Tin tức đặc biệt trên báo in Hànôịmới ngày 14-2-2025

Tuổi trẻ Thủ đô vững bước lên đường bảo vệ Tổ quốc; Hà Nội triển khai đề án tổng thể phát triển làng nghề: Tạo điều kiện nâng cao tốc độ tăng trưởng; Đổi mới tuyển dụng giáo viên là giải pháp căn cơ; 'Cây gậy' pháp lý xử lý công trình xây dựng vi phạm; Đấu giá đất tại Hà Nội năm 2025: Hướng tới quản lý chặt chẽ, hạn chế bỏ cọc... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànôịmới số ra ngày 14-2-2025.

Tuổi trẻ Thủ đô vững bước lên đường bảo vệ Tổ quốc

Các tân binh vinh dự, tự hào lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ảnh Viết Thành

Các tân binh vinh dự, tự hào lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ảnh Viết Thành

Sáng 13-2, hơn 4.400 thanh niên ưu tú của Thủ đô tạm xa gia đình, người thân lên đường thực hiện nghĩa vụ Quân sự và nghĩa vụ Công an nhân dân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng Đào Văn Nhận, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Năm nay, công dân có sức khỏe loại 1 và loại 2 đạt 57%, loại 3 đạt 43%. Có 2.510 công dân có trình độ trung học phổ thông, đạt 65%; 995 công dân có trình độ đại học, cao đẳng, đạt 26%. Trong số tân binh lên đường nhập ngũ năm nay có 12 đảng viên; 192 công dân là con cán bộ, đảng viên; 1.740 công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ, tăng 11% so với năm 2024, có tỷ lệ dự phòng phù hợp".

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài chúc các tân binh lên đường mạnh khỏe, chăm chỉ, tích cực rèn luyện và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hà Nội triển khai đề án tổng thể phát triển làng nghề: Tạo điều kiện nâng cao tốc độ tăng trưởng

Sản xuất miến tại làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai). Ảnh Đỗ Tâm

Sản xuất miến tại làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai). Ảnh Đỗ Tâm

Giữa tháng 1-2025, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án được kỳ vọng tháo gỡ những điểm nghẽn và giúp các làng nghề nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển bền vững.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thành phố sẽ tập trung vào công tác quy hoạch làng nghề; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát triển làng nghề. Đồng thời, thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề; rà soát, xây dựng vùng nguyên liệu cung ứng tại chỗ, bảo đảm cung ứng một phần nguyên liệu cho các làng nghề.

Đổi mới tuyển dụng giáo viên là giải pháp căn cơ

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) tìm hiểu, nghiên cứu việc sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh Nguyễn Quang

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) tìm hiểu, nghiên cứu việc sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh Nguyễn Quang

Cả nước hiện còn thiếu nhiều giáo viên, việc tuyển dụng vẫn khó khăn, song thực tế, nhiều sinh viên sư phạm lại thất nghiệp. Đổi mới tuyển dụng, giao quyền tuyển dụng cho các cơ quan quản lý giáo dục hoặc các cơ sở giáo dục tự chủ như nội dung dự thảo Luật Nhà giáo nếu được thông qua sẽ là giải pháp căn cơ có thể giải quyết tình trạng thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm qua.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Nhà giáo, ngày 9-11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Luật Nhà giáo ra đời, các thầy chờ đón rất nhiều. Làm sao tạo cho người thầy đón nhận Luật với tâm thế thực sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi chứ đừng để Luật đề ra thì người thầy lại thấy khó khăn hơn”.

Cùng với mong muốn được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, thậm chí, mong muốn cao hơn nữa là được giao quyền quản lý tổng thể viên chức để chủ động hơn trong điều tiết nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đề xuất giao thẩm quyền điều động nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục hoặc phân cấp, góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

“Cây gậy” pháp lý xử lý công trình xây dựng vi phạm

Lực lượng chức năng ngừng cấp điện với 29 trường hợp tại ô đất C4, ngõ 100 phố Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), tháng 6-2024. Ảnh Hiếu Thanh

Lực lượng chức năng ngừng cấp điện với 29 trường hợp tại ô đất C4, ngõ 100 phố Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), tháng 6-2024. Ảnh Hiếu Thanh

Trên cơ sở kế thừa Điều 20 của Luật Thủ đô năm 2012, Luật Thủ đô năm 2024 đã bổ sung một số nội dung mới có tính đặc thù, nổi trội nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp hành chính, xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực.

HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính thuộc 9 lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô năm 2024 cho phép Hà Nội áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai với nội dung quy định.

Khu đô thị xây xong bị bỏ hoang

Những căn nhà xây thô bị bỏ hoang tại Khu đô thị Lideco (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức).

Những căn nhà xây thô bị bỏ hoang tại Khu đô thị Lideco (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức).

Trong khi nhu cầu về nhà ở của xã hội còn rất cao, nhiều người mơ ước có nhà ở để “an cư lạc nghiêp” ổn định cuộc sống thì ngay trên khu đất “vàng” thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), hàng trăm căn nhà thuộc dự án nhà ở thấp tầng duy nhất của huyện bị hoang hóa khoảng 13 năm nay.

Khu đô thị Lideco có tên dự án là Khu đô thị mới Bắc quốc lộ 32 do Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm thực hiện. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt dự án và giao đất cho Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm theo Quyết định số 856/QĐ-UBND ngày 21-5-2007. Theo đó, tổng diện tích đất được giao là 389.546,9m2. Năm 2012, việc xây dựng cơ bản được hoàn thành.

Đề nghị chính quyền các cấp sớm có phương án tháo gỡ vướng mắc và chỉ đạo sát sao để dự án sớm hoàn thành, đưa vào khai thác nhằm tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí.

Đấu giá đất tại Hà Nội năm 2025: Hướng tới quản lý chặt chẽ, hạn chế bỏ cọc

Năm 2024, các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai thu hút đông đảo người dân tham gia.

Năm 2024, các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai thu hút đông đảo người dân tham gia.

Năm 2024, thị trường đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội diễn ra sôi động, nhất là ở các quận, huyện Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Oai... Tuy nhiên, tình trạng trúng đấu giá rồi bỏ cọc vẫn xuất hiện, gây nhiễu loạn thị trường. Trước thực tế đó, Hà Nội sẽ siết chặt công tác đấu giá đất năm 2025, ưu tiên đối tượng đấu giá là tổ chức, thay vì cá nhân, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất...

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Tuấn Đạt cho biết, Luật Đấu giá tài sản quy định đơn vị trúng đấu giá phải có năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai dự án. Doanh nghiệp tham gia phải đặt cọc trước 20% giá trị lô đất, đồng thời có bảo lãnh ngân hàng và báo cáo tài chính minh bạch.

Thư Ký

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tin-tuc-dac-biet-tren-bao-in-hanoimoi-ngay-14-2-2025-693159.html
Zalo