Tìm cách giảm con số 46%
Sau khi Mỹ công bố mức thuế 'đối ứng' áp lên hàng nhập khẩu của nhiều nước, nhiều tranh luận đã nổ ra chung quanh công thức tính loại thuế này. Nhiều người ngạc nhiên, nửa tin nửa ngờ về mức thuế 90% phía Mỹ nói Việt Nam đang áp lên hàng hóa nhập từ Mỹ - trong thực tế, theo văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), mức thuế nhập khẩu bình quân Việt Nam áp dụng cho hàng nhập từ Mỹ chỉ là 9,4%.

Năm 2024 Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua Mỹ trị giá 136,6 tỉ đô la trong khi mua hàng của Mỹ chừng 13,1 tỉ đô la. Muốn giảm con số thuế 46% chúng ta phải giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại - bởi đó là mục đích sau cùng của sắc thuế đối ứng. Ảnh: T.L
Trước khi phân tích kỹ về công thức này, cần hiểu mục tiêu đánh thuế “đối ứng” của Mỹ chủ yếu là nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại chứ không hẳn đánh thuế theo kiểu có đi có lại. Cũng có những mục tiêu khác như đưa sản xuất trở về nước Mỹ hoặc dùng thuế làm công cụ thương thảo các vấn đề khác. Vì mục tiêu này nên công thức là nhằm tính ra một mức thuế đối ứng để khi áp dụng sẽ kéo thâm hụt về zero.
Cũng theo USTR, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua Mỹ trị giá 136,6 tỉ đô la trong khi mua hàng của Mỹ chừng 13,1 tỉ đô la. Vì thế mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Việt Nam là 123,5 tỉ đô la. Ở đây cần chú ý đến việc thâm hụt này là thâm hụt thương mại hàng hóa chứ chưa tính đến giao thương dịch vụ vì Việt Nam đang mua nhiều dịch vụ từ Mỹ. Cũng cần lưu ý con số nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Việt Nam tăng mạnh trong năm 2024, tăng đến 32,9% so với năm 2023 trong khi xuất khẩu chỉ tăng 19,3% - tức thâm hụt thương mại hàng hóa đang có xu hướng giảm.
Nhiều nguồn tin nói công thức tính thuế đối ứng của Mỹ đơn giản chỉ là lấy thâm hụt thương mại hàng hóa của một nước với Mỹ rồi chia cho tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước đó và chia đôi là ra mức thuế “có đi có lại”. Thật ra trong công thức chính thức do USTR công bố, phần mẫu số còn hai yếu tố nữa: độ co giãn nhập khẩu liên quan đến giá (the elasticity of imports with respect to import prices) (ký hiệu là ε) và mức độ thuế quan được phản ánh vào giá nhập khẩu (passthrough from tariffs to import prices) (ký hiệu là φ). Nghe các cụm từ này rất dài dòng khó hiểu nhưng thực ra chỉ là cách diễn đạt: do thuế cao, giá tăng nên người tiêu dùng Mỹ sẽ giảm mua - kéo theo nhập khẩu giảm và yếu tố còn lại là thuế cao nhưng giá có thể không tăng theo thuế mà bên xuất khẩu có thể giảm giá để vẫn bán được hàng.
Theo USTR, yếu tố đầu (ε), được gán giá trị 4; yếu tố sau (φ) được gán giá trị 0,25. Đây là sự tình cờ để hai yếu tố này nhân lên bằng 1 nên công thức mọi người đã đơn giản hóa lại đúng. Vậy nếu nâng giá trị hai yếu tố này lên bằng 2 thì ngay lập tức thuế đối ứng sẽ giảm còn một nửa. Đó là nói trên lý thuyết - trên thực tế, với mức thuế 46%, người bán hàng phải chia sẻ gánh nặng thuế này bao nhiêu là tùy thuộc vào doanh nghiệp. Ở đây rất nhiều mặt hàng là do doanh nghiệp Mỹ gia công ở Việt Nam như Nike nên lại tùy thuộc vào chính doanh nghiệp Mỹ. Chúng ta khó lòng can thiệp. Yếu tố người tiêu dùng Mỹ giảm mua cũng như thế - nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chỉ có điều theo xu hướng hiện nay hai yếu tố này sẽ lớn hơn 1 rất nhiều, tức người tiêu dùng Mỹ giảm mua, kéo theo nhập khẩu vào Mỹ giảm và nhà nhập khẩu buộc lòng phải giảm giá chứ không thể cộng thêm thuế vào giá bán.
Vậy chúng ta có thể làm gì để giảm mức thuế 46% mà Mỹ đánh lên hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam? Quan sát cách ứng xử của các nước ngay từ trước khi Mỹ công bố thuế đối ứng, có thể thấy các biện pháp họ áp dụng bao gồm tăng mua hàng từ Mỹ để giảm thâm hụt cho Mỹ, giảm thuế để Mỹ bán được hàng nhiều hơn, cũng nhằm giảm thâm hụt. Hầu hết đều xem mức thuế chung 10% Mỹ áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập từ thế giới là cách nước này trả đũa mức thuế giá trị gia tăng, chủ yếu cũng chừng 10% các nước đang áp lên mọi hàng hóa nhập khẩu nên khó lòng thương thảo để giảm. Cái này cũng tương tự như Mỹ áp thuế VAT 10% lên hàng nhập khẩu vậy.
Ngoài ra có thể áp dụng các biện pháp gián tiếp tác động lên các yếu tố trong công thức nói trên như hỗ trợ các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu vào Mỹ bằng các biện pháp khuyến khích như giảm thuế để họ có thể giảm giá hàng bán trên thị trường Mỹ. Chúng ta cũng cần làm rõ Việt Nam đang nhập khẩu dịch vụ từ Mỹ là bao nhiêu với mức tăng trưởng như thế nào. Hiện nay các dịch vụ doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu xuyên biên giới rất phổ biến, từ quảng cáo trên Google, Facebook đến dịch vụ đám mây mua của Amazon, từ xem phim Netflix đến trả tiền cho Adobe...
Tìm con đường xuất khẩu qua các thị trường khác cũng là cách giảm thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ, tức giảm tử số trong công thức. Muốn giảm con số thuế 46% chúng ta phải giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại - bởi đó là mục đích sau cùng của sắc thuế đối ứng.