Tiếp tục 'giải mã' những bí ẩn về hai pho tượng 'toàn thân xá lợi' ở chùa Đậu

Nhằm tôn vinh và làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo đặc sắc của chùa Đậu – một trong những trung tâm Phật giáo tiêu biểu ở vùng châu thổ Bắc Bộ, sáng ngày 19-4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với chùa Đậu (Thành Đạo tự) tổ chức Hội thảo khoa học 'Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc'.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN cho biết, trải qua các giai đoạn lịch sử từ Trần, Lê, Mạc và đặc biệt là Lê Trung Hưng, chùa Đậu đã trở thành ngôi chùa gắn liền với hoàng tộc nhà Lê, với phủ chúa Trịnh ở kinh sư Thăng Long. Không chỉ sở hữu kiến trúc, nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt, chùa còn là nơi tu tập của hai thiền sư họ Vũ là Khắc Minh (Đạo Chân), Khắc Trường (Đạo Tâm).

Sau khi hai thiền sư họ Vũ viên tịch, các ngài đã để lại “nhục thân” hay còn gọi là “toàn thân xá lợi” – một dấu ấn đặc biệt quan trọng trong quá trình tu hành, chứng đạo. Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về chùa Đậu: lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, về nhị vị thiền sư họ Vũ: thân thế, hành trạng, thời đại, lối tu tập, kỹ thuật bảo quản nhục thân… Trong đó, phải đề cập đến những nhà nghiên cứu tiên phong như: PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Họa sĩ Đào Ngọc Hân và các chuyên gia ở Viện Khảo cổ học, Bộ Tư lệnh Lăng…

Tam quan cũ của chùa Đậu

Tam quan cũ của chùa Đậu

Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề kỹ thuật xác định cấu trúc và kỹ thuật bảo quản nhục thân, mà chưa có nhiều những chuyên khảo đề cập đến hành trạng, phương pháp – pháp môn tu tập của hai thiền sư họ Vũ.

Hội thảo khoa học “Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc” với mục đích làm sáng tỏ thêm về mặt khoa học các vấn đề như: Tổng quan về di tích chùa Đậu; Các nguồn tài liệu trong và ngoài nước về hiện tượng để lại nhục thân của các cao tăng Phật giáo; Thời đại, quê hương và hành trạng của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường và Di sản văn hóa chùa Đậu trong bối cảnh đương đại.

Pho tượng 2 thiền sư và những bí ẩn chưa có lời giải

Còn có tên gọi là Thành Đạo tự, Pháp Vũ tự, chùa Đậu nay thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Theo một số tài liệu, chùa Đậu được khởi dựng từ thế kỷ III, thờ một trong Tứ pháp là Pháp Vũ hay còn gọi là Bà Đậu. Do đó, tên gọi "Chùa Đậu" cũng xuất phát từ đây.

Tam quan chùa Đậu thời điểm hiện tại (ảnh: Ngô Vương Anh)

Tam quan chùa Đậu thời điểm hiện tại (ảnh: Ngô Vương Anh)

Không chỉ linh thiêng và nổi tiếng vì sự hòa quyện giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa, ngôi chùa còn lưu giữ là hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư tu hành tại chùa từ thế kỷ thứ XVII là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Trải qua mấy trăm năm cùng sự khắc nghiệt của thời tiết, chiến tranh, pho tượng của hai thiền sư cho đến thời điểm hiện tại vẫn tương đối nguyên vẹn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quý và Tiến sĩ Ngô Quốc Đông -Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hiện nay, ở Việt Nam phát hiện được 4 nhục thân của các tu sĩ Phật giáo đó là: Thiền sư Chuyết Chuyết hiện thờ ở chùa Phật Tích; Thiền sư Như Trí thờ ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh); Thiền sư Đạo Chân (thế danh Vũ Khắc Minh) và Thiền sư Đạo Tâm (thế danh Vũ Khắc Trường) thờ ở chùa Đậu (Hà Nội). Nhục thân của các vị thiền sư ngồi trong tư thế tọa thiền, hình hài nguyên vẹn, gọi là xá lợi toàn thân. Theo cách gọi của PGS. TS. Nguyễn Lân Cường thì là “thiền táng”. Nhục thân của 2 thiền sư chùa Đậu được phát hiện tình cờ trong một lần kiểm kê và tu bổ chùa Đậu.

Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu (Ảnh: Ngô Vương Anh)

Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu (Ảnh: Ngô Vương Anh)

Pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh cao 59cm, nặng 7kg, tư thế tạo hình hoàn toàn tự nhiên: hai tay chắp trước bụng, hai chân bắt chéo nhau theo tư thế kiết già, người hơi cúi về phía trước.

Pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh cao 59cm, nặng 7kg, tư thế tạo hình hoàn toàn tự nhiên: hai tay chắp trước bụng, hai chân bắt chéo nhau theo tư thế kiết già, người hơi cúi về phía trước.

Theo truyền tích, khi biết mình sắp viên tịch, Thiền sư Đạo Chân mang theo một chum nước, một chum dầu thắp sáng vào trong am nhỏ. Sau đó, ông vào am căn dặn đệ tử sao 100 ngày, nếu không nghe tiếng tụng kinh nữa thì mới được mở am. Khi mở am, nếu thấy thân thể còn nguyên vẹn thì lấy sơn bả lên, còn thân thể có mùi thì dùng đất lấp am.

Sau 100 ngày, môn đồ và người dân mở am, thân thể Thiền sư Đạo Chân còn nguyên vẹn, lại có mùi thơm, các đệ tử đã làm theo lời căn dặn của thầy, bả sơn thành tượng để thờ phụng. Sau đó ít lâu, Thiền sư Đạo Tâm cũng gương theo Thiền sư Đạo Chân.

Thiền sư Vũ Khắc Minh pháp danh là Đạo Chân, không rõ năm sinh, viên tịch khoảng năm 1638, thọ khoảng 59 - 60 tuổi. Thiền sư Đạo Chân đã trụ trì tại chùa Đậu nhiều năm. Pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh cao 59cm, nặng 7kg, tư thế tạo hình hoàn toàn tự nhiên: hai tay chắp trước bụng, hai chân bắt chéo nhau theo tư thế kiết già, người hơi cúi về phía trước. Đặc biệt là vẻ mặt sinh động an nhiên, siêu thoát, phảng phất một nụ cười viên mãn.

Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường

Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường

Tiến sĩ Ngô Vương Anh kể, ngày 23.3.1983, pho tượng này được đưa về Viện Khảo cổ học và đã tiến hành nghiên cứu bằng phương pháp X quang. Nhóm các nhà nghiên cứu khi đó, đứng đầu là Nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường đã công bố kết quả nghiên cứu pho tượng này với nhiều điều đáng ngạc nhiên: "Hộp sọ còn nguyên chứng tỏ người ta không lấy não ra trước khi bồi. 8 xương cổ tay, 7 xương cổ chân khớp với nhau rất đúng vị trí về giải phẫu, các xương chi không có cốt ở bên trong, không có hiện tượng xương gắn với nhau bằng chất keo. Kết luận rằng người ta phủ chất bồi lên nhà sư sau khi chết. Không có hiện tượng sắp xếp lại xương”.

Am nơi thiền sư Vũ Khắc Minh nhập định đã được trùng tu, phục chế (Ảnh: Ngô Vương Anh)

Am nơi thiền sư Vũ Khắc Minh nhập định đã được trùng tu, phục chế (Ảnh: Ngô Vương Anh)

Thời điểm đó, bức tượng đã mang đến cho các nhà nghiên cứu sự kinh ngạc lẫn thán phục vì, các phương pháp ướp xác đều phải qua các thao tác giải phẫu. Quá trình ướp xác thường được thực hiện trong nhiều ngày thực chất nhằm loại bỏ các loại vi khuẩn có thể hủy hoại xác ướp...Trong khi đó, pho tượng tạo từ di hài thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường hoàn toàn không theo những cách thức như vậy. Cho đến nay vẫn chưa tìm được tài liệu nào nói về phương pháp tu hành cũng như phương pháp tạo tượng của vị thiền sư. Tất cả vẫn nằm trong bí ẩn.

Hệ thống di vật quý giá

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim và Lê Hoài Nam (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho biết, hiện hệ thống di vật còn được tìm thấy tại chùa Đậu có sự đan xen về mặt niên đại. Những đặc điểm trong kiến trúc, điêu khắc lưu dấu tại chùa có thể khẳng định, ngôi chùa đã xuất hiện vào thời Trần. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục kiến trúc và các tượng thờ thời Mạc thế kỷ XVI, thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII-XVIII và thời Nguyễn thế kỷ XIX-XX.

