Những lợi thế của Việt Nam trên bàn đàm phán với Mỹ

Trao đổi với Đài Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để đàm phán thương mại thành công với Mỹ. Trong nguy có cơ, đây cũng là cơ hội để chúng ta củng cố nội lực, xây dựng các doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt chuỗi cung ứng thay vì lệ thuộc vào FDI.

LỜI TÒA SOẠN: Chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đối với các nước xuất khẩu hàng hóa vào nước này được xem như châm ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh thương mại ở quy mô toàn cầu. Cuộc chiến đang có nguy cơ leo thang khi một số quốc gia cũng tăng mức thuế để đáp trả chính sách của Mỹ và khi những chuẩn thương mại toàn cầu bị phá vỡ, kinh tế thế giới sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái chưa từng có.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất khẩu bằng 200% tổng sản phẩm quốc nội. Do vậy, chắc chắn việc bị xếp vào nhóm nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, lên đến 46%, sẽ khiến nền kinh tế của chúng ta đối mặt rất nhiều sức ép, ảnh hưởng nghiêm trọng mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên năm nay và trong dài hạn.

90 ngày Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng và chỉ áp dụng mức thuế 10% là khoảng thời gian để chúng ta đàm phán thương mại và tìm ra biện pháp hóa giải thách thức. Tọa đàm “Việt Nam khi THẾ GIỚI ĐẠI THƯƠNG CHIẾN” của Đài Hà Nội chỉ ra vì sao Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng; tác động của chính sách thuế đối ứng đối với toàn cầu và Việt Nam, cùng giải pháp ứng phó, với sự tham gia của TS. Vũ Thành Tự Anh – Trường Chính sách công và quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam và bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.

Bài 1: Thế 'lưỡng bại câu thương' trong đại thương chiến

Trao đổi với Đài Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để đàm phán thương mại thành công với Mỹ. Trong nguy có cơ, đây cũng là cơ hội để chúng ta củng cố nội lực, xây dựng các doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt chuỗi cung ứng thay vì lệ thuộc vào FDI.

PV: Thưa hai vị khách mời. Ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp điện đàm với Tổng thống Donald Trump và cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm đặc phái viên cùng đoàn công tác sang Mỹ để đàm phán. Hai vị khách mời bình luận thế nào về phản ứng này của chúng ta?

Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, phải nói chúng tôi rất tin tưởng ở hành động và phản ứng kịp thời của người đứng đầu Đảng, Chính phủ cũng như các cấp, các ngành. Điều này đã giúp trấn an cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump tối mùng 4/4 đã làm dịu tình hình rất nhiều cho cả hai phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.

Chúng tôi cảm thấy yên tâm, nhất là khi đọc được bài đăng của ông Donald Trump trên mạng xã hội True Social nói về cuộc điện đàm tích cực với Tổng Bí thư. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc – Đặc phái viên của Tổng Bí thư cũng đã dẫn đầu đoàn đàm phán sang Mỹ và đạt được kết quả tích cực bước đầu.

Bài đăng của Tổng thống Trump trên mạng xã hội Truth sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 4/4.

Bài đăng của Tổng thống Trump trên mạng xã hội Truth sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 4/4.

TS. Vũ Thành Tự Anh: Thực ra, Việt Nam đã có phản ứng trước khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng song không được phía họ xem xét. Chúng ta chủ động giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ bằng Nghị định 73. Nghị định này có hiệu lực ngày 31/3/2025, trước khi Mỹ áp thuế đối ứng hai ngày.

Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên điện đàm với Tổng thống Donald Trump và cử đặc phái viên sang làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Những bước đi như thế đã tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, trong khi phía Mỹ cũng thấy chúng ta thực sự muốn hợp tác để có được kết quả tốt đẹp cho cả hai quốc gia.

Tất nhiên, Việt Nam đã từng vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá khứ, thậm chí còn lớn hơn thế này. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng, với cách tiếp cận hợp lý, chọn đúng thời điểm, đúng cơ hội, Việt Nam có thể tác động để phía Mỹ giảm mức thuế đối ứng 46%.

PV: Vậy, Việt Nam có cơ sở và lợi thế nào để thực hiện thành công các cuộc đàm phán thương mại song phương với Mỹ trong 90 ngày tới đây?

TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi nghĩ có hai cấp độ đàm phán. Đầu tiên là cấp quốc gia như cuộc đàm phán giữa Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc – Đặc phái viên của Tổng Bí thư với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tiếp theo sẽ có những cuộc đàm phán và vận động chính sách đằng sau. Chúng ta cần tận dụng tất cả cơ hội tiếp cận những nhóm hoặc cá nhân thân cận, có ảnh hưởng với Tổng thống Donald Trump.

