'Tái sinh' vải jean thành sản phẩm xanh

Tận dụng vải jean (vải bò) cũ, hướng tới bảo vệ môi trường, những sản phẩm thủ công phiên bản giới hạn đã ra đời, 'tái sinh' vòng đời thứ hai cho sản phẩm.

Chị Dương và chị Huế đồng sáng lập Công ty TNHH Khuê Các Group, cho ra đời thương hiệu túi vải thủ công Lovey Quit

Chị Dương và chị Huế đồng sáng lập Công ty TNHH Khuê Các Group, cho ra đời thương hiệu túi vải thủ công Lovey Quit

Từ đam mê sản phẩm độc lạ

Với niềm đam mê thiết kế, yêu thích sợi vải thủ công cùng cảm hứng từ nét đẹp văn hóa của người Việt, chị Nguyễn Thị Thùy Dương và chị Nguyễn Huế ở huyện Tứ Kỳ đã cho ra đời Lovey Quilts - thương hiệu túi vải thủ công hướng tới sản phẩm thân thiện với môi trường, giải quyết vấn đề vải thừa trong ngành may mặc.

“Những chiếc quần bò cũ khi thải ra cần từ 60 - 200 năm để phân hủy dẫn đến ô nhiễm môi trường. Chúng tôi hy vọng việc thu gom vải bò cũ làm sản phẩm sẽ góp sức nhỏ chung tay bảo vệ môi trường” chị Thùy Dương chia sẻ.

Các sản phẩm tại Lovey Quilts chủ yếu được làm từ chất liệu jean tái sinh, thân thiện với môi trường. Mỗi sản phẩm “tái sinh” được tạo nên từ sự tỉ mỉ và khéo léo của thợ may, trải qua nhiều công đoạn xử lý.

Bằng cách triển khai các chiến dịch thu đổi quần áo cũ lấy túi mới, vào năm 2024, doanh nghiệp đã thu về từ 3 - 5 tấn vải jean đã qua sử dụng. Những nguyên liệu này không chỉ giúp giải quyết lượng vải jean cũ mà còn tạo ra những sản phẩm độc lạ.

Chị Dương cho biết từ các năm 2012, 2013, với mục đích ban đầu khi bước chân vào lĩnh vực thủ công chị muốn tạo sự riêng biệt cho các con của mình. Sau đó người thân, bạn bè xung quanh cũng cảm thấy hứng thú với những sản phẩm do chị làm ra. Vì vậy, sau thời gian thỏa mãn đam mê riêng của mình, năm 2021, chị Dương đã cùng chị Huế thành lập doanh nghiệp để mang những sản phẩm thủ công này đến với người tiêu dùng.

Mỗi sản phẩm đều là phiên bản giới hạn bởi kích cỡ, họa tiết khác nhau

Mỗi sản phẩm đều là phiên bản giới hạn bởi kích cỡ, họa tiết khác nhau

Tại Lovey Quilts, chị Dương là người lên ý tưởng, thiết kế sản phẩm, còn chị Huế sẽ quảng bá và kết nối thương hiệu của mình với những khách hàng có chung niềm yêu thích.

Khi bước chân vào lĩnh vực đồ thủ công, hai chị đã gặp nhiều khó khăn. Đây là một lĩnh vực khá đặc thù, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cẩn thận, đôi khi phải kiên trì nên việc tuyển nhân sự đáp ứng được những tiêu chuẩn trên rất khó.

Ngoài ra, khách hàng sử dụng những mặt hàng thủ công này đều là những người yêu thích cái đẹp, sự độc đáo của từng chi tiết trên sản phẩm.

Giúp người yếu thế có việc làm

Các sản phẩm đều mang hướng “cá nhân hóa”, tạo được sự riêng biệt và độc đáo

Các sản phẩm đều mang hướng “cá nhân hóa”, tạo được sự riêng biệt và độc đáo

Vì là sản phẩm thủ công, nhiều công đoạn phải làm tay, không sử dụng máy móc, thời gian hoàn thành một sản phẩm kéo dài nên giá của mỗi một sản phẩm tại đây sẽ cao hơn giá của sản phẩm được sản xuất hàng loạt.

Để tiếp cận được khách hàng nhiều lứa tuổi, Lovey Quilts đã sản xuất nhiều mặt hàng khác như phụ kiện làm thủ công, ví cầm tay, chăn ga gối... với giá từ 10.000, 50.000 đồng đến những sản phẩm 200.000, 500.000 đồng. Thậm chí có những sản phẩm có thể lên đến vài triệu đồng tùy thuộc vào kích cỡ, chất liệu và thời gian hoàn thành sản phẩm.

"Ở đây tất cả các sản phẩm đều mang những câu chuyện riêng của khách hàng. Từ những miếng vải cũ, những đồ jean bị bỏ đi hay những kỷ vật của người thân đều được lồng ghép vào với nhau để tạo nên một sản phẩm", chị Huế cho biết.

Hiện nhân công của xưởng đều là phụ nữ yếu thế, có cuộc sống khó khăn, mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Với 5 nhân công, xưởng có thể sản xuất từ 1.000 - 2.000 sản phẩm/tháng hoặc lớn hơn tùy thuộc vào đơn hàng khách đặt.

Những sản phẩm làm ra mang giá trị về bảo vệ môi trường

Những sản phẩm làm ra mang giá trị về bảo vệ môi trường

Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng mô hình sản xuất với mục đích tạo việc làm cho những người khuyết tật, yếu thế tại những đơn vị bảo trợ xã hội hoặc người có con nhỏ, không có nhiều cơ hội việc làm, không có thời gian dành cho gia đình, con cái.

Đến nay, sản phẩm từ jean “tái sinh” không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà còn xuất hiện ở các nước khác như Hà Lan, New Zealand, Nhật Bản theo hướng tiểu ngạch, tức là cá nhân đưa sản phẩm sang nước ngoài để trưng bày và tiêu thụ.

Mục tiêu trong 3 năm tới, chị Thùy Dương và chị Nguyễn Huế sẽ hướng sản phẩm đến với thị trường châu Âu nhưng trên hết vẫn làm nổi bật thương hiệu Lovey Quilts tại Việt Nam.

THÙY DƯƠNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tai-sinh-vai-jean-thanh-san-pham-xanh-409574.html
Zalo