Người Mỹ sắp phải trả nhiều tiền hơn cho xăng dầu, thực phẩm
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện lời hứa áp thuế cao đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, gây áp lực lên giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu vào quốc gia này.
Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ 4/2, bao gồm mức thuế 25% đối với tất cả mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và hầu hết hàng hóa từ Canada - có ngoại lệ 10% đối với các mặt hàng liên quan đến năng lượng như dầu thô, bên cạnh mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, theo CNN.
Tổng thống Donald Trump đã cam kết áp dụng thuế quan với 3 mục tiêu chính là tăng thu ngân sách, cân bằng thương mại và đưa các quốc gia đối thủ đến bàn đàm phán.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng biện pháp này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ - đa số còn đang đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng trong những năm gần đây.
Thực phẩm
Khoảng 1/3 hàng hóa Mỹ được nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Các sản phẩm đều là những mặt hàng phổ biến và thiết yếu đối với người Mỹ, bao gồm trái cây và rau củ, thịt, xăng, ôtô, đồ điện tử, đồ chơi, quần áo, gỗ và bia, rượu.
Đáng chú ý, Mexico là nhà cung cấp trái cây và rau quả lớn nhất cho Mỹ, trong khi Canada dẫn đầu trong xuất khẩu ngũ cốc, gia súc, thịt, gia cầm...
Các sản phẩm nông nghiệp từ Mexico và Canada có thể trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng. Điều này đến từ việc ngành bán lẻ thực phẩm thường có biên lợi nhuận mỏng hơn so với các ngành công nghiệp khác.
Ngoài ra, với ít dư địa để chống đỡ với thuế quan, các cửa hàng bán lẻ có khả năng điều chỉnh giá bán và người tiêu dùng phải gánh chịu khoản chi phí này.
Mặc dù Mỹ thường xuất khẩu nhiều hàng nông sản hơn là nhập khẩu, nhưng giá trị nhập khẩu đã tăng nhanh hơn giá trị xuất khẩu trong thập kỷ qua, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Hơn nữa, biến đổi khí hậu đã khiến Mỹ càng phụ thuộc nhiều vào các quốc gia như Mexico, nơi điều kiện trồng trọt thuận lợi hơn.
Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 46 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp từ Mexico, trong đó 8,3 tỷ USD trái cây và rau quả tươi, 5,9 tỷ USD bia và 5 tỷ USD rượu mạnh.
Tuy nhiên, nhóm nông sản nhập khẩu lớn nhất từ Mexico vào năm ngoái là trái cây tươi. Cụ thể, Mỹ đã nhập khẩu 9 tỷ USD các loại trái cây tươi, trong đó bơ chiếm 3,1 tỷ USD.
Năng lượng
Mặt khác, Mỹ đã nhập khẩu 97 tỷ USD dầu mỏ và khí đốt từ Canada vào năm ngoái. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Canada sang Mỹ.
Mỹ đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào dầu mỏ của Canada kể từ khi mở rộng đường ống Trans Mountain của Canada, theo dữ liệu từ Cục Thông tin Năng lượng Mỹ.
Mỹ áp thuế 25% đối với các sản phẩm từ Canada nhưng riêng năng lượng chỉ chịu mức 10%.
Theo ông Tom Kloza, Giám đốc phân tích năng lượng toàn cầu OPIS, điều này sẽ hạn chế tác động đến giá nhiên liệu.
Giá xăng tại Mỹ thường ở mức thấp nhất năm vào tháng 2 do sức mua yếu. Do đó, ông cho rằng thuế quan sẽ làm cho giá xăng tăng nhưng mùa hè sẽ là thời điểm mặt hàng này bị ảnh hưởng lớn.
Trong khi đó, vùng Trung Tây có khả năng chịu tác động mạnh hơn so với các khu vực khác.
Ông Kloza cho biết hầu hết dầu mỏ của Canada được vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu ở miền Trung Tây qua đường ống. Những bang có khả năng bị ảnh hưởng nhất là Idaho, Illinois, Indiana, Iowa, Kansas...
"12 trong số 16 bang đã bắt đầu tháng 2 với mức giá xăng bán lẻ trung bình dưới 3 USD/gallon. Điều này có thể sẽ không kéo dài", vị này nói thêm.
Ôtô và linh kiện
Mỹ đã nhập khẩu 87 tỷ USD giá trị ôtô và 64 tỷ USD linh kiện ôtô từ Mexico trong 11 tháng năm ngoái. Đây là hai mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ quốc gia này trong năm, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.
Ôtô cũng là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai từ Canada vào Mỹ trong năm ngoái tính đến tháng 11, với tổng trị giá 34 tỷ USD.
Theo bà Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, ngành công nghiệp ôtô có thể sẽ "gặp khó" với các mức thuế quan mới này.
Các công ty ôtô Mỹ đã giữ chi phí sản xuất ở mức thấp bằng cách thuê nhân công giá rẻ, đặc biệt là ở Mexico. Theo đó, các hãng xe đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang quốc gia này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bà Mary nhận định việc tiết kiệm chi phí này sẽ gần như bị xóa bỏ nếu bị áp thuế 25%.
