôn hút hàng trong những ngày Tết ở Đà Nẵng.

Trong những ngày nghỉ Tết (từ ngày 29/1-31/1/2025, tức mùng 1 đến mùng 3 Tết), các khu vui chơi, giải trí; hầu hết các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa hoạt động kinh doanh, buôn bán xuyên Tết đều thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Trong ngày mồng 2 Tết, một vài quầy trái cây, hoa quả tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh mở cửa kinh doanh, tuy nhiên khách đến mua hàng rất ít vì người dân đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ gia đình trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào những ngày trước khi nghỉ Tết. Bắt đầu từ ngày mồng 3 Tết, tiểu thương tại các chợ, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn Đà Nẵng bắt đầu mở cửa và từ mồng 4 Tết (tức ngày 1/2/2025), các chợ hoạt động bình thường trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên số lượng quầy hàng mở cửa chưa nhiều, chủ yếu vẫn là mặt hàng tươi sống.

Riêng tại chợ Hàn có vài chục hộ kinh doanh áo quần và công nghệ phẩm bán hàng phục vụ khách du lịch. Các siêu thị và trung tâm thương mại mở cửa phục vụ dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí. Tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu hoạt động mua bán bình thường, thực hiện niêm yết giá xăng dầu và bán theo giá niêm yết, không xảy ra tình trạng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, thông báo hết xăng.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, chúng tôi cử lực lượng bám sát mọi diễn biến thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc bán hàng niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, trên địa bàn thành phố không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây sốt giá, tăng giá hàng hóa bất hợp lý. Ngay trong những ngày nghỉ Tết, chúng tôi vẫn tăng cường lực lượng để quản lý địa bàn, theo dõi tình hình thị trường, giá hàng hóa từng ngày, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá; không để xảy ra tình trạng gây sốt giá, tăng giá hàng hóa bất hợp lý trên địa bàn thành phố…

Nhóm phóng viên thường trú

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tinh-hinh-cung-cau-hang-hoa-dip-tet-nguyen-dan-at-ty-doi-dao-gia-ca-on-dinh-post858369.html
Zalo