Về cơ sở và lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại, thứ nhất, chúng ta tin vào những gì đang có. Chẳng hạn sản phẩm Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Hoa Kỳ, không sản xuất những sản phẩm Hoa Kỳ đang xuất khẩu cho cả thế giới.

Thứ hai, vị trí địa chính trị của Việt Nam cũng rất quan trọng. Tôi tin Mỹ cũng mong muốn có một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Vì vậy, tôi cho rằng, Mỹ đánh giá cao và hiểu được tầm quan trọng của địa chính trị Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam là quốc gia đã hợp tác với Mỹ rất hiệu quả trong nhiều vấn đề. Thực ra, Mỹ không chỉ quan tâm thâm hụt thương mại mà còn là vấn đề gian lận thương mại, thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, tất cả vấn đề này đều đã được đặt lên bàn và chúng ta đã thể hiện tinh thần hợp tác cùng những bước đi thích hợp, mạnh mẽ.

Tôi tin với 3 điều kiện nêu trên, khả năng chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận hợp lý cho Việt Nam. Không thể nói có lợi hay có hại nhưng hợp lý để chúng ta không bị tổn thất quá nhiều về thương mại, dẫn đến ảnh hưởng GDP cũng như công ăn việc làm và tương lai của đất nước. Đó là điều có thể hy vọng.

PV: Nếu mức thuế quan được đưa về 0% sẽ có ý nghĩa thế nào đối với Mỹ và Việt Nam cũng như bức tranh hợp tác thương mại hai nước?

Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Ở đây chúng tôi muốn phân tích khía cạnh tương quan của thuế áp lên Việt Nam với các quốc gia khác. Với mức thuế đó, chúng ta liệu có đủ sức cạnh tranh hay không thì mới là vấn đề cần nói tới. Do vậy, để đạt được thành công trong đàm phán với mức 0%, thì Việt Nam có rất nhiều việc phải làm. Những việc này không chỉ có lợi cho đàm phán mà còn phù hợp đường lối chúng ta đang thực hiện.

Thứ nhất, chúng ta muốn minh bạch chuỗi cung ứng và thực sự nếu làm được cũng sẽ giúp bảo hộ các ngành sản xuất tại Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta cũng mong muốn khâu kiểm soát hàng nhập, xuất thật minh bạch. Không chỉ Hoa Kỳ mà ngay cả các nhà sản xuất trong nước như chúng tôi cũng mong muốn minh bạch.

Thứ ba, nói đi nói lại, Hoa Kỳ vẫn đặt mục tiêu giảm thâm hụt thương mại nên Việt Nam cũng phải tăng nhập khẩu từ Mỹ. Dưới góc độ người làm công nghệ, chúng tôi ủng hộ và đánh giá rất cao việc tăng nhập khẩu hàng công nghệ chất lượng cao từ Mỹ.

Cũng như TS. Vũ Thành Tự Anh vừa phân tích, hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa hai nước không cạnh tranh đối kháng mà bổ trợ nhau. Chúng ta cần nguyên liệu, linh kiện công nghệ từ Hoa Kỳ để phục vụ sản xuất tại Việt Nam và ngược lại Hoa Kỳ cần hàng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xuất đi Mỹ. Cho nên việc này không mâu thuẫn mà nếu đàm phán thành công thì có lợi cho cả hai quốc gia.

Thứ tư, tôi nghĩ rằng đây là sự hợp tác chiến lược. Nếu đàm phán thành công, chuỗi cung ứng, đặc biệt là các ông lớn công nghệ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Từ đó, mục tiêu vươn mình của đất nước sẽ hiện thực hóa sớm hơn.

PV: Thưa TS. Vũ Thành Tự Anh, giả sử mức thuế suất được đưa về 0%, liệu chúng ta có kỳ vọng tiếp tục trở thành công xưởng trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

TS. Vũ Thành Tự Anh: Câu trả lời ngắn là có. Tuy nhiên, thực tế một chút, tôi nghĩ khoảng 10 % là mức thuế lý tưởng nếu đạt được. Việt Nam thực ra đã trở thành công xưởng của thế giới nếu nhìn vào kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dệt may, da giày, thủy hải sản và đồ gỗ… Tuy nhiên, liệu chúng ta tới đây có tiếp tục trở thành công xưởng toàn cầu không thì còn phụ thuộc 2 điều kiện quan trọng.

Điều kiện thứ nhất là bối cảnh thế giới. Việt Nam là quốc gia đi sau nên muốn phát triển thì cần có môi trường ổn định, hòa bình và không có xung đột. Nếu môi trường đó được giữ gìn thì tôi tin chúng ta có thể làm được.