Các nhà sản xuất ôtô có thể sẽ không chuyển hoạt động sản xuất sang nơi khác bởi họ đã đầu tư đáng kể vào các nhà máy hiện tại ở cả hai quốc gia. Đồng thời, việc tìm nguồn nguyên liệu thô để sản xuất ôtô và linh kiện từ nơi khác là rất khó khăn.
Thép
Mặc dù không còn là nền kinh tế tập trung vào sản xuất như trước, Mỹ vẫn tiêu thụ hàng chục triệu tấn thép mỗi năm để phục vụ cho các ngành công nghiệp như sản xuất ôtô, khai thác dầu mỏ, xây dựng và cơ sở hạ tầng. Canada và Mexico là hai quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất và lớn thứ ba vào Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan 25% đối với thép nhập khẩu từ các quốc gia trên toàn cầu có hiệu lực từ tháng 6/2018. Tuy nhiên, Mexico và Canada, theo các hiệp định thương mại tự do với Mỹ, đã được miễn thuế quan này.
Hiện Canada chiếm gần 1/4 lượng thép nhập khẩu vào Mỹ, trong khi Mexico chiếm khoảng 12%, theo dữ liệu do Viện Thép Mỹ cung cấp.
Bia và rượu
Bia và rượu có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái kinh tế, nhưng chúng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Cụ thể, hệ quả sẽ là mức thuế cao đối với một số thức uống yêu thích của người Mỹ, bao gồm tequila, vốn chỉ có thể sản xuất tại Mexico, và thương hiệu bia số 1 quốc gia, Modelo.
Ông Chris Carey, một nhà phân tích cổ phiếu của Wells Fargo, cho rằng Constellation Brands, công ty nhập khẩu bia Modelo và Corona cũng như tequila Casa Noble từ Mexico, có thể sẽ chịu chi phí tăng 16% dưới mức thuế quan được ông Trump ban hành và có thể sẽ phải tăng giá khoảng 4,5%.
Năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu 5,69 tỷ USD bia và 4,81 tỷ USD rượu từ Mexico, theo dữ liệu từ Cục Quản lý Thương mại Quốc tế. Hai nhóm hàng này được nhập khẩu lớn thứ 10 từ Mexico trong năm ngoái và đánh dấu mức tăng mạnh 126% so với năm 2017.
Đối với các doanh nghiệp bia và rượu của Mỹ, họ cũng đang phải chuẩn bị đối phó với khả năng bị áp thuế trả đũa.
Xây dựng nhà và đồ nội thất
Gỗ mềm là nguyên liệu quan trọng trong ngành xây dựng nhà ở của Mỹ và 30% số gỗ mà Mỹ sử dụng hàng năm đến từ Canada.
Các nhà kinh tế và nhà xây dựng cảnh báo rằng Mỹ hiện không có năng lực công nghiệp để đáp ứng nhu cầu và việc đánh thuế có thể làm trầm trọng cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả cho nhà ở của người Mỹ.
"Dù là thuế quan đối với gỗ hay thuế quan đối với bất kỳ mặt hàng nhập khẩu nào khác, những điều này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng", Nick Erickson, Giám đốc cấp cao về chính sách nhà ở tại Housing First Minnesota đánh giá.
Không chỉ gỗ mà nhiều mặt hàng khác cũng gặp rủi ro với thuế quan. Theo đó, 71% trong tổng số 456 triệu USD vôi và thạch cao được nhập khẩu từ Mexico trong năm 2023, theo Hiệp hội Nhà xây dựng Quốc gia (NAHB).
Nếu tính đến các nguyên liệu thô và linh kiện khác nhập khẩu từ Canada, Mexico, cũng như Trung Quốc, các mức thuế mới của ông Trump có thể làm tăng chi phí nguyên liệu xây dựng nhập khẩu từ 3 đến 4 tỷ USD, theo nhận định của NAHB.
Điện tử, đồ chơi, thiết bị gia dụng
Một trong những nhóm hàng khác mà Mỹ nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc trong năm ngoái là điện tử tiêu dùng, bao gồm điện thoại di động, TV, laptop, máy chơi game, màn hình và tất cả các linh kiện cần thiết để vận hành chúng.
Trung Quốc cũng là nhà cung cấp lớn các thiết bị gia dụng. Các mặt hàng này, cùng với đồ chơi và giày dép, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi mối đe dọa thuế quan của ông Trump.
Một con số gây sốc là 99% giày dép bán tại Mỹ là hàng nhập khẩu, theo Hiệp hội phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ. Đáng chú ý, hơn một nửa giày dép bán tại Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc.
Mỹ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc cho đồ chơi và thiết bị thể thao, bao gồm các mặt hàng như bóng đá, bóng chuyền và bóng chày. Mỹ nhập khẩu 75% đồ chơi và thiết bị thể thao từ Trung Quốc.