Có một Trường Sơn thi ca

BẮC GIANG - Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, hiếm có con đường nào mang trong mình nhiều “kỷ lục” như đường Trường Sơn - tuyến vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam và cả ba nước Đông Dương. Và thật độc đáo là từ con đường máu lửa oanh liệt ấy, đã ra đời một dòng văn học - nghệ thuật, trở thành di sản văn hóa vô giá của dân tộc ta. Trong đó, có một mảng thơ Trường Sơn gắn liền với tên tuổi của nhiều tác giả là những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Thật vậy, những năm tháng cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, con đường ấy đã “hút” về mình một đội ngũ các nhà thơ viết về Trường Sơn thật đông đảo và hùng hậu. Từ những tác giả của phong trào Thơ mới, đến các nhà thơ cách mạng tiền khởi nghĩa và thế hệ các nhà thơ chống Pháp, như: Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Sách, Chính Hữu, Nông Quốc Chấn, Phạm Ngọc Cảnh, Thanh Hải, Giang Nam... đều từng có mặt ở Trường Sơn và có nhiều bài thơ viết về Trường Sơn.

 Đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu.

Đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu.

Bên cạnh đó là đội ngũ đông đảo các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều người trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn, hoặc ít nhất trên đường “đi Bê” cũng đã có những trải nghiệm sâu sắc trên các tuyến đường Trường Sơn. Tất cả họ đều để lại những vần thơ hay về Trường Sơn, như: Hữu Thỉnh, Thu Bồn, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Mỹ, Trọng Khoát, Phạm Lê, Trịnh Quý, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Dương Trọng Dật, Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phạm Hồ Thu…

Chỉ tính riêng trên mảnh đất Quảng Bình “tuyến lửa”, nơi có nhiều địa điểm được chọn làm Sở chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn qua các thời kỳ; đồng thời cũng là nơi có nhiều trọng điểm ác liệt nhất trên cả hai nhánh Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, cũng đã hình thành một thế hệ nhà thơ tuyến lửa viết về Trường Sơn. Họ là những tác giả, hoặc là trưởng thành từ Trường Sơn, hoặc là có rất nhiều sáng tác thành công về Trường Sơn, như: Xuân Hoàng, Trần Nhật Thu, Xích Bích, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật…

Nổi bật trong số các nhà thơ Trường Sơn là Phạm Tiến Duật. Ông là nhà thơ khai mở một luồng gió mới hào sảng, tươi trẻ, ngồn ngộn hiện thực đời sống chiến trường. Ông là người đã mang cả Trường Sơn vào thơ. Ông không chỉ được ví như “con đại bàng của thi ca trường Sơn” mà còn được tôn vinh là “người lĩnh xướng của thơ ca chống Mỹ”. Những bài thơ hào sảng, nóng hổi, tràn đầy tinh thần lạc quan trong bom đạn Trường Sơn của Phạm Tiến Duật, như: "Gửi em cô thanh niên xung phong", "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây", "Lửa đèn", "Tiểu đội xe không kính", "Nhớ", "Tiếng bom ở Seng Phan"... vẫn còn sống mãi với các thế hệ bạn đọc.

Có một điều hết sức đặc biệt: Đề tài Trường Sơn còn là niềm cảm hứng thi ca của nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội. Đồng chí Trường Chinh trong chuyến vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn đầu năm 1974, đã xúc động viết bài thơ “Tặng bộ đội Trường Sơn”: Xe anh nặng nghĩa nặng tình/ Anh đi mang cả bên mình chiến công/ Trường Sơn Tây, Trường Sơn Đông/ Đèo cao, suối thẳm... trông mong, đợi chờ... Cùng thời gian ấy, đồng chí Lê Đức Thọ trong một lần vào Trường Sơn đã chứng kiến: Ai qua đèo Trường Sơn/ Không nếm mùi cát bụi?/ Cứ mỗi chiếc xe qua/ Bụi tung lên từng khối...

Rồi đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn cũng từng hóm hỉnh chia sẻ: Chào những đoàn dũng sĩ/ Lái xe trên Trường Sơn/ Đầu xanh mà tóc bạc/ Vì lớp lớp bụi đường... Và nhà thơ Tố Hữu, nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, đã có những câu thơ về Trường Sơn trở thành kinh điển: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Và: Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình...

