Đông đảo cựu chiến binh, thế hệ trẻ tìm về các địa chỉ đỏ tại TP.HCM
Về thăm những địa chỉ đỏ tại TP.HCM, các thế hệ đi trước bồi hồi nhiều cảm xúc đặc biệt, còn thế hệ trẻ bày tỏ lòng biết ơn công lao của cha anh.
Những ngày gần tới 30/4, nhiều “địa chỉ đỏ” tại TP.HCM càng tấp nập người dân tới tham quan, tìm hiểu lịch sử. Những cựu chiến binh, thế hệ đi trước cách đây 50 năm cũng như các bạn trẻ của TP hôm nay đều bày tỏ xúc động, tự hào với những giá trị để lại.

Dinh Độc Lập thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chụp hình (Ảnh: Duy Phương)
Nhiều cảm xúc của thế hệ đi trước
Hai vợ chồng cựu chiến binh Ngô Đức Quỳnh (ngụ quận Phú Nhuận) đến Dinh Độc Lập từ sáng để chụp hình, lưu giữ kỷ niệm nhân dịp 50 năm ngày đất nước thống nhất. Ông Quỳnh từng là sỹ quan thông tin thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM, phối hợp với quân chủ lực làm nên chiến thắng lịch sử và tiếp quản TP. Sau khi trở về miền Bắc, ông Quỳnh lập gia đình, cách đây 5 năm mới chuyển hẳn vào Nam sinh sống.

Vợ chồng cựu chiến binh Ngô Đức Quỳnh - Lương Thị Ơn chụp hình kỷ niệm (Ảnh: Duy Phương)
Bà Lương Thị Ơn (vợ ông Quỳnh) xúc động nói, kể từ ngày vào TP.HCM, năm nào dịp 30/4 là cả 2 vợ chồng đều đến Dinh Độc lập. Thời điểm năm 1971, do chiến tranh nên bà Ơn phải sơ tán, đến năm 1972 mới trở lại trường. Cảm xúc nhất đối với bà Ơn là thời điểm tốt nghiệp THPT năm 1975, nhiều người trong số bạn bè của bà tuy chưa học hết nhưng đã lên đường chi viện cho miền Nam.
Đối với bà Ơn, TP.HCM gắn liền với bà từ những trang sách, những cuốn tiểu thuyết. Ngày hôm nay, khi thăm Dinh Độc lập, bà Ơn lại xúc động, tự hào và biết ơn thế hệ đi trước đã hi sinh xương máu để có thành tựu như bây giờ.
"Những ngày này tôi rất rạo rực, xúc động, ngày nào cũng muốn chứng kiến không khí rộn ràng của 50 năm về trước, chứng kiến khí thế hào hùng của dân tộc mà cha ông mình đã giành được", bà Ơn chia sẻ.
Lòng biết ơn của thế hệ trẻ
Ông Phạm Đức Nhân (quê Thái Bình) lần này quay trở lại chiến trường xưa cách đây 50 năm từng một thời chiến đấu ác liệt. Ông Nhân chăm chú đọc thông tin trên bảng giới thiệu về các loại khí tài quân sự tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Vừa đọc ông Nhân vừa bồi hồi nhớ lại, thời điểm tiến vào Sài Gòn, ông tham gia trong một đơn vị chủ lực của Sư đoàn 320 đánh từ Quảng Trị vào.

Cựu chiến binh Phạm Đức Nhân thăm lại chiến trường xưa (Ảnh: Duy Phương)
Lần trở lại TP.HCM dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất, ông Nhân có rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Thời điểm đó, đơn vị của ông Nhân hầu hết là những thanh niên đôi mươi, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ, không màng đến nguy hiểm.
Chiến trường xưa giờ đây đã thay đổi, phát triển vượt bậc, khang trang hiện đại. Những cựu chiến binh như ông Nhân cảm thấy thật sự tự hào.
"Rất vinh dự, sự thay đổi khiến mình hạnh phúc, cuộc sống đàng hoàng hơn trước nhiều, đúng là đang vươn mình. Tôi là người đi trước, cũng mong mỏi lớp sau này cố gắng theo gót cha ông, giữ đất nước hòa bình, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", ông Nhân bày tỏ.
Còn tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, anh Trần Thái Hà (phụ trách quản lý) cho hay, những ngày này có rất nhiều đoàn cô chú cựu chiến binh đến tham quan, tìm hiểu thêm về lực lượng đặc biệt này. Anh Hà kể, khi tìm hiểu về biệt động Sài Gòn, nhiều người rất xúc động, rơi nước mắt khi nhìn ngắm những hiện vật gợi lên ký ức hào hùng.

Sinh viên Nguyễn Quang Minh tìm hiểu về lực lượng biệt động Sài Gòn (Ảnh: Duy Phương)
Sinh viên Nguyễn Quang Minh (Trường Đại học Văn hóa TP.HCM) cho biết, mình tới Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ngoài việc tìm hiểu về lịch sử thì còn để tận mắt nhìn thấy và hiểu sâu sắc hơn về những kiến thức đã được học trên trường lớp.
"Là thế hệ trẻ, em cảm thấy rất biết ơn. Các cô chú đã hy sinh tuổi trẻ của mình, để cho tuổi trẻ chúng em có cơ hội lớn lên trong hòa bình, được chứng kiến ngày lễ lớn của dân tộc", em Minh cho biết.