Rực rỡ sắc áo dài, giới trẻ nô nức 'check-in' Lăng Bác, hướng về Đại lễ 30/04
Trước thềm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, Thủ đô Hà Nội những ngày này trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khu vực Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bạn trẻ nô nức diện lên mình những tà áo dài duyên dáng, ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa, thể hiện lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Áo dài - “Cầu nối văn hóa” giữa hiện tại và quá khứ
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, hình ảnh những cô gái, chàng trai thanh lịch trong tà áo dài truyền thống không còn xa lạ tại Lăng Bác. Mỗi tà áo mang một màu sắc, một họa tiết riêng, nhưng tựu chung đều toát lên vẻ đẹp dịu dàng, thanh thoát và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc. Đây không chỉ là trào lưu "check-in" đơn thuần, mà còn là một cách để thế hệ trẻ bày tỏ sự kính trọng đối với công lao của cha ông, những người đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Bạn trẻ thể hiện niềm tự hào dân tộc trước thềm Đại lễ 30/4.
Trịnh Thị Huế, hiện đang công tác tại phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chia sẻ: "Mình lựa chọn mặc áo dài vào những ngày này vì áo dài gợi nhớ sâu sắc về công lao của thế hệ cha ông đã kiên cường giữ vững nền độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước. Đối với mình, việc mặc áo dài, đội nón lá và chụp ảnh tại Lăng Bác hay các di tích lịch sử là một cách để những người trẻ như mình kết nối với lịch sử một cách gần gũi và tự nhiên nhất”.

Huế thướt tha trong tà áo dài, hướng tới Đại lễ 30/4.
Huế cũng bày tỏ dự định trong dịp Đại lễ năm nay: "Mình dự định sẽ đến thăm các địa chỉ đỏ, những di tích lịch sử ghi dấu những năm tháng kháng chiến hào hùng. Đặc biệt, mình rất muốn đến Lăng Bác vào sáng sớm ngày 30/4 để xem buổi lễ thượng cờ trang nghiêm và đầy tự hào, một giây phút mà mình tin rằng sẽ chạm đến trái tim của bất kỳ người con đất Việt nào”.
Cùng trong cảm xúc tự hào hướng về ngày 30/04, Hà Thị Hương, hiện đang là sinh viên năm hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng lựa chọn áo dài như một cách thể hiện tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong dịp Đại lễ. Hương nói: “Với mình, tà áo dài không chỉ là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà còn chứa đựng cả hồn cốt của dân tộc”.

Hương luôn biết ơn công lao to lớn của thế hệ cha ông đi trước.
Hương cho biết: “Mình muốn thông qua trang phục này để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha ông đã hy sinh biết bao xương máu để chúng mình có được nền hòa bình, độc lập như ngày hôm nay. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng mình cần phải nỗ lực học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Hương cũng chia sẻ về kế hoạch của mình trong dịp lễ: "Mình dự định sẽ đến Quảng trường Ba Đình để xem lễ thượng cờ, hòa chung vào không khí sôi nổi và trang trọng của Đại lễ. Bên cạnh đó, mình cũng muốn đến thăm các địa điểm di tích lịch sử như K9 Đá Chông hay các bảo tàng để có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử đất nước và dân tộc mình”.
Lan tỏa niềm tự hào và khơi gợi tình yêu nước
Không chỉ dừng lại ở việc diện áo dài chụp ảnh, hành động của giới trẻ còn cho thấy một sự trân trọng và ý thức sâu sắc về giá trị lịch sử. Việc tìm đến Lăng Bác trong những ngày lễ trọng đại như thế này, thể hiện một sự kết nối mạnh mẽ giữa thế hệ trẻ với quá khứ hào hùng của đất nước. Các bạn trẻ không chỉ đơn thuần ghi lại những bức ảnh đẹp mà còn đang tự mình trải nghiệm, cảm nhận và lan tỏa niềm tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Nguyễn Kim Chi, sinh viên lớp Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Hạ Long, chia sẻ: "Mình chọn áo dài để tôn lên vẻ đẹp truyền thống và bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về dân tộc Việt Nam. Mình vô cùng tự hào về những chiến thắng lịch sử mà cha ông ta đã giành được để mang lại độc lập, tự do cho đất nước. Trong dịp lễ này, mình dự định sẽ xem phim “Địa đạo” để hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của cha ông ta trong những năm tháng kháng chiến”.

Kim Chi dự định tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu lịch sử nước nhà trước thềm Đại lễ 30/04.
Hành động của những bạn trẻ như Huế, Hương và Chi không còn là những lựa chọn cá nhân đơn lẻ mà đang trở thành làn sóng tích cực lan tỏa trong cộng đồng người trẻ. Việc khoác lên mình tà áo dài, trở về những địa điểm lịch sử là cách các bạn bày tỏ tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và sự trân trọng với những giá trị truyền thống. Đó không chỉ là lời tri ân quá khứ mà còn là hành động thiết thực để vun đắp bản sắc, khơi dậy tinh thần dân tộc và truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau.
Khi những ngày tháng Tư lịch sử đang đến gần, hình ảnh những tà áo dài rực rỡ tại Lăng Bác càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đó không chỉ là vẻ đẹp của trang phục truyền thống mà còn là vẻ đẹp của tâm hồn, của lòng yêu nước nồng nàn đang cháy trong tim mỗi người trẻ Việt Nam. Các bạn trẻ, thế hệ tương lai của đất nước đang viết tiếp những trang sử mới bằng sự hiểu biết, lòng tự hào và trách nhiệm của mình đối với tương lai của đất nước, xứng đáng với những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông.