Vì sao Điện Kremlin vẫn cảnh giác với Nhà Trắng về đàm phán hòa bình Ukraine?

Một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin tiết lộ, giới lãnh đạo Nga không hiểu hết chiến lược của Nhà Trắng và cảnh giác với các cạm bẫy.

Sự cảnh giác của Điện Kremlin

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn tạm thời ở Ukraine có thể là phép thử quan trọng ban đầu cho sự tan băng trong mối quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Các quan chức ở Moscow có lập trường thận trọng về việc ông Trump ủng hộ Tổng thống Putin, 2 nguồn thạo tin cho biết. Một người khác thân cận với Điện Kremlin tiết lộ giới lãnh đạo Nga không hiểu hết chiến lược của Nhà Trắng và cảnh giác với các cạm bẫy. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/2 rằng mặc dù Moscow sẵn sàng đàm phán về một thỏa thuận hòa bình, bao gồm cả với Ukraine và châu Âu nhưng họ sẽ chỉ ngừng chiến đấu khi có "một kết quả vững chắc và lâu dài phù hợp với Nga".

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đàm phán về Ukraine tại Saudi Arabia ngày 18/2/2025. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đàm phán về Ukraine tại Saudi Arabia ngày 18/2/2025. Ảnh: Reuters

Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ ba, các lực lượng của Nga đang đạt được những tiến triển đáng kể trên chiến trường Ukraine. Trong khi Tổng thống Putin loại trừ khả năng ngừng bắn thì đặc phái viên của ông Trump là Steve Witkoff đã nói với CBS News hôm 23/2 rằng, Mỹ đang tìm kiếm "một lệnh ngừng bắn tạm thời" như một bước đi đầu tiên nhằm hướng tới giải quyết xung đột. Ông Witkoff tiết lộ ông đã gặp Tổng thống Putin khoảng 3 tiếng rưỡi hồi đầu tháng này ở Moscow.

"Chiến lược tấn công quyến rũ của ông Trump được nhìn nhận tích cực nhưng cũng không có sự nhiệt tình quá mức. Chúng tôi không thấy giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Ukraine", Sergei Markov - một cố vấn chính trị có quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin nhận định.

Bài đăng trên mạng xã hội của ông Trump tuần trước gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là "kẻ độc tài" đã khiến các quan chức Điện Kremlin sửng sốt. Các quan chức chủ chốt của chính quyền ông Trump đã từ chối nêu Nga là bên gây hấn trong khi Mỹ chuẩn bị đề xuất một nghị quyết lên Liên Hợp Quốc không lên án Nga về cuộc xung đột ở Ukraine.

Chính quyền mới của Mỹ đã tuyên bố rằng việc Ukraine giành lại lãnh thổ do Nga chiếm đóng là không thực tế và rằng nước này sẽ không được tham gia NATO. Ông Trump cũng tán thành với lời kêu gọi bầu cử ở Ukraine trước khi một thỏa thuận hòa bình cuối cùng được nhất trí, làm suy yếu vị thế của ông Zelensky và được cho là có liên quan đến các yêu cầu của Nga.

Sự đảo ngược nhanh chóng trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc xung đột và mối quan hệ với Nga đang diễn ra ngay cả khi Điện Kremlin không có dấu hiệu nhượng bộ hoặc nới lỏng chiến dịch quân sự của mình. Vài giờ sau khi các quan chức cấp cao từ Washington và Moscow gặp nhau tại Saudi Arabia tuần trước, Nga đã tấn công UAV vào Odesa ở phía Nam Ukraine.

Bất đồng về cách chấm dứt xung đột Ukraine

Việc ông Trump xích lại gần Nga đã làm dấy lên lo ngại ở châu Âu về tương lai của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Các nước châu Âu gần như đã bị gạt sang bên trong các cuộc đàm phán ban đầu. Ông Trump đang thúc đẩy việc nhanh chóng chấm dứt xung đột nhằm thực hiện một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh của của mình. Ông cho biết ông sẵn sàng tham gia hội nghị thượng đỉnh với ông Putin mặc dù vẫn chưa thống nhất được ngày cụ thể.

Chính quyền Tổng thống Trump đã nói với các quan chức châu Âu rằng họ muốn đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Ukraine vào Lễ Phục sinh, tức là vào tháng 4/2025, Bloomberg đưa tin ngày 16/2. Hiện vẫn chưa rõ chính quyền ông Trump sẽ kiên quyết như thế nào về lệnh ngừng bắn ngay lập tức và liệu ông Putin có mạo hiểm từ bỏ các cuộc đàm phán về vấn đề này hay không.

Một ngày sau những tuyên bố chỉ trích của ông Trump với ông Zelensky, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Bloomberg rằng Mỹ đã chuẩn bị tăng cường hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt dựa trên thiện chí đàm phán của Nga.

Điều đó đã gợi lại những đe dọa của Tổng thống Trump nhắm vào hàng tỷ USD doanh thu năng lượng của Nga nếu Điện Kremlin không phản hồi sáng kiến hòa bình của ông.

Bất chấp những phát biểu nồng ấm sau các cuộc đàm phán ở Riyadh, bao gồm thảo luận về các cơ hội kinh tế cho các công ty Mỹ và một thỏa thuận khôi phục hoạt động của các đại sứ quán sau nhiều năm cắt giảm ngoại giao mạnh mẽ, hai bên vẫn bất đồng quan điểm về cách chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Ông Trump đã nói rằng ông sẽ ủng hộ các đồng minh châu Âu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine, đồng thời loại trừ vai trò của Mỹ. Nga khẳng định sẽ không chấp nhận lực lượng NATO trên lãnh thổ Ukraine và cũng đang thúc đẩy việc hạn chế quân đội Kiev.

Nga chiếm khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea nhưng không kiểm soát hoàn toàn 4 khu vực ở miền Đông và miền Nam Ukraine mà họ tuyên bố sáp nhập vào cuối tháng 9/2022.

"Hiện tại, triển vọng về một thỏa thuận toàn diện có vẻ không khả thi: lập trường của Mỹ và Nga quá khác biệt", Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty tham vấn R.Politik và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia Center nhận định. Theo bà, mục tiêu chính của Tổng thống Putin vẫn là một “Ukraine thân thiện”, không phải là về sự chia cắt lãnh thổ hay an ninh của giới tuyến mà là những đảm bảo rằng Ukraine nói chung sẽ đi ngược với quỹ đạo của phương Tây.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Bloomberg

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-dien-kremlin-van-canh-giac-voi-nha-trang-ve-dam-phan-hoa-binh-ukraine-post1157157.vov
Zalo