Rõ cơ chế khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
Nghị định 15 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quy định rõ cơ chế cho thuê, chuyển nhượng, đầu tư mở rộng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nghị định 15/2025-NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt vừa ban hành đã có nhiều quy định rõ về cơ chế, nhằm tạo thuận lợi khai thác hiệu quả tài sản hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP trước đây về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chỉ quy định đối với đường sắt quốc gia, chưa quy định đối với đường sắt đô thị; chưa bao quát hết các loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, quản lý hoặc chưa làm rõ chế độ quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số trường hợp.
Nghị định 15 đã quy định rõ các nội dung này. Theo đó, toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị định 15 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quy định rõ cơ chế khai thác tài sản qua phương thức khai thác trực tiếp, cho thuê, chuyển nhượng (Ảnh: Khai thác dịch vụ bãi hàng ga Yên Viên).
Toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị hiện có (trừ các tài sản đã giao cho doanh nghiệp quản lý theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Về phương thức khai thác, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài sản và các dịch vụ khác cho các tổ chức, cá nhân.
Thông qua doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt, Nhà nước cho thuê quyền khai thác tài sản. Tổ chức nhận thuê thực hiện cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và các dịch vụ khác.
Nhà nước cũng thông qua doanh nghiệp quản lý tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản. Theo đó, chuyển giao trong một thời gian nhất định quyền khai thác tài sản hiện có gắn với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng theo dự án đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt cho doanh nghiệp khác theo hợp đồng. Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng thực hiện cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài sản và các dịch vụ khác theo quy định.
Từ đó, hình thành các nguồn thu từ khai thác tài sản gồm: Phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; Tiền thu từ cung cấp dịch vụ sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và các dịch vụ khác; Tiền thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; Các khoản thu khác.
Nghị định cũng quy định các dịch vụ mà doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia trực tiếp tổ chức khai thác thông qua việc cung cấp dịch vụ liên quan, gồm: Dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt; Dịch vụ bảo quản hàng hóa, lưu kho, lưu bãi; Dịch vụ phòng chờ, lưu trú công vụ; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, khám, chỉnh bị phương tiện, trang thiết bị vận tải đường sắt; Dịch vụ khai thác vị trí, địa điểm thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt; Dịch vụ khai thác kết cấu hạ tầng thông tin tín hiệu, viễn thông đường sắt; Dịch vụ khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt phục vụ hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao; Các dịch vụ khác liên quan đến khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật.
Đối với phương thức cho thuê quyền khai thác tài sản, phương thức chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản, phải lập Đề án và được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Phương thức thực hiện thông qua đấu giá.
Ngoài ra, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cũng được sử dụng để tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhằm phát huy hiệu quả khai thác tài sản.