Lực lượng không quân Vũ trụ Nga có thể bắt đầu nhận được các phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu đa năng MiG-35. Điều này đã được Tập đoàn Máy bay Thống nhất Nga công bố ngày đầu năm.
Cựu giám đốc UAC Yuri Slyusar cũng đưa tin trước đó, trong những năm tới, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga có thể sẽ đặt mua các máy bay chiến đấu MiG-35 nâng cấp với khả năng chiến đấu được cải tiến.
MiG-35 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/ 2016, ra mắt trước công chúng năm 2017 và đến năm 2018, 6 chiếc máy bay đầu tiên đã được bàn giao cho quân đội Nga để vận hành thử nghiệm.
Tuy nhiên từ đó đến nay không có bất cứ hợp đồng đặt mua nào được ký kết, ngay cả với Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, điều này gây nên sự đồn đoán rằng dòng máy bay này không thực sự hấp dẫn.
Theo nhà thiết kế chính của UAC, Sergey Korotkov, tiêm kích MiG-35 thế hệ mới nhất “4++” hiện đang hoàn tất các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước.
Ông nhấn mạnh rằng kể từ năm ngoái, máy bay đã được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế và đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của phi hành đoàn về hiệu suất và khả năng.
Dự kiến Bộ Quốc phòng Nga sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng về việc chuyển giao máy bay này cho Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga.
Nếu như hãng Sukhoi đang ngày càng đứng vững trong việc cho ra đời các dòng chiến đấu cơ hiện đại được đánh giá cao như Su-27, Su-30, Su-35 và Su-57, thì bên kia, hãng Mikoyan lại dường như đang tụt lùi.
Những siêu phẩm MiG-21, MiG-25, MiG-31 và MiG-29 dần trở thành dĩ vãng, cho tới nay hãng này vẫn chưa cho ra được một "đại diện" xứng tầm với các huyền thoại trên.
Sau rất nhiều cố gắng, hãng Mikoyan đã cho ra đời tiêm kích thế hệ 4++ MiG-35 tuy nhiên đây lại là dòng chiến đấu cơ lận đận nhất của hãng này.
Mikoyan bắt đầu phát triển máy bay Mig-35 từ đầu những năm 2000 với việc tích hợp các công nghệ hàng không hiện đại trên khung thân máy bay chiến đấu đa năng Mig-29.
MiG-35 được trang bị radar mạng pha chủ động Zhuk-A/AE có tầm trinh sát 250 km với mục tiêu RCS (diện tích phản xạ radar) 3m2. Radar này có thể theo dõi 30 mục tiêu và dẫn tên lửa bắn hạ 6 mục tiêu trên không cùng lúc.
Ngoài ra, MiG-35 còn được trang bị trạm trinh sát quang - điện OLS-UEM có cảm biến hồng ngoại phát hiện tín hiệu nhiệt từ động cơ máy bay cách đến 55 km.
MiG-35 cũng sử dụng các thiết bị kỹ thuật vô tuyến điện, thiết bị điện tử - quang học tiên tiến để thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên không.
Nhà sản xuất còn bật mí rằng, MiG-35 thậm chí có thể đóng vai trò làm máy bay chỉ huy trên không để chỉ huy cả biên đội tác chiến
MiG-35 có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm ngay cả trong môi trường tác chiến điện tử mạnh.
Chiến đấu cơ này có chiều dài cơ bản 17,3 m; sải cánh 12 m; chiều cao 4,7 m và có trọng lượng cất cánh tối đa 29,7 tấn.
MiG-35 sử dụng toàn bộ các vũ khí điều khiển chính xác có trong kho của Không quân Nga dùng để tấn công đối đất, tấn công đối hải ngoài khu vực phòng không hoặc tham gia tác chiến trong các biên đội hỗn hợp.
Trong quá trình nghiên cứu chế tạo MiG-35, nhà sản xuất Mikoyan đã rất chú trọng đến vấn đề hoàn thiện tính năng bay, động cơ và các thiết bị điện tử.
Chi phí cho mỗi giờ bay của MiG-35 cũng được hạ thấp, chỉ bằng hơn 40% kinh phí của MiG-29.
MiG-35 chia làm 2 loại, 1 chỗ ngồi và 2 chỗ ngồi, chúng đều có tốc độ bay tối đa lên tới 2.700 km/h, trần bay 17,6 km, hành trình tối đa 3.000 km, bán kính tác chiến 1.000 km.
Tải trọng vũ khí của MiG-35 lên tới 7 tấn, gấp đôi trọng lượng mang vác vũ khí của MiG-29.
Ngoài 10 giá treo vũ khí, MiG-35 còn được trang bị một khẩu pháo 30mm Gryazev-Shipunov GSh-30-1 với 150 viên đạn, chuyên sử dụng trong cận chiến. Các giá treo vũ khí có thể mang theo tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất Nga đang sử dụng như: Vympel R-27, Molniya R-60 AA-8 Aphid, Vympel R-77 AA-12 Adder, Vympel R-73 AA-11 Archer…
Tuy có sở trường là không chiến nhưng nó cũng được trang bị tính năng đối hải và đối hạm, có thể mang theo 2.000 lbs bom điều khiển bằng laser và vô tuyến KAB-500Kr, KAB-500-OD, KAB-1500Kr…
MiG-35 trang bị 2 động cơ phản lực vectơr RD-33MK điều khiển hướng phụt linh động, có khả năng điều chỉnh hướng lên - xuống - trái - phải, với 15 độ ở chế độ lên - xuống và 8 độ ở chế độ trái - phải.
Tuy có nhiều tính năng được quảng bá tốt, nhưng việc sử dụng khung thân cũ với hình dáng không thay đổi nhiều so với MiG-29 (vốn không thành công giống như Su-27) đã khiến MiG-35 mất điểm.
Mặt khác dù cải tiến nhưng động cơ RD-33MK vẫn không hoạt động với hiệu suất tốt như sản phẩm của Sukhoi cũng như của phương Tây. Tải trọng vũ khí được nâng lên nhưng chúng vẫn thua kém gần một tấn so với đối thủ là F-16 Block 70/72.
Cuối cùng nhược điểm chết người của MiG-35 đó là nặng nề khi có trọng lượng cất cánh tối đa tới 29,7 tấn ngang với chiến đấu cơ tầm trung, trong khi vẫn sử dụng động cơ nền tảng cũ, điều này khiến cho hiệu suất bay giảm rất nhiều.
Việt Hùng
Theo Bulgarianmilitary