TikTok sắp bị cấm, người Mỹ rủ nhau học tiếng Trung

Người dùng TikTok Mỹ đổ xô học tiếng Trung trên Duolingo để chuyển sang mạng xã hội RedNote, trước khi lệnh cấm TikTok có hiệu lực.

 Lượng người dùng Duolingo tăng đột biến vào giữa tháng 1, tức là lúc người dùng bắt đầu chuyển đổi sang RedNote. Ảnh: TechCrunch.

Lượng người dùng Duolingo tăng đột biến vào giữa tháng 1, tức là lúc người dùng bắt đầu chuyển đổi sang RedNote. Ảnh: TechCrunch.

Theo dự luật mới sắp có hiệu lực vào ngày 19/1, TikTok sẽ bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ và ngừng hoạt động trên thiết bị của người dùng nếu không sử dụng phần mềm VPN.

Thay vì tìm cách vượt rào, người dùng TikTok đã chuyển sang nền tảng video RedNote (hay còn gọi là Xiaohongshu - Tiểu Hồng Thư). Sự chuyển dịch này tạo ra những trào lưu lạ lùng như người Mỹ giúp người dùng Trung Quốc làm bài tập tiếng Anh. Không ít người dùng TikTok gặp vấn đề kỹ thuật khi đăng ký tài khoản Xiaohongshu. Một số khác bị khóa tài khoản ngay lập tức do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

Cộng đồng này muốn gửi thông điệp đến chính phủ Mỹ và các đối thủ cạnh tranh của TikTok như Meta, rằng vẫn có một nhu cầu lớn cho các nền tảng mạng xã hội kiểu Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty Mỹ chỉ dừng lại ở việc bắt chước, theo TechCrunch.

Đồng thời, sự dịch chuyển cũng như một phép thử để đánh giá liệu người dùng Mỹ có lo ngại việc các công ty Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân vì mục đích xấu hay không. Đây là yếu tố chính dẫn đến lệnh cấm TikTok. Thực tế cho thấy đa số khách hàng ít lo lắng về điều này. Làn sóng chuyển đổi sang RedNote là minh chứng.

Tuy nhiên, RedNote/Xiaohongshu được thiết kế chủ yếu cho người dùng Trung Quốc. Ngôn ngữ mặc định của ứng dụng là tiếng Trung. Điều này vô tình khiến số lượng người Mỹ tải Duolingo để học tiếng Trung tăng mạnh.

Theo nhà phát triển, ứng dụng này tăng khoảng 216% người dùng mới học tiếng Trung tại Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đột biến xuất hiện vào giữa tháng 1, tức là thời điểm RedNote bắt đầu phổ biến. Công ty cũng tiết lộ rằng trong khảo sát “Làm thế nào bạn biết đến chúng tôi?” người dùng mới cần phải trả lời, lượng người chọn “TikTok” tăng vọt.

 Xiaohongshu, Duolingo và Google Translate trở thành bộ 3 ứng dụng yêu thích của người dùng TikTok. Ảnh: Pamela/X.

Xiaohongshu, Duolingo và Google Translate trở thành bộ 3 ứng dụng yêu thích của người dùng TikTok. Ảnh: Pamela/X.

“Ồ, giờ các bạn mới học tiếng Trung à”, Duolingo đăng trên nền tảng X (trước đây là Twitter) hôm 15/1. Công ty cũng tung ra một video quảng cáo trên TikTok để khuyến khích người dùng sử dụng ứng dụng để học tiếng Trung. Đoạn video ngắn xuất hiện linh vật cú xanh của Duolingo tại sân bay chuẩn bị bay đến Trung Quốc, kèm theo dòng chữ: “Tôi thà chuyển đến Trung Quốc và học tiếng Trung trên Duolingo”.

Video này hiện đã có hơn 500.000 lượt thích. Một video khác gần đây hướng dẫn các cụm từ tiếng Trung cho “những người tị nạn TikTok” cũng đã nhận được hơn 620.000 lượt thích.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Appfigures, nhu cầu người dùng cho các khóa học ngôn ngữ trên Duolingo đã thúc đẩy số lượt tải xuống ứng dụng.

Appfigures tiết lộ mức tăng trưởng của Duolingo đạt 36% tính theo số lượt tải xuống tại Mỹ trên cả App Store và Google Play tính đến ngày 3/1. Theo TechCrunch, con số này cho thấy người dùng có thể đã thử nghiệm các ứng dụng xã hội Trung Quốc khác trước khi làn sóng chuyển đổi sang Xiaohongshu bùng nổ vào cuối tháng.

Chỉ một tuần trước, Duolingo đứng ở vị trí thứ 40 trong danh sách Top Apps (không bao gồm trò chơi) và Top Overall (bao gồm trò chơi). Hiện tại, ứng dụng này đã leo lên vị trí thứ 22.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tiktok-sap-bi-cam-duolingo-bat-ngo-huong-loi-post1525221.html
Zalo