Còn một điều cũng hết sức thú vị: Ấy là, trong đội ngũ các văn nghệ sĩ tham gia “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bên cạnh các “đấng nam nhi” thuộc nhiều thế hệ như đã trình bày trên đây, còn có những “bóng hồng” tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có những nữ thi sĩ mà tên tuổi đến nay vẫn là những ngôi sao trên văn đàn. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra và lớn lên trên đất lửa Quảng Bình. Chị là phóng viên xông xáo trên đường Trường Sơn ngay trên quê hương.

Bài thơ “Khoảng trời - hố bom” viết năm 1972 của chị, được xếp vào hàng những bài thơ hay nhất thời chống Mỹ, cho đến tận hôm nay vẫn còn khiến nhiều thế hệ độc giả thổn thức: Chuyện kể rằng em cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy chẳng bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom... Tác phẩm này đã đoạt giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1973. Nhà thơ Trần Thị Thắng tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970.

Dòng văn học chống Mỹ cứu nước nói chung và thơ văn về Trường Sơn nói riêng là một di sản văn hóa có giá trị nhiều mặt, với nhiều tên tuổi đã và đang là những trụ cột của nền văn học Việt Nam đương đại. Và thực tiễn đời sống văn học Việt Nam đương đại cũng chứng minh: Trường Sơn hôm qua và Trường Sơn hôm nay vẫn là một đề tài phong phú, hấp dẫn, để các nhà văn tiếp tục khai thác sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.

Năm 1971, chị khoác ba lô vượt mấy nghìn cây số đường Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, làm báo và viết văn tại mặt trận. Đến nay chị đã xuất bản 15 tập thơ, trường ca, truyện ngắn và tiểu thuyết. Phạm Hồ Thu cũng chọn chiến trường để sống và viết sau khi tốt nghiệp đại học. Đến nay, chị đã xuất bản 5 tập thơ với nhiều giải thưởng văn chương. Năm 2017, tập trường ca viết về đường Trường Sơn huyền thoại của chị đã đoạt giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ...

Trong số các nhà thơ nữ trưởng thành từ Trường Sơn khói lửa, Nguyễn Thị Hồng Ngát và Lê Thị Mây là hai trường hợp khá đặc biệt: Họ vào chiến trường khi mới tốt nghiệp phổ thông, không phải để làm báo hay viết văn, mà là để... ca hát và vá đường, sửa cầu, san lấp hố bom. Nguyễn Thị Hồng Ngát khi còn là cô văn công Trường Sơn tươi trẻ, đã đoạt giải Khuyến khích cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1973-1974. Đến nay, chị đã có 7 tập in riêng và 2 tập in chung.

Nhà thơ Lê Thị Mây là cựu thanh niên xung phong Trường Sơn. Trong hàng trăm thi ảnh về trăng Trường Sơn của chị, có một vầng trăng đã làm nên “thương hiệu” thơ Lê Thị Mây, đó là: Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày... Còn đây là vầng trăng trên “Ba lô chiến sĩ” của chị: Gió đèo hun hút lưng ta cõng/ Nặng trĩu hai vai một vầng trăng/ Nặng trĩu hai vai hồn Tổ quốc/ Liềm trăng nghiêng đỡ bước lặng im... Cả ba nữ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Hồng Ngát và Lê Thị Mây đều đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Dòng văn học chống Mỹ cứu nước nói chung và thơ văn về Trường Sơn nói riêng là một di sản văn hóa có giá trị nhiều mặt, với nhiều tên tuổi đã và đang là những trụ cột của nền văn học Việt Nam đương đại. Và thực tiễn đời sống văn học Việt Nam đương đại cũng chứng minh: Trường Sơn hôm qua và Trường Sơn hôm nay vẫn là một đề tài phong phú, hấp dẫn, để các nhà văn tiếp tục khai thác sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, xứng đáng với tầm vóc và kỳ tích của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại!.

Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/co-mot-truong-son-thi-ca-postid416278.bbg
Zalo