Những mảng chạm trên bộ mái của chùa Đậu (ảnh: Ngô Vương Anh)

Những mảng chạm trên bộ mái của chùa Đậu (ảnh: Ngô Vương Anh)

Với triều nhà Trần, di vật còn được lưu giữ là đôi tượng rồng bằng ở đá lối lên Tiền đường, tạo hình đầu có mào, thân mập, nhịp doãng được nhiều nhà nghiên cứu cho là có sự tương đồng với đôi rồng thành bậc của chùa Phổ Minh (Nam Định).

Dưới thời Mạc còn có hệ thống văn bia gồm "Pháp Vũ tự bi" có niên đại năm 1569 cùng những họa tiết linh vật rồng, phượng, ngựa có cánh khắc trên các viên gạch có nhiều đặc trưng của niên đại này. Ngoài ra, quả chuông khắc 4 chữ “Pháp Vũ điện chung” ghi niên đại “Cảnh Thịnh cửu niên” tức năm 1801 hiện còn lưu lại tại chùa.

Tượng rồng bằng ở đá lối lên Tiền đường chùa Đậu (Ảnh: Ngô Vương Anh)

Tượng rồng bằng ở đá lối lên Tiền đường chùa Đậu (Ảnh: Ngô Vương Anh)

Bởi vậy, có thể khẳng định giá trị về mặt lịch sử lâu đời của chùa Đậu thông qua hệ thống di vật, kiến trúc còn được lưu giữ.

Hiện nay, dựa vào hệ thống văn bia tại chùa Đậu, có thể biết được chùa đã được trùng tu vào thời Trần (1226-1400), thời Mạc (1527-1533), thời Lê Trung Hưng (1533-1788) và vào cuối những năm 30 - đầu những năm 40 của thế kỷ XX.

Hình hoa và linh thú được tạo tác ở chùa Đậu

Hình hoa và linh thú được tạo tác ở chùa Đậu

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (tháng 10 năm 1947), chùa bị tàn phá nặng nề. Đến năm 1988, gác chuông được tu sửa. Năm 1996, tu sửa tiền đường và nhà tổ và năm 2000 tu sửa hai dãy hành lang. Năm 2004, chùa tu sửa hai am thờ thiền sư Đạo Chân Vũ Khắc Minh và thiền sư Đạo Tâm Vũ Khắc Trường. Đến năm 2010 trùng tu tòa thượng điện như cũ, xây lầu Quan âm, dựng tượng hệ thống tượng trong vườn chùa.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh-Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành,Viện Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, trải qua các triều đại cho đến ngày nay, ngôi chùa còn lưu giữ được một hệ thống di vật quý giá về chất liệu, tạo hình, đẹp về hình thức thể hiển, góp phần phản ánh về những giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật của các triều đại, mà ngôi chùa là một trong những chứng tích đã dung chứa được.

Dưới góc độ mỹ thuật, từ những di vật lưu giữ tại chùa qua nghiên cứu so sánh với các di vật đồng đại tại các di tích khác, Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh đã đề cập đến đặc điểm mỹ thuật cơ bản của ngôi chùa Đậu, bao gồm cấu trúc mặt bằng, kết cấu bộ vì, đề tài, cách thể hiện cùng kỹ thuật chạm khắc, trang trí dưới các thời Trần (thế kỷ 13-14), thời Mạc (thế kỷ 16), thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17-18), thời Tây Sơn (đầu thế kỷ 19), thời Nguyễn (thế kỷ 19-20) và thời hiện tại.

"Những nét phác họa về mỹ thuật trên mới dừng lại ở mức độ sơ khai, cơ bản, thậm chí vẫn còn có những nhận thức chưa thực sự đầy đủ, rất cần đầu tư nghiên cứu tiếp, để có được những nhận định đánh giá chuyên sâu về mỹ thuật hơn nữa, nhằm góp phần làm nổi bật những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học mà ngôi chùa Đậu hàm chứa"- Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh nhấn mạnh.

An Khê

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiep-tuc-giai-ma-nhung-bi-an-ve-hai-pho-tuong-toan-than-xa-loi-o-chua-dau-post609486.antd
Zalo