Điều kiện thứ hai phụ thuộc rất lớn vào việc thế giới làm gì và chúng ta làm gì. Ví dụ, nếu Ấn Độ có mức thuế suất ngang bằng, thậm chí thấp hơn thì họ sẽ trở thành công xưởng thế giới chứ không phải chúng ta. Đây là mối quan hệ tương quan như nước chảy chỗ trũng ấy. Nếu chúng ta “trũng” hơn sẽ thu được nhiều “nước” hơn, thu hút được nhiều FDI hơn, nhiều công nghệ hơn để trở thành công xưởng. Nhưng có nước khác lại nằm ở chỗ còn “thấp” hơn chúng ta thì họ lại hút hết phần đó.

Tôi nghĩ điều quan trọng vẫn là ở nội lực của Việt Nam để “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nội lực mới là nền tảng xuyên suốt để chúng ta có thể nương tựa phát triển nền kinh tế, bất kể bên ngoài bão tố hay có khủng hoảng như hiện nay.

PV: Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc và xuất siêu sang Mỹ. Trong cuộc chiến tranh thương mại, ngay cả khi Mỹ giảm thuế với Việt Nam song lại nâng thuế với Trung Quốc, thì tác động trong ngắn và dài hạn của chúng ta sẽ là gì?

Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Đây cũng thực sự là điểm gợi mở rất đáng lo ngại. Trong trường hợp Hoa Kỳ áp thuế lên Trung Quốc quá cao như vậy thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng do Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn của chúng ta.

Do vậy, như tôi đã nói ở trên, chúng ta phải phát huy nội lực trong bất kỳ biến cố nào. Cái chính là doanh nghiệp phải tự lực, tự cường thì mới giúp chúng ta đứng vững. Cũng từ rất lâu rồi, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành điện tử chúng tôi rất mong muốn hình thành những doanh nghiệp dân tộc. Đây là những ông lớn có thể dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, chứ không phải quá lệ thuộc vào FDI và xuất khẩu. Chỉ có điều đó mới giúp chúng ta thực sự vươn mình trong kỷ nguyên mới.

TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi tin rằng Việt Nam sẽ phát triển thuận lợi hơn nếu như có một nền thương mại ít xung đột. Do vậy, nếu Mỹ và Trung Quốc cùng “chơi tất tay” trong cuộc chiến thương mại này sẽ tác động tiêu cực đến chúng ta như ý kiến chị Thúy Hương vừa chia sẻ. Tuy nhiên, Việt Nam chắc chắn sẽ có động lực mới trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu khi vẫn có lợi thế cạnh tranh về thu nhập, chi phí lao động, đất đai, nhà xưởng so với các nền kinh tế đi trước.

Nói tóm lại, các nền kinh tế đi sau như Việt Nam sẽ theo con đường đấy để vươn lên cùng với việc phát huy nội lực, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc để trở thành những người làm chủ công nghệ , làm chủ thị trưởng. Với hướng đi đó, chúng ta sẽ trở thành một công xưởng thế giới một cách đĩnh đạc, đàng hoàng chứ không phải lợi dụng chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia để hưởng lợi.

PV: Việt Nam sẽ có 90 ngày để đàm phán thương mại với Mỹ. Hai vị khách mời dự báo thế nào về mức thuế cũng như các kịch bản có thể xảy ra?

Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Có rất nhiều ý kiến đưa ra về các mức thuế mà chúng ta có thể đàm phán được. Có rất nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước phân tích song chúng tôi cũng nhìn nhận không thể dễ dàng đưa thuế về 0.

Mức thuế chúng tôi kỳ vọng đối với hàng điện tử khoảng 10-12% (ngày 11/4, Mỹ thông báo miễn áp thuế đối ứng một số mặt hàng điện tử và công nghệ nhập khẩu vào nước này như điện thoại và máy tính. Việc miễn trừ được thực hiện nhằm đảm bảo các công ty có thêm thời gian để chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ, theo Nhà trắng – PV). Còn đối với ngành dệt may, da giày của Việt Nam như nhiều chuyên gia phân tích và kỳ vọng là 15%.

Trong vòng 90 ngày tới, kết quả đàm phán thương mại không chỉ phụ thuộc năng lực nội tại của đoàn đàm phán Việt Nam mà còn tương quan với tất cả quốc gia trên thế giới. Đây sẽ là cuộc giằng co rất dữ dội. Ông Trump sẽ không tự dưng chấp thuận cho quốc gia này mức thuế quan thấp và cho quốc gia kia mức thuế cao. Hoa Kỳ sẽ căn cứ rất nhiều yếu tố để đưa ra một mức tương quan sao cho có lợi nhất cho họ. Chúng ta phải căn cứ vào đó thì mới cân đo được.

TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi tin rằng chúng ta có thể đàm phán để giảm thuế đáng kể. Lý tưởng nhất là 10%, còn nếu không thành công thì tôi cũng hy vọng ở mức xung quanh 20%. Tất nhiên, mức đó sẽ ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam nhưng không đến mức độ khiến chúng ta chột mất năng lực mà vẫn có thể bứt phá giai đoạn tới.

Quan trọng là chúng ta cần chủ động, vận động đàm phán trên mọi mặt trận và biết được những ưu tiên trên bàn đàm phán. Có những ngành, lĩnh vực cần phải đàm phán để giảm thuế nhiều hơn. Song có những ngành mà năng lực cạnh tranh của Việt Nam đủ mạnh thì vẫn có thể chấp nhận mức thuế cao hơn một chút. Không thể gói tất cả vào một giỏ để đàm phán mà nhiều khi cần phải chia nhỏ các gói để thương lượng về mặt chiến lược.

Bên cạnh đó, việc tạo lợi ích cho Hoa Kỳ cũng là vấn đề then chốt. Hoa Kỳ muốn “vĩ đại trở lại” theo quan điểm của ông Donald Trump thì sẽ đặt ra nhiều lợi ích. Chúng ta có thể tạo ra lợi ích cho họ bằng cách nhập khẩu công nghệ - những thứ Việt Nam thiếu để phục vụ năng lực nội tại. Chúng ta cần phát triển khoa học công nghệ theo Nghị quyết 57, thì đây chính là cơ hội để một mặt giải quyết được bài toán với Hoa Kỳ, mặt khác tăng cường nội lực công nghệ trong nước. Tôi cho rằng, nếu làm được như vậy sẽ tạo ra những tiền đề quan trọng để có thể đặt nền móng đem đến cơ hội phát triển trong tương lai.

PV: Cú sốc thuế quan lần này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội thay đổi cơ cấu nền kinh tế của thế nào?

TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi nghĩ là có rất nhiều cơ hội để chúng ta có thể thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Thứ nhất, nội lực sẽ là yếu tố then chốt. Trong giai đoạn tới, nội lực của chúng ta có thể nằm ở doanh nghiệp khu vực tư nhân. Nhìn vào tất cả số liệu thống kê, khu vực kinh tế tư nhân vừa qua đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, chắc chắn khu vực này trong giai đoạn tới phải được thúc đẩy để đảm bảo nội lực vững mạnh.

Điểm thứ hai cũng quan trọng là phải tham gia chủ động hơn và định vị mình trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như các mối quan hệ địa chính trị quốc tế. Từ trước đến giờ, chúng ta hưởng lợi tương đối nhiều từ toàn cầu hóa, nhưng bây giờ không chỉ dừng lại một cách thụ động mà phải chủ động định vị mình. Trong giai đoạn hiện nay, ngoại giao kinh tế đóng vai trò rất quan trọng. Cần phối hợp cải cách trong nước với ngoại giao kinh tế và vận động các đối tác bên ngoài. Đây sẽ là 3 trụ cột chính giúp tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Bà Đỗ Thị Thùy Hương: Từ khóa “nội lực” mà TS. Vũ Thành Tự Anh vừa nhắc đến cũng là từ khóa mà các doanh nghiệp và người dân cần lưu ý, đặc biệt trong giai đoạn chúng ta buộc phải thay đổi cơ cấu nền kinh tế.

Về góc độ doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi đã kiến nghị rất rõ ràng là đẩy mạnh nội địa hóa thì mới tăng cường được nội lực. Mặt khác, cần chuẩn bị những kịch bản ứng phó theo hướng đa dạng hóa thị trường, bằng cách tận dụng tối đa Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các quốc gia. Thứ hai là đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở thị trường ngách, những nơi lâu nay chúng ta chưa quan tâm. Nếu phân bổ xuất khẩu như vậy thì vẫn cao hơn tổng hàng xuất đi Hoa Kỳ.

Ngoài ra, cũng như phân tích của TS. Vũ Thành Tự Anh, tôi cũng thấy rằng cần đẩy mạnh các kênh ngoại giao kinh tế. Cơ quan ngoại giao của Việt Nam phải hỗ trợ doanh nghiệp làm marketing quốc tế. Tôi cũng đồng tình rằng, Nghị quyết 57 về phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo hay nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân làm nòng cốt cũng là những vấn đề then chốt để phát huy nội lực trong hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Trân trọng cảm ơn hai vị khách mời đã tham dự tọa đàm của Đài Hà Nội!

Tổ chức sản xuất: Hoàng Hợp – Trần Nam
Biên tập: Minh Hoàn
Đồ họa: Thanh Nga

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-loi-the-cua-viet-nam-tren-ban-dam-phan-voi-my-322777.htm
Zalo