Tìm kiếm giải pháp bảo quản 'toàn thân xá lợi' hai vị thiền sư Chùa Đậu
Sau khi viên tịch, hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh-Vũ Khắc Trường để lại 'nhục thân' hay còn gọi là 'toàn thân xá lợi' – một dấu ấn đặc biệt quan trọng trong quá trình tu hành.
Những giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo đặc sắc của chùa Đậu, đặc biệt là bí ẩn về hiện tượng “toàn thân xá lợi” của hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường cần được nghiên cứu, làm rõ để khẳng định vai trò của một trung tâm Phật giáo tiêu biểu ở vùng châu thổ Bắc Bộ.
Đó là nhận định chung của các chuyên gia, học giả tại Hội thảo khoa học “Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc” diễn ra ngày 19/4 tại Chùa Đậu (Thành Đạo tự), thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Danh lam cổ tự nổi tiếng trấn Sơn Nam
Phát biểu đề dẫn, Tiến sỹ Đinh Đức Tiến, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay Chùa Đậu là một ngôi danh lam, cổ tự có bề dày lịch sử và nổi tiếng ở trấn Sơn Nam (địa danh cũ chỉ vùng đất phía Nam Thăng Long từ thời nhà Lê sơ đến nhà Nguyễn).

Chùa Đậu tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội nổi tiếng bởi kiến trúc cổ kính của các vương triều phong kiến, bởi bề dày lịch sử-văn hóa lâu đời. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trải qua các giai đoạn lịch sử từ Trần, Lê, Mạc và đặc biệt là Lê Trung Hưng, chùa Đậu đã trở thành ngôi chùa gắn liền với hoàng tộc nhà Lê, với phủ chúa Trịnh ở kinh sư Thăng Long.
Chùa không chỉ sở hữu kiến trúc, nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt, mà còn là nơi tu tập của hai thiền sư họ Vũ là Khắc Minh (Đạo Chân), Khắc Trường (Đạo Tâm). Sau khi viên tịch, họ để lại “nhục thân” hay còn gọi là “toàn thân xá lợi” – một dấu ấn đặc biệt quan trọng trong quá trình tu hành, được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2016.
Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc Chùa Đậu; về lối tu tập, kỹ thuật bảo quản nhục thân hai vị thiền sư.
Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề kỹ thuật xác định cấu trúc và kỹ thuật bảo quản nhục thân, mà chưa có nhiều những chuyên khảo đề cập đến hành trạng, phương pháp – pháp môn tu tập của hai thiền sư họ Vũ.

Những đường nét chạm trổ tinh tế trong kiến trúc Chùa Đậu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng Hội thảo làm rõ những giá trị lịch sử văn hóa của Chùa Đậu trong dòng chảy lịch sử văn hóa Phật giáo nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Đây cũng là dịp để cộng đồng học thuật, Phật tử và nhân dân cùng nhìn lại những giá trị to lớn của di sản Chùa Đậu, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy phù hợp trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển văn hóa-du lịch bền vững.
“Hội thảo khoa học này rất có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 nơi toàn thể nhân dân sẽ được chiêm bái xá lợi Đức Phật và xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Tại Chùa Đậu, nơi lưu giữ ‘xá lợi toàn thân’ của hai vị thiền sư, chúng ta thấy được sự truyền thừa của Phật giáo trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam,” Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu.
Tìm hướng bảo quản lâu dài 'toàn thân xá lợi'
Người trực tiếp tham gia nghiên cứu, bảo quản, phục chế pho tượng nhục thân của hai vị thiền sư - Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường từng nói rằng hai "toàn thân xá lợi" này ẩn chứa những yếu tố mà khoa học chưa giải thích được đầy đủ. Do đó, giới khoa học cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi để có sự nhìn nhận chính xác hơn nữa. Trên cơ sở đó, phương pháp bảo quản hai Bảo vật quốc gia này sẽ ngày càng hoàn thiện.
Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định tượng nhục thân của hai thiền sư chùa Đậu cũng như một số vị hòa thượng khác cần được xác định là di sản quý của văn hóa Phật giáo Việt Nam, cần có phương án lưu giữ, bảo tồn.


Hai pho tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh-Vũ Khắc Trường tại Chùa Đậu. Tương truyền, hai vị thiền sư tu hành vào thế kỷ 17, là trụ trì tại chùa Đậu. Hai ngài Vũ Khắc Minh-Vũ Khắc Trường là hai chú cháu cũng là hai thầy trò. Cả hai vị có căn duyên đặc biệt, đều sớm lìa xa đời sống thế tục để xuất gia tu hành, lấy pháp hiệu Tự Đạo Chân-Tự Đạo Tâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hòa thượng Thích Thọ Lạc cũng nêu lên thực tế đang có những bất cập nhất định giữa nhà chùa (nơi thực hành Phật sự) và cơ quan quản lý Nhà nước; giữa nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo và thực tiễn thực thi Luật Di sản trong công tác bảo quản, trùng tu, tôn tạo các di sản Phật giáo. Nhiều trường hợp do thiếu kinh phí, thiếu hiểu biết về di tích, di sản Phật giáo, nên di sản bị xuống cấp, hư hỏng, thậm chí bị hủy hoại, mất mát.
“Do đó, về phía nhà chùa, cũng như các cấp quản lý, việc xây dựng một quy chuẩn cho công tác bảo quản và phát huy các giá trị di sản Phật giáo là việc làm cấp thiết,” Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói.
Cụ thể, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiến nghị cần khoác thêm y áo cho nhục thân hai vị thiền sư để phần thờ phụng thêm trang nghiêm. Việc bố trí đặt hai pho tượng nhục thân trong gian thờ cũng cần được xem xét lại cho đúng với trật tự, lịch sử Phật giáo.

Công tác quản lý và phát huy di sản chùa Đậu cần thiết phải áp dụng nhiều hơn những hình thức công nghệ mới. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đóng góp tham luận tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng công tác quản lý và phát huy di sản chùa Đậu cần thiết phải áp dụng nhiều hơn những hình thức công nghệ mới.
Công việc đầu tiên cần làm đó là tiến hành số hóa, toàn bộ hệ thống tư liệu về chùa Đậu để thuận tiện cho việc lưu trữ và nghiên cứu. Nhà chùa cần quan tâm hơn đến việc ứng dụng công nghệ, điển hình là triển khai thuyết minh tự động qua mã QR code (hiện ở chùa mới dừng lại ở các bảng thông tin 2D) tiến tới ứng dụng những kỹ thuật hiện đại hơn như 3D mapping. Hệ thống hiện vật, bảo vật của chùa, đặc biệt là hệ thống tượng Phật, cuốn sách đồng và hai tượng nhục thân của hai thiền sư có thể quét tạo tiêu bản 3D./.



Giữa cuộc sống hiện đại nhiều lo toan, Chùa Đậu vẫn là nơi nương tựa tâm linh của biết bao Phật tử gần xa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)