Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam là sự kiện lịch sử vĩ đại
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam không chỉ đánh dấu sự kiện Việt Nam hoàn toàn giải phóng miền nam, thống nhất đất nước mà còn là sự kiện lịch sử vĩ đại mang tầm thế giới. Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng ngời cho nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giành hòa bình, độc lập dân tộc.

Với gần 40 năm gắn bó với đất nước, con người Việt Nam và sử dụng thành thạo tiếng Việt, Giáo sư Ahn Kyong-Hwan đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc.
Đó là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Ahn Kyong-Hwan, Hiệu trưởng phụ trách Đối ngoại Đại học Nguyễn Trãi, Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội năm 2024 trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 của quân và dân Việt Nam cũng như về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, được biết, ông là người sử dụng thành thạo tiếng Việt và đã có gần 40 năm gắn bó với đất nước, con người Việt Nam. Ông cũng là dịch giả nhiều tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Hàn Quốc. Vậy xin ông cho biết, cơ duyên nào đưa ông đến với tiếng Việt và đất nước Việt Nam?
Giáo sư Ahn Kyong-Hwan: Có thể nói, tôi đã yêu Việt Nam từ khi còn là cậu học sinh trung học. Khi đó, trong trường, chúng tôi được biết đến Việt Nam qua một số thước phim và một số bức ảnh. Trong đó, biểu tượng dễ nhận thấy nhất của Việt Nam là hình ảnh cây dừa. Những rừng dừa của Việt Nam được thể hiện qua những thước phim, những bức ảnh với trái sum sê trĩu ngọn, tàu lá dừa rung rinh trước gió uốn mình xuống các dòng kênh rạch, vẻ đẹp huyền ảo, lung linh. Xuất phát từ tình yêu “Cây dừa Việt Nam” mà tôi đã yêu Việt Nam từ đó.
Tôi bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1974. Thời điểm đó, nền kinh tế của Hàn Quốc vẫn còn khó khăn, công nghệ thông tin còn chưa phát triển cho nên việc học tiếng Việt đối với tôi rất khó khăn. Tôi phải tìm kiếm sưu tầm một số cuốn sách để tự học.
Năm 1989, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, tôi đã tìm đến một hiệu sách cũ ở chợ Đa Kao, Thành phố Hồ Chí Minh để tìm mua các cuốn sách phục vụ việc học tập tiếng Việt. Tại đây, tôi đã mua tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Tôi đã đọc đi đọc lại hai cuốn sách này rất nhiều lần, đọc để hiểu nội dung với mong muốn sẽ dịch hai tác phẩm này sang tiếng Hàn Quốc. Khi tôi đề xuất ý định này với nhà xuất bản Hàn Quốc thì họ không muốn xuất bản bản dịch hai cuốn sách này vì thời điểm đó, người Hàn chưa quan tâm nhiều đến đất nước, con người Việt Nam.
Với niềm đam mê tiếng Việt và hai tác phẩm “Nhật ký trong tù” và “Truyện Kiều”, tôi đã dồn hết tâm huyết, tiền bạc để dịch và bỏ chi phí xuất bản 1.000 cuốn “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gửi tặng cho những người bạn của tôi và tất cả các thư viện của các trường đại học trên toàn đất nước Hàn Quốc.
Tiếp đến, tôi tiếp tục bỏ chi phí xuất bản cuốn “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Tôi rất tự hào khi mình chính là người dịch và xuất bản cuốn “Nhật ký trong tù” để người dân Hàn Quốc hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hóa lỗi lạc và là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam.
Sau này, ngoài hai tác phẩm đầu tay trên, tôi còn dịch thêm nhiều cuốn sách của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc như: “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và mới đây nhất là tập thơ Hồ Chí Minh, tập thơ Mai Văn Phấn và tiểu thuyết “Chúa Đất”. Những cuốn sách này đã được độc giả Hàn Quốc đón nhận nồng nhiệt. Ngoài ra, tôi cũng tham gia viết một số sách chuyên khảo, sách biên soạn phục vụ cho công tác dạy và học tại một số trường đại học của Hàn Quốc.
Xuất phát từ tình yêu đất nước và con người Việt Nam, trong gần 4 thập kỷ qua, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, tôi vẫn còn ấp ủ tiếp tục dịch thuật nhiều tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu khác, nhất là tác phẩm thơ văn của các danh nhân văn hóa từ tiếng Việt sang tiếng Hàn. Qua đó, có thể chuyển tải nhiều hơn nữa nền văn học, về nét đẹp văn hóa của đất nước, con người Việt Nam đến với người dân Hàn Quốc.
