Tiết lộ kế hoạch của Ukraine nhằm cô lập Nga khi Mỹ chùn bước trừng phạt
Ukraine sẽ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) trong tuần tới xem xét các bước đi lớn nhằm cô lập Moscow, bao gồm việc tịch thu các tài sản của Nga và áp dụng trừng phạt đối với một số bên mua dầu Nga trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại ý định siết chặt các biện pháp trừng phạt.
Một bản đề xuất chưa từng được công bố của Ukraine sẽ được trình lên EU, kêu gọi 27 nước thành viên có lập trường cứng rắn và độc lập hơn trong vấn đề trừng phạt, khi vai trò tương lai của Washington đang bị đặt dấu hỏi.

Ảnh minh họa: Reuters
Trong số 40 trang khuyến nghị, Ukraine kêu gọi thông qua luật cho phép EU nhanh chóng tịch thu tài sản của những cá nhân bị trừng phạt và chuyển tài sản đó cho Ukraine. Những người bị trừng phạt có thể đòi bồi thường từ phía Nga. Ngoài ra, EU cũng nên cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng trừng phạt ra ngoài lãnh thổ EU, bao gồm cả các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ EU để hỗ trợ Nga và áp đặt "trừng phạt thứ cấp" đối với các quốc gia mua dầu Nga, trong đó có thể bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc - một bước đi táo bạo mà EU vẫn còn do dự. Tổng thống Trump trước đây đã công khai thảo luận về các biện pháp này nhưng sau đó quyết định không hành động vào thời điểm hiện nay.
Tài liệu cũng đề nghị EU xem xét áp dụng cơ chế quyết định theo đa số trong vấn đề trừng phạt, nhằm tránh việc một quốc gia thành viên có thể phủ quyết các biện pháp chung, vốn đang đòi hỏi sự đồng thuận tuyệt đối. Ủy ban châu Âu hiện chưa bình luận gì về bản đề xuất của Ukraine.
Sau cuộc điện đàm với ông Putin hôm thứ Hai (19/5), ông Trump đã quyết định không áp đặt thêm trừng phạt lên Nga. Điều này đã khiến các nhà lãnh đạo EU và Kiev thất vọng, những người đã vận động suốt nhiều tuần để Washington gia tăng áp lực với Moscow.
Theo Reuters, Tổng thống Trump sau đó gọi cho các nhà lãnh đạo châu Âu và Ukraine, nói rằng ông muốn để ngỏ cơ hội đàm phán nên chưa áp trừng phạt. Tuy nhiên, EU và Anh vẫn tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới vào 20/5, đồng thời tuyên bố vẫn hy vọng Washington sẽ đồng hành.
Trong khi đó, các nước châu Âu đang công khai bàn bạc cách duy trì áp lực lên Nga mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ.
Thời điểm để EU vươn lên dẫn dắt
Trên mặt trận ngoại giao, Ukraine tránh công khai chỉ trích Washington, nhất là sau cuộc gặp căng thẳng giữa ông Zelensky và Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào tháng 2/2025. Tài liệu trừng phạt mà Ukraine đề xuất đã nhấn mạnh đến các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" mà EU thực hiện cho tới nay, đồng thời khẳng định các biện pháp này vẫn còn nhiều tiềm năng để phát huy hiệu quả hơn nữa.
Tài liệu cũng đưa ra một đánh giá thẳng thắn về sự suy giảm trong cam kết phối hợp từ phía chính quyền Tổng thống Trump.
"Hiện nay, Washington đã ngừng tham gia vào gần như tất cả các nền tảng liên chính phủ liên quan đến trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu", tài liệu trên cho hay. Mỹ cũng đã làm chậm hoạt động của nhóm giám sát giá trần dầu Nga, giải tán lực lượng chuyên trách xử lý các trường hợp vi phạm lệnh trừng phạt và điều chuyển phần lớn các chuyên gia trừng phạt sang các lĩnh vực khác. Dù hai gói trừng phạt lớn đã được soạn thảo, một từ chính phủ và một từ Thượng nghị sĩ thân cận với ông Trump là ông Lindsey Graham nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống có sẵn sàng phê duyệt bất kỳ gói trừng phạt nào hay không.
Trước sự thiếu rõ ràng trong lập trường của Mỹ, tài liệu cảnh báo rằng điều này đã làm chậm lại tiến trình thực thi các biện pháp về kinh tế cũng như phối hợp đa phương, đồng thời khẳng định EU không nên vì thế mà nới lỏng áp lực lên Moscow.
"Ngược lại, đây chính là thời điểm để EU vươn lên, đảm nhận vai trò dẫn dắt trong việc duy trì và gia tăng các biện pháp trừng phạt".
Đòn giáng mạnh
Ukraine lo ngại rằng việc Mỹ rút khỏi lập trường trừng phạt thống nhất của phương Tây có thể khiến EU cũng lung lay.
“Việc Mỹ rút lui khỏi trừng phạt sẽ là một cú đánh rất mạnh vào sự đoàn kết của EU. Rất mạnh", một quan chức cấp cao của Ukraine nói với Reuters.
EU dù có ý chí nhưng không thể hoàn toàn thay thế sức mạnh kinh tế của Mỹ trong việc gây áp lực lên Nga, bởi phần lớn hiệu quả các lệnh trừng phạt của Washington đến từ vai trò chi phối của đồng USD trong thương mại toàn cầu - điều mà đồng euro không thể sánh bằng.
Tuy nhiên, theo ông Craig Kennedy, chuyên gia về năng lượng Nga tại Trung tâm Davis - Đại học Harvard, ngay cả khi Mỹ nới lỏng trừng phạt với Nga, điều đó cũng sẽ không đủ để thúc đẩy dòng vốn và nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại nếu châu Âu vẫn giữ vững lập trường.
"Châu Âu có nhiều lá bài hơn mọi người tưởng", chuyên gia Craig Kennedy đánh giá.