Tín hiệu tích cực từ cuộc gặp của ông Macron và ông Trump tại Nhà Trắng
'Thật đáng mừng khi nghe ông Macron nói rằng châu Âu sẵn sàng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình (tới Ukraine), và cũng thật tốt khi nghe ông Trump nói sẵn sàng chấp nhận điều đó'.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ở Washington để thảo luận về tương lai của cuộc chiến ở Ukraine cũng như một thỏa thuận hòa bình có thể có giữa Moscow và Kiev.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm 3 năm xung đột, và ông Macron trở thành vị nguyên thủ châu Âu đầu tiên tới thăm Nhà Trắng kể từ khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ 2.
Thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo dường như là phản ứng từ châu Âu, nơi cảm thấy bị gạt khỏi phương trình hòa bình có thể có ở Ukraine sau khi Tổng thống Trump quyết định đàm phán với Nga tại Ả Rập Xê-út.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 24/2/2025. Ảnh: Greek Reporter
Châu Âu sẵn sàng làm nhiều hơn nữa
Phát biểu cùng ông Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 24/2, ông Macron cho biết "mục tiêu chung" là xây dựng "một nền hòa bình vững chắc và lâu dài" ở quốc gia Đông Âu.
"Chúng tôi chia sẻ mục tiêu hòa bình, nhưng chúng tôi cũng nhận thức rõ được sự cần thiết phải có sự đảm bảo và một nền hòa bình vững chắc để ổn định tình hình", ông Macron nói với các phóng viên.
"Đây là thời điểm rất quan trọng đối với châu Âu", Tổng thống Pháp nói thêm. "Tôi ở đây, sau khi thảo luận với tất cả các đồng nghiệp của mình, để nói rằng châu Âu sẵn sàng tiến tới trở thành đối tác mạnh mẽ hơn, làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh cho lục địa của mình và… tham gia vào thương mại, kinh tế và đầu tư".
Chuyến thăm của ông Macron tới Washington, D.C. diễn ra trong bối cảnh châu Âu ngày càng lo ngại về tương lai của quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi ông Trump thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của mình và kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến ở Ukraine.
Việc nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa thúc đẩy khởi động các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và Nga mà không có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Ukraine hoặc châu Âu đã làm gia tăng căng thẳng, với việc châu Âu đặt câu hỏi về cam kết của Washington đối với an ninh của mình.
Phát biểu tại cuộc họp báo với ông Macron, ông Trump cho biết "đã có rất nhiều tiến triển" cho đến nay trong các nỗ lực chấm dứt xung đột, và rằng ông "hài lòng khi Tổng thống Macron đồng ý rằng chi phí và gánh nặng đảm bảo hòa bình phải do các quốc gia châu Âu gánh chịu, chứ không phải chỉ riêng Mỹ".
"Châu Âu phải đảm nhận vai trò trung tâm trong việc đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine, điều mà họ muốn làm", Tổng thống Mỹ nói, cho biết rằng Washington ủng hộ ý tưởng về lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu ở Ukraine.
Ông chủ Nhà Trắng nói thêm rằng ông đã nêu vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Nga "cởi mở" với ý tưởng quân đội châu Âu được triển khai tại Ukraine với tư cách là bên bảo lãnh cho một thỏa thuận chấm dứt giao tranh.
"Tôi đã hỏi cụ thể ông ấy câu hỏi đó. Ông ấy không có vấn đề gì", ông Trump nói, khi được một phóng viên hỏi về lập trường của ông Putin về vấn đề này.
Tiến triển thực sự trong thỏa thuận hòa bình cho Ukraine
Nhưng ông Macron nhấn mạnh rằng Mỹ phải tham gia cùng châu Âu trong cam kết này, nói rằng điều quan trọng là Washington phải cung cấp "sự hỗ trợ" cho bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào của châu Âu.
Nhà lãnh đạo Pháp cho biết, bất kỳ lực lượng châu Âu nào được gửi đến Ukraine sẽ ở đó để "duy trì hòa bình" và sẽ không được đưa vào tiền tuyến hoặc trở thành một phần của cuộc xung đột.
Ông Macron cho biết, ông sẽ làm việc với Thủ tướng Anh Keir Starmer, người dự kiến sẽ đến thăm Nhà Trắng vào ngày 27/2, về một đề xuất gửi quân gìn giữ hòa bình đến Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận.
"Sau khi nói chuyện với Tổng thống Trump, tôi hoàn toàn tin rằng có một con đường phía trước", Tổng thống Pháp Macron nói.
Tổng thống Trump cho biết, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine trong nỗ lực chiến đấu cho tới nay. Nhưng tuyên bố có phần gây tranh cãi, vì dự án Ukraine Support Tracker của Viện nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel cho thấy, EU đã chi 137,9 tỷ USD (132,3 tỷ Euro) để hỗ trợ Ukraine, trong khi Mỹ đã chi 119,56 tỷ USD (114,2 tỷ Euro) cho nỗ lực chiến tranh.
Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, bà Rachel Rizzo, thành viên cấp cao tại Trung tâm châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), nói với Aljazeera rằng cuộc gặp giữa ông Trump và ông Macron mang lại tín hiệu tích cực, báo hiệu tiềm năng đạt được tiến triển thực sự trong thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.
Tổng thống Pháp đã xúc tiến trong một thời gian dài không chỉ về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu và cung cấp nhiều hơn cho quốc phòng của chính họ, mà còn về những gì châu Âu cần làm cho Ukraine, bà Rizzo nói. "Điều đó khiến cuộc gặp của ông ấy với ông Trump trở nên đầy hứa hẹn", bà nói thêm.
"Thật đáng mừng khi nghe ông Macron nói rằng châu Âu sẵn sàng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình, và cũng thật tốt khi nghe ông Trump nói sẵn sàng chấp nhận điều đó", vị chuyên gia kết luận.
Ông Putin nói gì về sự tham gia của châu Âu vào đàm phán Ukraine?
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/2 cho biết, Nga không phản đối sự tham gia của châu Âu vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Mỹ nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine, nhưng lưu ý rằng Brussels từ lâu đã từ chối bất kỳ cuộc đối thoại nào với Moscow.
Ông Putin, được phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga, cũng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiếp cận cuộc xung đột Nga-Ukraine một cách lý trí chứ không phải cảm tính.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết, việc châu Âu tham gia các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc xung đột kéo dài 3 năm này là hợp lý.
“Sự tham gia của họ vào quá trình đàm phán là cần thiết. Chúng tôi không bao giờ từ chối điều đó, chúng tôi đã liên tục thảo luận với họ”, ông Putin nói. “Vì muốn gây cho Nga một thất bại trên chiến trường, đôi khi họ là những người từ chối liên lạc với chúng tôi. Nếu họ muốn quay lại, thì không sao cả”.
Minh Đức (Theo Aljazeera, RFE/RL, Reuterss)