Chiến sự Nga-Ukraine 25-2: Ông Putin chỉ trích ông Zelensky; Ông Trump nói xung đột Nga-Ukraine sẽ kết thúc sớm

Liên quan chiến sự Nga-Ukraine có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump nói xung đột Nga-Ukraine sẽ kết thúc trong vài tuần nhưng Nga nói mình chưa hiểu đề xuất hòa bình của Mỹ; Nga, Mỹ đối đầu châu Âu tại Liên Hợp Quốc; Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích người đồng cấp Ukraine.

Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua xoay quanh tâm điểm đàm phán kết thúc chiến tranh ở Ukraine.

Ông Trump nói xung đột Nga-Ukraine sẽ kết thúc trong vài tuần

Ngày 24-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể kết thúc "trong vòng vài tuần", đồng thời cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu đồn trú tại Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình, theo tờ Kyiv Independent.

Khi được báo giới hỏi liệu Ukraine có nên sẵn sàng nhượng lãnh thổ cho Nga như một phần của giải pháp đàm phán hay không, ông Trump trả lời cần thời gian để xem xét diễn biến vì các cuộc đàm phán vẫn đang trong giai đoạn đầu.

 Quang cảnh TP Kostiantynivka (tỉnh Donetsk) bị chiến tranh tàn phá vào hôm 24-2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Quang cảnh TP Kostiantynivka (tỉnh Donetsk) bị chiến tranh tàn phá vào hôm 24-2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 24-2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga vẫn chưa hiểu rõ về kế hoạch hòa bình của Mỹ nhằm giải quyết xung đột Ukraine kể từ cuộc họp tuần trước giữa phái đoàn của hai nước tại Saudi Arabia, theo đài RT.

Tuy nhiên, công Ryabkov nhấn mạnh rằng Moscow đã ghi nhận thiện chí của Washington trong việc khẩn trương giải quyết cuộc chiến này và thấy rằng mong muốn của phía Mỹ là thúc đẩy nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Dù vậy, thứ trưởng Nga cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn mà không có một giải pháp lâu dài sẽ khiến các cuộc giao tranh sẽ tái diễn nhanh chóng và cuộc xung đột thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Ryabkov nhắc lại kế hoạch hòa bình do Tổng thống Nga Putin đề xuất hồi tháng 6-2024, trong đó Moscow đã đặt ra các điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev, bao gồm việc rút toàn bộ quân Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga cho là của mình, gồm 4 tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia.

Đề xuất này cũng có điều khoản yêu cầu Ukraine cam kết không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc bất kỳ khối quân sự phương Tây nào khác.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho biết Nga và Mỹ sẽ tổ chức thêm một cuộc gặp nữa vào ngày 25-2 và sẽ có sự tham gia của các viên chức cấp trưởng phòng từ các cơ quan đối ngoại của hai nước.

Mỹ, châu Âu đối đầu tại Liên Hợp Quốc

Ngày 24-2, giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu đã có một cuộc “đối đầu” tại Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine khi Mỹ cùng Nga bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, vốn được hầu hết các nước châu Âu ủng hộ về vấn đề cuộc chiến ở Ukraine, theo tờ The New York Times.

Nghị quyết này do Ukraine đề xuất, dài 3 trang, đánh dấu 3 năm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong đó yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine và phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh, đồng thời kêu gọi xây dựng nền "hòa bình toàn diện, lâu dài và công bằng".

Nghị quyết được thông qua với 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 65 phiếu trắng.

Ngoài việc cùng Nga bỏ phiếu chống nghị quyết này, Mỹ đã đề xuất một dự thảo nghị quyết khác lên Đại hội đồng liên Hợp Quốc, trong đó không lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine mà chỉ “kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột và thúc đẩy một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga”, bày tỏ thương tiếc về sự mất mát về người trong cuộc xung đột.

Sau đó, Mỹ đã trình dự thảo nghị quyết tương tự lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi hòa bình ngay lập tức, mà không đề cập đến cuộc tấn công của Nga ở Ukraine hoặc đổ lỗi cho bất kỳ ai.

Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết này, với tỷ lệ 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng. Thay vì sử dụng quyền phủ quyết, Anh và Pháp bỏ phiếu trắng.

 Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi hòa bình cho xung đột Ukraine hôm 24-2. Ảnh: EPA/ SHUTTERSTOCK

Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi hòa bình cho xung đột Ukraine hôm 24-2. Ảnh: EPA/ SHUTTERSTOCK

Sau cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an, Đại biện lâm thời đại diện Mỹ tại Liên Hợp Quốc Dorothy Camille Shea nói rằng nghị quyết của Mỹ đưa thế giới đến con đường hòa bình và bây giờ chúng ta phải sử dụng nó để xây dựng một tương lai hòa bình cho Ukraine, Nga và cộng đồng quốc tế.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nói rằng Nga coi nghị quyết do Mỹ đề xuất và được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua là điểm khởi đầu cho những nỗ lực tiếp theo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình, theo hãng thông tấn TASS.

Nhà ngoại giao này kêu gọi không để những nỗ lực giải quyết cuộc chiến ở Ukraine của Nga và Mỹ bị cản trở bởi phe chiến tranh đại diện là Ukraine và những nhà tài trợ châu Âu.

Ông Putin chỉ trích ông Zelensky

Ngày 24-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không có cơ hội tái đắc cử nếu cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine được tổ chức.

Theo nhà lãnh đạo Nga, các cuộc bầu cử ở Ukraine đã bị hủy bỏ "dưới chiêu bài thiết quân luật" và trong trường hợp đàm phán diễn ra thì tình trạng thiết quân luật sẽ được dỡ bỏ và sẽ diễn ra bầu cử. Ông Putin cũng cho rằng cựu tổng tư lệnh Ukraine Valerii Zaluzhnyi có nhiều cơ hội đắc cử hơn ông Zelensky.

Cạnh đó, ông Putin nói rằng ông Zelensky đã "trở thành nhân vật độc hại đối với quân đội Ukraine" vì đã có những mệnh lệnh vô lý, xuất phát từ cân nhắc chính trị hơn là quân sự, dẫn đến những tổn thất lớn và thảm khốc cho lực lượng Ukraine.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cho rằng sự tham gia của châu Âu vào quá trình đàm phán chấm dứt xung đột Nga-Ukraine là điều cần thiết nhưng châu Âu không thể yêu cầu bất cứ điều gì từ Nga.

Trong diễn biến liên quan, ngày 24-2, các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt gói trừng phạt thứ 16 đối với Nga, Theo đó, EU đã đưa thêm 48 cá nhân, 35 pháp nhân và 74 tàu bị cáo buộc là một phần của hạm đội ngầm của Nga vào danh sách trừng phạt, đồng thời hạn chế một số báo đài Nga phát sóng ở châu Âu.

THU PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chien-su-nga-ukraine-25-2-ong-putin-chi-trich-ong-zelensky-ong-trump-noi-xung-dot-nga-ukraine-se-ket-thuc-som-post835954.html
Zalo