Đổi mới sáng tạo- chìa khóa thành công của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đang tiếp tục thăng hạng mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư trong nước.

Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam và Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025 diễn ra từ 15/4 đến 21/4/2025. Đây là sự kiện thường niên và thu hút sự quan tâm của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam với nhiều đổi mới, sáng tạo.

Theo đánh giá của Brand Finance, trong những năm gần đây, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023. Đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà Việt nam đã kiên định theo đuổi. Với các giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết: “Đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh - sạch - thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tântin tưởng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành; cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%. Đặc biệt, trong số đó, nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới, như: Viettel, VinFast,…Các Thương hiệu có sản phẩm, dịch vụ đạt chứng nhận Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và đánh giá tích cực của các đối tác trong và ngoài nước. Để bắt kịp xu thế hội nhập, Công ty cổ phần giao nhận vận tải Con Ong với định hướng trong đổi mới, sáng tạo trong dịch vụ logistics từ các giải pháp logistics tích hợp đến phát triển mô hình logistics xanh.

“Chúng tôi cũng đưa dần các công nghệ tích hợp vào, như năng lượng sạch, năng lượng điện áp mái, đặt một số trung tâm chuyển đổi, quản trị dữ liệu cũng như chuyển đổi số tại Việt Nam để phục vụ cho thị trường nước ngoài, kể cả trên thị trường Mỹ và thị trường châu Âu, góp phần cho các doanh nghiệp đầu tư về Việt Nam yên tâm hơn, đảm bảo chất lượng nhưng chi phí hợp lý và chuyên nghiệp”, ông Vũ Hồ Ninh- Giám đốc Khu vực miền Bắc của Công ty cổ phần giao nhận vận tải Con Ong cho biết.

Theo Sách trắng Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, 100% doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia có bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) và thường xuyên nghiên cứu và cải tiến sản phẩm hiện có, 85% doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia có sản phẩm mới ra mắt trong năm 2022 – 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ chi tiêu trung bình R&D trên doanh thu của các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia mới là 2,62% (tỷ lệ này ở các doanh nghiệp Việt Nam nói chung là 1,6%).

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường, các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo, xanh, bền vững, Netzero sẽ là những thương hiệu tiên phong. Lợi thế thứ nhất, thình ảnh của doanh nghiệp sẽ được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế để đạt được những tiêu chí mà yêu cầu ngày càng cao, nhất là các thị trường khó tính như EU hay Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm. Thứ hai, thương hiệu quốc gia là sản phẩm đúc kết trong đó là thương hiệu của doanh nghiệp, vị thế của doanh nghiệp trong sản xuất và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, đối với môi trường và đương nhiên lợi ích kinh tế. Cho nên doanh nghiệp nào đi trước đạt được danh hiệu đó thì doanh nghiệp đó sẽ chiếm ưu thế.

Hơn 20 năm qua, Chương trình Thương hiệu Quốc gia luôn đồng hành hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao, để tăng niềm tự hào, sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhận thức mối quan hệ mật thiết giữa Thương hiệu quốc gia với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết.

Theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam đã giành được sự quan tâm rất lớn của các đoàn khách quốc tế, của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới không chỉ là mua mà còn xuất khẩu hàng hóa và lựa chọn những nhà phân phối tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ hàng hóa Việt Nam ngày càng uy tín, chất lượng và những thương hiệu của Việt Nam ngày càng đi xa hơn, đi sâu hơn vào thị trường khó tính trên thế giới.

Tọa đàm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Tọa đàm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và bên cạnh cơ hội do những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán với các đối tác quốc tế mang lại, thì cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng trong quá trình đó, nhiều doanh nghiệp tiếp tục phát huy lợi thế, xây dựng những thương hiệu mạnh ở trong nước, ở nước ngoài, khẳng định tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng thương hiệu quốc gia thời kỳ mới.

Xuân Lan/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doi-moi-sang-tao-chia-khoa-thanh-cong-cua-thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-post1193539.vov
Zalo