Tiết lộ về tổ hợp phòng không tầm ngắn độc, lạ và hiệu quả của Ukraine

Trước hàng nghìn cuộc tấn công tên lửa và UAV của Nga mỗi tháng trên khắp Ukraine, lực lượng phòng không Kiev cần càng nhiều tên lửa đất đối không (SAM) càng tốt.

Hệ thống phòng không Raven với thiết kế lạ thường

Hệ thống mới nhất có tên là Raven là một thiết kế lạ thường: một xe tải hạng trung được trang bị thêm các tên lửa không đối không. Sự kỳ quặc của Raven là có chủ đích.

"Đây là một hệ thống đáng kinh ngạc, kết hợp giữa xe HMT 600 Supacat với tên lửa không đối không tầm ngắn tiên tiến ASRAAM", Đại tá Olly Todd thuộc lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh cho biết. Ông đang phục vụ tại Lực lượng Đặc nhiệm Kindred, đơn vị phát triển vũ khí cho Ukraine.

Tổ hợp phòng không Raven. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Tổ hợp phòng không Raven. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Anh đã chuyển giao 8 hệ thống Raven cho Ukraine và 5 chiếc nữa đang trên đường đến Kiev. London lần đầu bàn giao hệ thống phòng không mặt đất này cho Ukraine vào năm 2023, bên cạnh gần 150 tên lửa đất đối không. Raven đã bắn hạ máy bay không người lái của Nga ít nhất từ thời điểm đó nhưng chỉ mới xuất hiện công khai gần đây trong các video chính thức.

Đại tá Olly Todd cho biết, các binh lính Ukraine đã thực hiện hơn 400 đợt tấn công bằng hệ thống này trên tiền tuyến, với tỷ lệ thành công hơn 70%.

Các mục tiêu bị hệ thống Raven tiêu diệt bao gồm tên lửa hành trình, máy bay không người lái, trực thăng cánh cố định và trực thăng cánh quay.

“Ukraine rất thích hệ thống này. Họ cho biết nó hoạt động rất hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới phòng không", ông Todd nói.

Tuy nhiên, kho vũ khí đa dạng gồm cảm biến, bệ phóng và tên lửa mà Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô, tự phát triển hoặc nhận viện trợ từ các đồng minh đã tạo ra một vấn đề lớn kể từ khi Nga mở rộng chiến dịch quân sự vào năm 2022. Các thành phần này không phải lúc nào cũng tương thích với nhau, Một radar nhất định có thể không phù hợp với một loại tên lửa hay một tên lửa có thể không hoạt động trên một bệ phóng nhất định.

Một trong những hệ thống hiệu quả nhất

Bộ Quốc phòng Anh bắt đầu lắp ghép những phần cứng không đồng bộ này từ năm 2022. Đến năm 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng triển khai sáng kiến “FrankenSAM” nhằm tạo ra các hệ thống phòng không kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Bộ Quốc phòng Ukraine hiện cũng đang phát triển một sáng kiến tương tự.

Thách thức lớn nhất là khả năng tích hợp, tức làm sao để cảm biến, tên lửa và bệ phóng không đồng bộ có thể phối hợp thành một hệ thống duy nhất. Với Raven, các kỹ sư Anh đã tháo thanh dẫn tên lửa khỏi các chiến đấu cơ đã loại biên của Không quân Hoàng gia Anh, sau đó lắp lên xe tải Supacat. Một camera gắn trên nóc xe, điều khiển bằng tay cầm chơi game được cải tiến, giúp định hướng thanh phóng và tên lửa ASRAAM nặng khoảng 90kg về phía mục tiêu.

Khi được phóng đi, tên lửa ASRAAM dẫn đường bằng hồng ngoại sẽ tự định vị và lao vào nguồn nhiệt gần nhất. Đại tá Todd đánh giá Raven là “một trong những hệ thống phòng không tầm ngắn hiệu quả nhất mà Ukraine đang sử dụng hiện nay".

ASRAAM, hay còn được biết đến với tên gọi AIM-132 tại Mỹ là tên lửa dài 3 mét, đường kính 166 mm và sải cánh 450 mm. Tên lửa này từng được trang bị cho nhiều máy bay của Anh như máy bay phản lực cận âm Hawk, máy bay siêu âm Jaguar và máy bay tấn công Tornado. Ngoài ra, nó cũng có thể được lắp đặt lên các tiêm kích Eurofighter Typhoon và F-35 Lightning II.

Khi hoạt động trên không, ASRAAM có tầm bắn hơn 25 km và tốc độ vượt quá Mach 3 (tức khoảng 3.704 km/h).

“Theo thiết kế, cả xe, bệ phóng lẫn tên lửa trong hệ thống Raven đều tận dụng các thiết bị thuộc biên chế của Anh nhưng không còn sử dụng nữa", ông Todd cho biết.

Ông khẳng định: “Những tên lửa này trước đây được sử dụng trong Không quân Hoàng gia và vốn đã nằm trong kế hoạch loại biên. Do đó, việc hỗ trợ Ukraine không làm ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng hay hoạt động của Anh".

Hiện có nhiều hệ thống FrankenSAM khác đang được triển khai tại Ukraine, bao gồm các phương tiện Liên Xô phóng tên lửa không đối không của Mỹ (dẫn đường bằng radar hoặc hồng ngoại) hoặc phương tiện Liên Xô phóng tên lửa Liên Xô mà trước đây không ai nghĩ sẽ được bắn từ mặt đất.

Tuy nhiên, phần lớn các hệ thống FrankenSAM chỉ mang lại khả năng phòng không tầm ngắn. Điều này cũng dễ hiểu vì phần lớn tên lửa không đối không chỉ có tầm bắn vài chục km. Nhu cầu cấp bách nhất của Ukraine hiện nay là các hệ thống SAM tầm xa có thể bảo vệ thành phố và căn cứ trước tên lửa đạn đạo tầm xa của Nga.

Chỉ có hai hệ thống đáp ứng được yêu cầu này là Patriot của Mỹ và SAMP/T của châu Âu. Dù một số bệ phóng Patriot có thể đã được tích hợp với radar Liên Xô cũ, phần lớn trong số khoảng 8 hệ thống SAM tầm xa mà Ukraine đang sở hữu vẫn là thiết kế nguyên bản, không thuộc nhóm FrankenSAM.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Forbes

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/tiet-lo-ve-to-hop-phong-khong-tam-ngan-doc-la-va-hieu-qua-cua-ukraine-post1199030.vov
Zalo