Tiêu dùng xanh: Thúc đẩy du lịch bền vững
Từ một chiếc bàn chải đánh răng được sản xuất từ lõi ngô tới tour không rác thải, tiêu dùng xanh đang làm nên sức sống mới cho du lịch bền vững tại Việt Nam.
Thay đổi nhỏ, tác động lớn
Theo khảo sát “Nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh 2024” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, người tiêu dùng vẫn còn dè dặt với sản phẩm xanh. Tuy nhiên, ngành du lịch đang cho thấy hướng đi khác: Bắt đầu từ thay đổi nhỏ trong hành vi tiêu dùng, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch xanh, có trách nhiệm.

Vật dụng dành cho du khách tại khách sạn được sản xuất từ ngô, đảm bảo phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường tại Glenda Tower Mộc Châu
Tiêu biểu là Wyndham Sonasea Vân Đồn - một tổ hợp nghỉ dưỡng bên bờ vịnh Hạ Long. Tại đây, từ khi đi vào vận hành, chiến lược phát triển xanh đã được định hình rõ nét: Hạn chế nhựa, sử dụng mã QR thay thế giấy và vật phẩm in ấn, điều tiết ánh sáng theo giờ nhằm tiết kiệm năng lượng và khuyến khích du khách giảm giặt đồ vải; hành lang phòng thiết kế mở, đón gió tự nhiên, giảm thiểu vận hành điều hòa vào thời tiết nắng nóng...

Ông Nguyễn Quang Tú - Trưởng bộ phận tiền sảnh Wyndham Sonasea Vân Đồn giới thiệu vỏ chai được tái sử dụng làm decor tại khách sạn
Ông Nguyễn Quang Tú - Trưởng bộ phận tiền sảnh Wyndham Sonasea Vân Đồn - cho biết, không dừng lại ở yếu tố vật lý, Wyndham Sonasea còn kết nối du khách với các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương như làm sạch bãi biển, tái chế rác thải, trang trí không gian bằng vật liệu tái chế. Đây không chỉ là các hoạt động “cho đẹp”, mà là cách để đưa tiêu dùng xanh vào trải nghiệm du lịch - từ cảm xúc đến hành động.
Khách sạn không chỉ là nơi nghỉ chân
Giờ đây, du khách khi đến với các địa phương không chỉ tìm cho mình một không gian thiên nhiên nguyên sơ, mà còn gặp những cơ sở lưu trú thực hành du lịch bền vững một cách thực chất. Ông Nguyễn Văn Quảng - Tổng giám đốc Công ty Setup Vietorient Hospitality - chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ tạo ra điểm đến, mà còn góp phần định nghĩa lại thế nào là một kỳ nghỉ xanh”.
Các khách sạn do Vietorient vận hành như Glenda Tower Mộc Châu, Bái Tử Long Mountain Resort đã cẩn trọng lựa chọn từng vật phẩm: Bàn chải làm từ ngô, dầu gội sinh học, bao bì tự phân hủy… Bên cạnh đó, khuyến khích khách hàng tái sử dụng khăn tắm, hạn chế thay chăn ga để giảm tải cho hệ thống xử lý nước - là cách để đưa tiêu dùng xanh từ nguyên lý trở thành hành vi thường nhật.

Du khách được khuyến khích tái sử dụng các vật dụng
Đặc biệt, việc ưu tiên sử dụng sản phẩm địa phương - từ thủ công mỹ nghệ đến thực phẩm bản địa - không chỉ mang lại trải nghiệm du lịch đậm bản sắc, mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đây chính là tinh thần cốt lõi của du lịch xanh: Phát triển không đồng nghĩa với đánh đổi.
Là một hướng dẫn viên du lịch giàu kinh nghiệm của Saigon tourist, anh Trần Trung Kiên cho biết, hiện du lịch xanh không chỉ là xu hướng mà là sự lựa chọn của cả đơn vị cung cấp dịch vụ và du khách. Tại nhiều địa phương, nhờ quyết liệt triển khai các giải pháp làm sạch môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đã trở thành điểm đến lý tưởng.
“Tôi đánh giá Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển du lịch xanh. Hướng du lịch biển bền vững, môi trường không rác thải, tất cả các đảo của Quảng Ninh như: Cô Tô, Quan Lạn, Bái Tử Long… đều khuyến cáo và yêu cầu khách du lịch không mang chai nhựa, sản phẩm nhựa dùng lần khó phân hủy lên đảo”- anh Kiên cho hay.
Xanh hóa từ gốc đến ngọn
Không dừng lại ở vài mô hình đơn lẻ, tiêu dùng xanh đang dần định hình lại nhận thức của toàn ngành. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội - khẳng định: “Phát triển xanh là trách nhiệm sống còn của người làm du lịch. Khi một cơ sở có trách nhiệm với môi trường, họ sẽ có trách nhiệm với từng du khách”.

Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO và chính quyền địa phương đã cùng tham gia làm sạch môi trường tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)
Trong lễ kỷ niệm 15 năm thành lập, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO đã phát động chiến dịch “Nói không với rác thải nhựa” tại làng cổ Đường Lâm. Đây là thông điệp mạnh mẽ gửi tới cộng đồng làm du lịch: Xanh hóa không chỉ là câu chuyện của chính quyền hay doanh nghiệp, mà bắt đầu từ mỗi hành động của người làm dịch vụ và du khách.
Hiện nay, nhiều điểm đến đã bắt đầu đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, sử dụng xe điện, quản lý tài nguyên du lịch thông minh… Các tour du lịch xanh đang dần trở thành lựa chọn phổ biến, không chỉ vì môi trường, mà vì giá trị cảm xúc và niềm tin mà chúng mang lại.