Để Nghị quyết số 57-NQ/TW đi vào cuộc sống
Nghị quyết số 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22-12-2024 đã có những định hướng rõ ràng về phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Báo Hànôịmới tiếp tục ghi nhận ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp công nghệ về cơ chế, chính sách để nghị quyết đi vào cuộc sống.
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) Mai Liêm Trực: Thực chất Nghị quyết số 57-NQ/TW là biểu hiện của cuộc đổi mới lần thứ 2
Cá nhân tôi là thành viên và tham gia trong nhóm tư vấn chính sách của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), nhưng cũng khá bất ngờ trước tốc độ ra đời nhanh chóng của Nghị quyết số 57-NQ/TW và với đích thân Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Có thể nói sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW là sự kiện quan trọng nhất ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong năm 2024.
Chúng ta không nói đây là cuộc đổi mới lần thứ 2, nhưng thực chất Nghị quyết 57 là biểu hiện của cuộc đổi mới lần thứ 2 mà chúng ta đã khao khát cách đây 10-15 năm. Cuộc đổi mới lần thứ 2 có tên mới là kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Có thể nói Nghị quyết số 57-NQ/TW đã có những định hướng rõ ràng về phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đó là chìa khóa đưa đất nước bứt phá, bước vào kỷ nguyên mới.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng: Sớm ban hành quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị đã đề ra những chính sách đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua.
Ví dụ như cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược,...
Để các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW, Tập đoàn Viettel đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới.
Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: "Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo".
Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp.
Viettel cũng đề nghị hướng dẫn việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên hiệu quả tài chính. Chúng tôi cho rằng, kết quả sau mỗi lần nghiên cứu, dù thành công hay thất bại, đều mang lại những bài học quý báu để tiến tới thành công trong tương lai.
Viettel kiến nghị hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng đã đề cập đến giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược.
Việc sớm hình thành quỹ này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm, như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng... tránh việc phân bổ dàn trải, chia nhỏ.
Trưởng Ban chuyển đổi số MobiFone Nguyễn Tuấn Huy: Nghị quyết số 57-NQ/TW mở đường phát triển cho các nhà mạng
Tôi rất tâm đắc khi Nghị quyết số 57-NQ/TW nêu, dành 2% GDP cho nghiên cứu phát triển, 3% ngân sách quốc gia cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2030 vào top 3 Đông Nam Á, top 50 thế giới về năng lực cạnh tranh số.
Trong Nghị quyết 57-NQ/TW có nêu mục tiêu phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2030, hoàn thành triển khai thành phố thông minh ở các thành phố trực thuộc trung ương. Điều này cho thấy một khối lượng công việc rất lớn cần thực hiện trong thời gian tới, song cũng là cơ hội mở đường phát triển cho các nhà mạng trong nước.
Từ kinh nghiệm ở các nước đã triển khai, 5G chỉ là chất xúc tác, kết nối, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế, sản xuất thông minh.
Chính phủ các nước đứng ra để hỗ trợ phát triển 5G, chẳng hạn Hàn Quốc bỏ ra 1,96 tỷ USD để đầu tư cho ứng dụng 5G, từ đó làm chất xúc tác phát triển kinh tế.
Trung Quốc xây dựng chính sách “cánh buồm” để thúc đẩy 5G phát triển và nhờ ứng dụng 5G, cả nhà mạng và doanh nghiệp đều tăng trưởng cao. Ngoài ra, nhiều nước có ưu đãi về thuế, miễn phí tần số cho nhà mạng triển khai 5G…
Chúng tôi hy vọng, Chính phủ sẽ có tháo gỡ về pháp lý, chính sách, giúp nhà mạng thu hút đầu tư xã hội để phát triển hạ tầng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển trong thời gian tới.