Kinh tế Nga đang ra sao mà đến Tổng thống Putin cũng thừa nhận là 'đáng lo ngại'?

Dù chưa có dấu hiệu sẵn sàng hòa đàm với Ukraine, những khó khăn kinh tế và quân sự ngày càng chồng chất có thể khiến Nga buộc phải ngồi vào bàn đàm phán trong tương lai không xa. Suy giảm tăng trưởng, cạn kiệt vũ khí thời Liên Xô, giá dầu giảm và tác động của các lệnh trừng phạt đang siết chặt khả năng duy trì xung đột của Moscow.

Kinh tế Nga đang chậm lại như thế nào?

Nền kinh tế tập trung cho xung đột của Nga đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các lệnh trừng phạt quốc tế và cả những khó khăn nội tại như lạm phát, giá thực phẩm và chi phí sản xuất tăng cao. Chính Tổng thống Putin cũng phải thừa nhận tình hình là “đáng lo ngại”.

Ngân hàng Trung ương Nga đang giữ lãi suất ở mức cao (21%) để kiểm soát lạm phát, hiện ở mức 10,2%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP đang suy giảm nhanh chóng - từ 4,5% trong quý IV/2024 xuống chỉ còn 1,4% trong quý I/2025. Một số chuyên gia kinh tế lo ngại Nga có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật trong nửa đầu năm nay.

Tăng trưởng hiện tại của nền kinh tế Nga chủ yếu đến từ ngành công nghiệp quốc phòng, nhờ vào chi tiêu nhà nước. Tuy nhiên, các chỉ số về vay mượn, nhập khẩu, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng đều đang sụt giảm, báo hiệu đà giảm tốc sẽ còn tiếp diễn.

Bộ Kinh tế Nga cũng thừa nhận tăng trưởng năm nay sẽ giảm xuống còn 2,5%, so với mức 4,3% của năm trước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt mới

Một yếu tố đặc biệt đáng lo ngại với Nga là sự sụt giảm giá dầu - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này - cùng với các biện pháp trừng phạt siết chặt hơn từ phương Tây đối với "đội tàu bóng tối" chuyên lén lút vận chuyển dầu để né trừng phạt.

Giá dầu thô Urals (chuẩn giá dầu của Nga) đã giảm xuống dưới 60 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Bộ Tài chính Nga đã hạ dự báo thu từ dầu khí năm nay xuống thấp hơn 24% so với ước tính ban đầu, đồng thời nâng mức thâm hụt ngân sách năm 2025 từ 0,5% lên 1,7% GDP.

Chuyên gia Watling cảnh báo rằng nguồn thu sụt giảm sẽ khiến Nga khó duy trì chi phí quốc phòng và các khoản thưởng lớn cho lính tình nguyện. Nếu Ukraine tiếp tục chiến dịch tấn công vào các cơ sở hậu cần sâu trong lãnh thổ Nga, còn phương Tây giữ vững các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga có thể kiệt quệ.

Khi nào Nga có thể chịu ngồi vào bàn đàm phán thực sự?

Nếu trong thời gian tới, Ukraine ngăn Nga tiến đến biên giới Donetsk và các biện pháp trừng phạt phương Tây được duy trì ở cường độ cao, Moscow sẽ đứng trước những lựa chọn khó khăn về việc tiếp tục cuộc xung đột.

Jack Watling cho rằng khi Nga không còn đủ nguồn lực để giữ thế chủ động, họ có thể từ bỏ các cuộc đàm phán mang tính phô diễn để bước vào thương lượng thực sự.

Tuy nhiên, quá trình này sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến chiến sự mùa hè năm nay và liệu phương Tây có thể duy trì sự hỗ trợ toàn diện cho Ukraine trong trung và dài hạn hay không.

Kì Lân (Theo CNBC)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kinh-te-nga-dang-ra-sao-ma-den-tong-thong-putin-cung-thua-nhan-la-dang-lo-ngai-204252205145202364.htm
Zalo