Tín hiệu lạc quan 'kéo' doanh nghiệp đăng ký mới, hoạt động trở lại
Sự đột phá trong đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với các lý do như niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường sản xuất, kinh doanh của Việt Nam trong năm 2025 sẽ tốt hơn

Cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp mới cũng như các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm 2025 hết sức tích cực.
“Sự đột phá trong đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với các lý do như: niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường sản xuất, kinh doanh của Việt Nam cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 sẽ tốt hơn”, Thứ trưởng Phương lý giải.
Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết, bức tranh đăng ký doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 cho thấy sự sôi động với gần 90 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số vốn đăng ký bình quân trên mỗi doanh nghiệp mới thành lập lại có xu hướng giảm, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng gia tăng…
Trong tháng 4, cả nước ghi nhận có hơn 15,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm nhẹ 2,5% so với tháng 3 nhưng tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Số vốn đăng ký trong tháng đạt hơn 133,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước nhưng giảm 23,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số lao động đăng ký lại tăng mạnh 45,8% so với tháng 3/2025 và 51,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 127,6 nghìn người. Như vậy, vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp mới trong tháng 4/2025 là 8,8 tỷ đồng, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có 51,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm nhẹ 0,9% về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký đạt 490,4 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9%) và tổng số lao động đăng ký là 355,8 nghìn người (tăng 1,2%). Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn này đạt 9,5 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ 2024.
Tuy nhiên, điểm sáng là sự trở lại mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Có tới 38,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng, tăng 29,0% so với cùng kỳ. Điều này nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên hơn 89,9 nghìn doanh nghiệp, tương đương gần 22,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường mỗi tháng.

Ngày hội việc làm quy tụ hơn 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN
Nổi bật của bức tranh doanh nghiệp; đó là tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế. Trong 4 tháng đầu năm, con số này đạt 1.794,4 nghìn tỷ đồng, tăng tới 91,3% so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng này chủ yếu nhờ vào việc các doanh nghiệp đang hoạt động đã đăng ký tăng thêm gần 1.304,0 nghìn tỷ đồng, tăng 217,1% so với cùng kỳ.
Xét theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ vẫn chiếm đa số doanh nghiệp thành lập mới với gần 39,1 nghìn doanh nghiệp (tăng 0,2%), khu vực công nghiệp và xây dựng có gần 12,1 nghìn doanh nghiệp (giảm 4,4%), và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có 496 doanh nghiệp (giảm 0,8%).
Ở chiều ngược lại, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng cần được chú ý. Tính chung 4 tháng đầu năm, có hơn 68,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, gần 20,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 5,7%) và hơn 7,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 26,1%).
Trung bình mỗi tháng có hơn 24,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường dưới các hình thức này. Riêng tháng 4/2025, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (7.184) và chờ giải thể (8.989) đều tăng mạnh so với tháng trước, nhưng số hoàn tất giải thể (1.750) lại giảm.
Trong xu thế phát triển mới về kinh doanh bền vững, phương hướng trong năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật.
Hiện, Bộ Tài chính đã và đang tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này hết sức quan trọng; thể hiện rõ chủ trương lớn của Đảng trong phát triển kinh tế khu vực tư nhân, coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.
“Những yếu tố trên làm cho các doanh nghiệp ngày càng có thêm niềm tin vào nền kinh tế. Điều này sẽ tạo “cú hích” trong bức tranh đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2025”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.