TikTok tái xuất trên cửa hàng ứng dụng Apple và Google ở Mỹ, ông Trump có thể gia hạn hoãn lệnh cấm
TikTok đã trở lại trên các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ là Apple App Store và Google Play Store hôm 13.2, khi Tổng thống Donald Trump hoãn lệnh cấm đến ngày 5.4 và đảm bảo với các công ty này rằng họ sẽ không bị phạt vì phân phối hoặc duy trì ứng dụng chia sẻ video ngắn của ByteDance (Trung Quốc).
Lệnh hành pháp của ông Trump vào tháng 1 đã trì hoãn lệnh cấm TikTok trong 75 ngày, cho phép công ty này tiếp tục hoạt động tạm thời tại Mỹ.
Lệnh của ông Trump chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không thực thi luật "để cho chính quyền của tôi có cơ hội xác định hướng hành động phù hợp với TikTok".
Lệnh đó cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ gửi thư cho Apple, Google và Oracle, những công ty hợp tác với TikTok, nêu rằng "không có vi phạm luật và không có trách nhiệm pháp lý với bất kỳ hành động nào xảy ra trong khoảng thời gian đã được nêu trên". Apple và Google cung cấp ứng dụng TikTok thông qua App Store và Google Play. Trong khi Oracle cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu cho TikTok ở Mỹ.
Ngày 13.2, khi trao đổi với các phóng viên tại Phòng Bầu dục (Nhà Trắng), ông Trump cho biết lệnh hoãn thực thi việc cấm TikTok tại Mỹ trong 75 ngày có thể được gia hạn thêm, theo hãng tin Reuters.
Tổng thống Trump nói ông vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận về vấn đề sở hữu TikTok để giữ cho nó tồn tại ở Mỹ và nhấn mạnh ứng dụng này đã góp phần giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
"Tôi có 90 ngày kể từ hai tuần trước và tôi chắc chắn là có thể gia hạn. Nhưng hãy xem nào. Tôi không nghĩ là chúng ta cần phải làm vậy", ông Trump trả lời khi được hỏi về thời hạn còn lại của lệnh.
Hiện chưa rõ cụ thể thời gian 90 ngày mà ông đề cập có nghĩa là gì.
Ông Trump cũng nói thêm rằng có rất nhiều người quan tâm đến việc mua lại TikTok và hình ảnh của ứng dụng này tại Mỹ đã thay đổi kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Ông Trump nhận định TikTok hữu ích trong việc thu hút cử tri trẻ tuổi.
Ngoài ra, Tổng thống Trump bày tỏ niềm tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đồng ý chấp thuận việc bán TikTok cho một bên mua ở Mỹ vì điều này cũng phù hợp với lợi ích của quốc gia châu Á, theo Reuters.
"Tôi nghĩ rằng sẽ có lợi cho Trung Quốc nếu đạt được thỏa thuận này", ông Trump nhấn mạnh.
Hôm 22.1, Tổng thống Trump từng bày tỏ mong muốn ByteDance trao cho chính phủ Mỹ 50% cổ phần TikTok để ứng dụng tiếp tục hoạt động và khả dụng với hơn 170 triệu người dùng tại quốc gia này.
Ông Trump dọa sẽ áp thêm thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu nước này không chấp thuận thỏa thuận. "Chúng ta có thể cần sự chấp thuận từ Trung Quốc nữa. Tôi chắc rằng họ sẽ chấp thuận", Tổng thống Mỹ thứ 47 tuyên bố.
![TikTok đã xuất hiện trở lại trên cửa hàng ứng dụng của Apple và Google khi ông Trump hoãn lệnh cấm - Ảnh: Reuters](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_287_51473755/4b592e481f06f658af17.jpg)
TikTok đã xuất hiện trở lại trên cửa hàng ứng dụng của Apple và Google khi ông Trump hoãn lệnh cấm - Ảnh: Reuters
Ngay sau lễ nhậm chức ngày 20.1, ông Trump đã ký lệnh hành pháp tạm hoãn việc thực thi “Đạo luật Ứng dụng do Đối thủ Nước ngoài Kiểm soát” trong vòng 75 ngày.
Đây là đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua và ông Joe Biden ký vào tháng 4.2024, yêu cầu ByteDance phải bán TikTok tại Mỹ trước ngày 19.1 hoặc ứng dụng này sẽ bị cấm.
Kể từ khi ký lệnh tạm hoãn cấm TikTok tại Mỹ, ông Trump đã đưa ra nhiều đề xuất cho tương lai của ứng dụng này.
Ngày 3.2, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu thành lập quỹ đầu tư quốc gia trong vòng một năm tới và gợi ý rằng quỹ này có thể mua lại một phần TikTok tại Mỹ.
Trước đó, ông Trump từng nói sẵn sàng để Elon Musk mua lại TikTok ở Mỹ nếu Giám đốc điều hành Tesla muốn làm như vậy.
