Thực hiện đề án 01 triệu héc-ta nhằm xây dựng sản phẩm lúa gạo chất lượng
Canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh là mục tiêu quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm; đồng thời, hướng đến nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, xây dựng sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lãnh đạo UBND huyện Càng Long, xã Huyền Hội tham quan mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Hợp tác xã nông nghiệp Thành Đạt.
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) trên địa bàn huyện Càng Long, có 02 hợp tác xã (HTX) tham gia thực hiện mô hình triển khai thí điểm trong vụ đông - xuân 2024 - 2025 với 69,72ha, có 97 thành viên tham gia.
Ở vụ đông - xuân 2024 - 2025, HTX dịch vụ nông nghiệp An Thạnh, xã Tân Bình có 32 hộ tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đồng bằng sông Cửu Long (triển khai đề án 01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp) với 26,3ha. Do chưa được hỗ trợ về phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nên việc vận động người dân tham gia thực hiện đề án không nhiều. Theo đánh giá của cán bộ chuyên môn, do một số hộ sử dụng phân bón hóa học mà không kết hợp với phân bón hữu cơ nên hiệu quả chưa cao. Năng suất trung bình đạt 6,7 tấn/ha, giá bán 6.500 đồng/kg, lợi nhuận gần 22 triệu đồng/ha.
Địa bàn xã Huyền Hội tham gia đề án 01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025 khoảng 43,42ha, có 65 hộ dân ở ấp Giồng Bèn và Kinh A tham gia. HTX nông nghiệp Thành Đạt tham gia sản xuất 01ha, ông Phan Huyền Đức, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Đạt cho biết: trong quá trình canh tác, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ, HTX đã sử dụng men phân hủy rơm rạ của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trước khi xuống giống lúa, hạn chế được ngộ độc hữu cơ và cỏ dại, lúa lẫn. Sử dụng giống cấp xác nhận 1 (Đài thơm 8) làm ruộng lúa có độ thuần cao không có lúa lẫn. Áp dụng quản lý nước ngập khô xen kẽ (AWD), rút nước ít nhất 02 lần giữa vụ làm giảm độ phèn trong đất, rễ ăn sâu, cây lúa to cứng. Áp dụng sạ cụm, sạ hàng, cấy giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất. Bón phân kết hợp với phân bón hữu cơ và phân bón lá hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật giúp cây lúa phát triển tốt bền, cứng cây, đứng lá.
Áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần làm giảm chi phí sản xuất. Thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng làm thức ăn cho bò ăn. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên giúp cây lúa có bộ rễ mạnh, đẻ nhiều chồi, thân to khỏe, lá dày thẳng đứng và bóng mướt, bông to dài, sáng chắc nên năng suất cao; đồng thời giảm chi phí từ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lợi nhuận tăng thêm. Chi phí đầu tư 22 triệu đồng/ha, năng suất đạt 08 tấn/ha, giá bán 6.500 đồng/kg, lợi nhuận đạt 23,5 triệu đồng/ha. Còn chi phí lúa sản xuất ngoài mô hình khoảng 24 triệu đồng/ha, năng suất đạt 7,5 - 7,8 tấn/ha, lợi nhuận đạt 19,6 triệu đồng/ha. Lợi nhuận từ sản xuất của hợp tác xã cao hơn lợi nhuận canh tác ngoài mô hình gần 04 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, có một số hộ tham gia mô hình sử dụng giống sạ cao hơn so với khuyến cáo, trung bình 80 - 100kg/ha. Tập quán của nông hộ còn sử dụng nhiều phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
Nông dân Phạm Thanh Vũ, ấp Giồng Bèn, xã Huyền Hội, thành viên hợp tác xã nông nghiệp Thành Đạt cho biết: vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025, gia đình ông tham gia sản xuất 02ha. Trong quá trình sản xuất, ông thực hiện đúng quy trình hướng dẫn về kỹ thuật canh tác, nhất là từ khâu xử lý đất đến sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học... đến cuối vụ năng suất đạt 8,5 tấn/ha, sản lượng đạt 17 tấn, giá bán 6.500 đồng/kg, doanh thu trên 110 triệu đồng, lợi nhuận 64,5 triệu đồng, lợi nhuận 05 triệu đồng/ha.
Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết: tham gia mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, các hộ dân được hỗ trợ 50 - 70% giống và vật tư nông nghiệp để thực hiện mô hình trình diễn trên địa bàn xã. Trong quá trình sản xuất, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện và các công ty, viện, trường thường xuyên chuyển giao những tiến bộ mới vào sản xuất và hỗ trợ những mô hình điểm về vật tư nông nghiệp. Các hộ tham gia mô hình đều phấn khởi vì tiết kiệm chi phí và không sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, sử dụng giống lúa chất lượng cao kháng bệnh tốt, chịu mặn hoặc chịu hạn tốt.
Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường; tăng thu nhập, sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hướng tới, xã tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.