Phim 'Địa đạo' và sự tái hiện ký ức chiến tranh trong điện ảnh đương đại

Các bạn trẻ thuộc khối phổ thông trung học chuyên và sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cuộc gặp gỡ, giao lưu ý nghĩa với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người gắn liền với nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển mà mới đây nhất là bộ phim 'Địa đạo'.

Sự kiện là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. (Ảnh: HNV)

Sự kiện là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. (Ảnh: HNV)

Buổi tọa đàm giao lưu về phim “Địa đạo” và sự tái hiện ký ức chiến tranh trong điện ảnh đương đại được tổ chức ngày 23/4 bởi Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sự kiện là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Sự kiện nhằm tạo điều kiện để các đại biểu tham dự, nhất là các bạn trẻ có điều kiện tìm hiểu về điện ảnh có đề tài chiến tranh và được giao lưu, trò chuyện với một trong những đạo diễn giàu sức sáng tạo nhất của điện ảnh Việt Nam đương đại.

Sự kiện này không chỉ đơn thuần là giới thiệu một bộ phim về quá khứ mà còn thành công trong việc tạo nên một cầu nối cảm xúc mạnh mẽ, liên kết ký ức chiến đấu gian khổ mà hào hùng của thế hệ cha ông với trái tim cũng như nhận thức sâu sắc về giá trị hòa bình của thế hệ trẻ hôm nay.

Như chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang, Trưởng bộ môn Nghệ thuật học, chiến tranh, với tất cả những âm vang bi hùng mà nó vọng lại, đã trở thành một phần ký ức không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc. Điện ảnh về chiến tranh hay bất kỳ một tác phẩm điện ảnh về những ký ức tập thể, chưa bao giờ trải nghiệm dễ dàng cho cả người xem lẫn người thực hiện.

Bởi tác phẩm điện ảnh ấy không chỉ như một cách ghi lại sự kiện mà còn liên tục phản tư với những trải nghiệm của cuộc chiến. Mỗi thời điểm, điện ảnh chiến tranh lại mang một tâm thế khác.

Tại tọa đàm và giao lưu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Lâm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhận định, không chỉ mang âm vang sử thi, điện ảnh Việt Nam đương đại khai thác chiến tranh từ nhiều điểm nhìn, đi sâu vào những trải nghiệm bản thể, đối thoại với ký ức tập thể và những suy tư xót xa thời hậu chiến. Chính sự thay đổi trong cách tiếp cận này đã làm nên chiều sâu đặc biệt cho việc tái trình hiện ký ức chiến tranh trong điện ảnh đương đại.

Đánh giá về bộ phim, giảng viên chính Trần Hinh, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhận định, với lối tự sự và mỹ học của sự khiêm nhường, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dựng lên một tác phẩm điện ảnh bình thản, không lên gân, không đao to búa lớn về sự hy sinh, về sự tàn nhẫn của chiến tranh, về một thế giới địa đạo không nhìn thấy mặt trời, nhưng những con người ở trong đó, nằm lại tại đó, tự tìm thấy cho mình những mặt trời nhỏ, để hy vọng và nhớ về, để không bao giờ quên đi trong ký ức của họ và của những thế hệ sau.

"Địa đạo" tạo cầu nối xúc động, thắp lửa ký ức hào hùng và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. (Ảnh: HNV)

"Địa đạo" tạo cầu nối xúc động, thắp lửa ký ức hào hùng và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. (Ảnh: HNV)

Cảm xúc từ "Địa đạo" lan tỏa mạnh mẽ đến thế hệ trẻ. Các học sinh, sinh viên tham dự sự kiện đã liên tục bày tỏ sự "xúc động dâng trào" sau khi xem tác phẩm cũng như qua đó thấy tự hào xiết bao về lịch sử quê hương mình, rõ ràng và sâu sắc hơn bao giờ hết cũng như hiểu về gian khổ, sự dũng cảm phi thường khi "cưa bom, chế bom, phá mìn”, giúp các bạn trẻ thấy rõ sự khắc nghiệt, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết trong chiến tranh.

Bộc bạch về quá trình làm phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, bản thân địa danh Củ Chi trong lịch sử chiến đấu chống Mỹ xâm lược của nước ta đã là một câu chuyện có tính điện ảnh lớn. “Cá nhân tôi có cảm giác rằng, chính Củ Chi đã chọn mình để làm nên bộ phim này, xây dựng kịch bản từ những năm 2014-2016 và chính năng lượng câu chuyện giúp bản thân tôi vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành bộ phim này”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể.

“Hành trình “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" liên tục là quãng đường mà tôi khủng hoảng, thậm chí trầm cảm rồi tự chữa lành mình. Bộ phim thể hiện một tinh thần thời chiến đầy hào hùng và cũng không kém phần bi thương và vấn đề chính ở đây là bộ phim đã thực sự truyền cảm hứng với nhiều chi tiết rất nhỏ nhưng lại ẩn chứa nhiều thông điệp tình cảm sâu sắc với nhiều tầng sâu trong phim”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tâm sự.

Đáng chú ý, có một thắc mắc của sinh viên Hải Anh liên quan tới việc người khiếm thị tiếp cận và cảm nhận bộ phim chưa trọn vẹn khiến đạo diễn Bùi Thạc Chuyên rất xúc động, đến mức ông đã rơi nước mắt và nghẹn ngào, một lúc sau mới giãi bày được khi cảm thấy sự bất lực trước khả năng có hạn của nghệ thuật với số đông khán giả nhất là với khán giả khiếm thị, do đó, đạo diễn mong muốn những hỗ trợ công nghệ tiên tiến hiện nay sẽ phần nào góp phần cho công chúng có thể tiếp cận điện ảnh dưới một góc độ rộng mở hơn, hoàn chỉnh hơn.

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cao, "Địa đạo" là một trong những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng hiếm hoi gần đây có chất lượng tốt và mang lại cảm xúc chân thật, gợi nhớ đến những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, khắc họa thành công "tinh thần, ý chí và trí tuệ" của con người Việt Nam trong chiến đấu, làm sáng mãi tinh thần "Nơi hầm tối là nơi sáng nhất", nơi ý chí và niềm tin chiến thắng được tôi luyện.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phim-dia-dao-va-su-tai-hien-ky-uc-chien-tranh-trong-dien-anh-duong-dai-post874693.html
Zalo