Phóng viên: Trong gần 50 năm qua, ông đã tìm hiểu rất rõ về lịch sử, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Vậy ông có thể cho biết, chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 có ý nghĩa như thế nào trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam?
Giáo sư Ahn Kyong-Hwan: Năm nay là năm đánh dấu 80 năm thành công của Cách mạng Tháng Tám và 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam. Trong đó, chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam đã khép lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Ngược dòng lịch sử, vào ngày 15/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám và tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945. Tuy nhiên, để giải giáp quân Nhật đóng tại Việt Nam, quân đội Tưởng Giới Thạch của Trung Quốc tiến vào miền bắc ở phía bắc vĩ tuyến 16, còn quân Anh tiến vào miền nam. Pháp - nước từng đô hộ Việt Nam, đã trở lại Việt Nam vào năm 1946, thay thế quân Trung Quốc và Anh. Sự trở lại này của quân Pháp là nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
Ngày 7/5/1954, Pháp đại bại tại trận Điện Biên Phủ và rút quân hoàn toàn qua cảng Hải Phòng vào ngày 12/10/1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận chiến lần đầu tiên một quốc gia châu Á đánh bại một cường quốc châu Âu.
Sau khi quân Pháp rút, theo Hiệp định Genève ký ngày 20/7/1954, Việt Nam bị chia cắt trở lại theo vĩ tuyến 17. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ và giành được thắng lợi vào ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Theo tôi, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc Việt Nam là vô cùng to lớn. Người đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám và tuyên bố nước Việt Nam độc lập vào ngày 2/9/1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng đường lối tư tưởng để phát triển đất nước dựa trên “tinh thần ba cùng” - một tư tưởng gần dân, vì dân, sống cùng nhân dân để hiểu và lãnh đạo nhân dân. Chính nhờ sự thấu hiểu, đồng hành cùng người dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân đánh bại thực dân Pháp vào năm 1954 và giành thắng lợi thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Giáo sư Ahn Kyong-Hwan, Công dân Danh dự Thủ đô Hà Nội đạt Giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” năm 2024. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi toàn dân đoàn kết coi sự đoàn kết là báu vật không thể thiếu, như đôi mắt của chính mình. Người nhấn mạnh cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trở thành công bộc trung thành của nhân dân, vì chỉ có như vậy mới có thể giành được độc lập, thống nhất đất nước và mang lại hạnh phúc thật sự cho nhân dân.
Chiến thắng 30/4 của quân và dân Việt Nam không chỉ đánh dấu sự kiện Việt Nam hoàn toàn giải phóng miền nam, thống nhất đất nước mà còn là sự kiện lịch sử trọng đại mang tầm thế giới. Chúng ta đều biết, đế quốc Mỹ là cường quốc quân sự số 1 thế giới. Trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam, không chỉ có đế quốc Mỹ mà các nước đồng minh của Mỹ cũng tham gia. Thế nhưng, nhân dân Việt Nam anh dũng kiên cường đã đánh bại được đế quốc Mỹ. Đây là sự kiện hết sức vĩ đại. Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng ngời cho nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giành hòa bình, độc lập dân tộc.
Chiến thắng 30/4 của quân và dân Việt Nam không chỉ đánh dấu sự kiện Việt Nam hoàn toàn giải phóng miền nam, thống nhất đất nước mà còn là sự kiện lịch sử trọng đại mang tầm thế giới. Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng ngời cho nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giành hòa bình, độc lập dân tộc.
Giáo sư Ahn Kyong-Hwan
Phóng viên: Là người có nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ một số cảm nhận của mình về sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây?
Giáo sư Ahn Kyong-Hwan: Có thể nói, tôi là một người may mắn, có cơ hội được sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm. Tôi yêu Việt Nam - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân văn hóa thế giới, đất nước của hòa bình, thân thiện, mến khách. Với tôi, Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình.
Theo tôi, Việt Nam thống nhất năm 1975 được xem là bước thứ nhất, cải cách Đổi mới năm 1986 là bước thứ hai, và đến năm 2045 sẽ là bước nhảy vọt thứ ba. Để đạt được điều đó, Việt Nam đã công bố “Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, với mục tiêu đến năm 2030 đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 7.500 USD. Việt Nam dự kiến sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2025. Tuy nhiên, để có thể vươn tới mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045, cuộc cải cách bộ máy nhà nước hiện nay cần phải thành công.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà phát triển, với việc lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nền tảng và sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân cả nước, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 như mục tiêu đề ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Ahn Kyong-Hwan!