“Tôi sẽ đồng ý, nếu cậu ấy muốn mua nó”, Trump nói với các phóng viên khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng để Elon Musk mua lại TikTok ở Mỹ hay không.
“Tôi đã gặp các chủ sở hữu của TikTok, những người chủ lớn. Vì vậy, điều tôi đang nghĩ là nói với ai đó rằng hãy mua nó và giao một nửa cho Mỹ”, Tổng thống Mỹ thứ 47 nói thêm.
Thế nhưng hôm 8.2, Elon Musk tuyên bố không hứng thú với thương vụ mua lại TikTok.
“Tôi chưa đưa ra lời đề nghị mua TikTok. Tôi cũng chẳng có kế hoạch nào về việc sẽ làm gì với TikTok nếu sở hữu”, Elon Musk phát biểu tại hội nghị kinh tế WELT do Giám đốc điều hành tập đoàn truyền thông AxelSpringer - Mathias Doepfner tổ chức. Đây là lần đầu tiên tỷ phú giàu nhất thế giới đưa ra phát ngôn về khả năng ông mua lại TikTok như đồn đoán thời gian qua.
Elon Musk nhấn mạnh: “Tôi không hứng thú với thương vụ này. Tôi thường xây dựng doanh nghiệp từ con số 0”. Tuyên bố này không đúng lắm khi ông từng mua lại Twitter vào tháng 10.2022 với giá 44 tỉ USD rồi đổi tên thành X.
Vào tháng 12.2024, trang Bloomberg tiết lộ giới chức Trung Quốc đang cân nhắc khả năng cho phép Elon Musk, cố vấn thân cận với ông Trump và lãnh đạo Bộ Hiệu Quả chính phủ, tiếp quản hoạt động của TikTok tại Mỹ nếu công ty không chống lại được lệnh cấm. Elon Musk từng chi hơn 250 triệu USD để hỗ trợ ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.2024.
Hôm 19.1, Elon Musk phàn nàn việc Trung Quốc cấm X sau khi ông Trump hứa giúp TikTok tiếp tục hoạt động ở Mỹ.
Giám đốc điều hành Tesla phản đối việc thiếu tính đối ứng trong mối quan hệ công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là lời chỉ trích hiếm hoi từ tỷ phú giàu nhất thế giới về các vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc.
Elon Musk từ lâu đã tìm cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức của Trung Quốc, một thị trường cốt lõi và trung tâm sản xuất cho hãng ô tô điện Tesla. Thế nên trong nhiều năm, ông đã thận trọng trong các tuyên bố của mình về Trung Quốc.
Tỷ phú 53 tuổi nói: “Tôi đã phản đối lệnh cấm TikTok trong một thời gian dài vì nó đi ngược lại quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khi TikTok được phép hoạt động ở Mỹ, nhưng X không được phép hoạt động ở Trung Quốc, là không cân bằng".
Khi được hỏi về bình luận của Elon Musk, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh cho biết Bắc Kinh hoan nghênh bất kỳ công ty nào tuân thủ luật pháp của mình và các tập đoàn Trung Quốc ở nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ quy tắc của địa phương.
Lời phàn nàn nêu trên của Elon Musk nhẹ nhàng hơn so với những lần ông công kích dữ dội các chính trị gia phương Tây và đụng chạm đến chính trị các quốc gia như Đức, Anh, Ý.
Thế nhưng, điều này làm nổi bật những xung đột lợi ích tiềm tàng của Giám đốc điều hành Tesla giữa việc bảo vệ lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc và trở thành người bạn tâm giao với Tổng thống Mỹ sắp tới cũng như lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ.
Hôm 19.1, Elon Musk đã gặp Phó chủ tịch Trung Quốc - Hàn Chính, người đại diện cho Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump hôm 20.1. Sự hiện diện của một quan chức Trung Quốc cấp cao như Hàn Chính là chưa từng có trước đây tại các lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ, nơi Bắc Kinh thường được đại diện bởi đại sứ của mình tại Washington.
"Ông Hàn Chính đã gặp Elon Musk và chào đón các công ty Mỹ, gồm cả Tesla, để nắm bắt cơ hội và chia sẻ thành quả phát triển của Trung Quốc", hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.
Tesla đã kiếm được gần 1/4 doanh số bán hàng trong quý 3/2024 từ Trung Quốc và xuất khẩu nhiều ô tô điện hơn nữa từ nhà máy ở thành phố Thượng Hải sang các nước thứ ba.
Một số nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đang đặt hy vọng vào Elon Musk với tư cách là trung gian tiềm năng với ông Trump, người tuyên bố sẽ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ cường quốc châu Á này. Các quan chức Trung Quốc trước đó đã thảo luận về việc sử dụng Elon Musk làm cầu nối để giải quyết vấn đề TikTok tại Mỹ.