Tiền Giang: Hướng tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025
Nhiều trường đại học đã công bố phương thức xét tuyển năm 2025 với nhiều điểm mới, mở ra cơ hội cho thí sinh trên cả nước. Sau Tết Nguyên đán 2025, cùng với cả nước, tại tỉnh Tiền Giang, các trường THPT đã nhanh chóng trở lại nhịp độ giảng dạy và học tập.
Đây được xem là thời điểm quan trọng khi các trường THPT bắt đầu triển khai kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2025 sắp tới.
NHIỀU THAY ĐỔI LỚN
Sau Tết Nguyên đán 2025, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố thông tin cơ bản về định hướng tuyển sinh năm 2025. Về cơ bản, các cơ sở giáo dục đại học vẫn duy trì áp dụng nhiều phương thức xét tuyển như năm 2024.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có những thay đổi trong phương thức tuyển sinh năm nay để đáp ứng những yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.
Trong nhiều mùa tuyển sinh vừa qua, xét học bạ THPT là phương thức tuyển sinh được nhiều thí sinh chọn lựa vì tỷ lệ trúng tuyển cao, nhanh chóng. Tuy nhiên, dư luận cũng không ít băn khoăn với phương thức xét tuyển này. Một trong những điểm chú ý của mùa tuyển sinh năm nay là một số trường đại học đã bỏ hoặc giảm chỉ tiêu xét học bạ THPT hoặc nếu xét tuyển học bạ sẽ kết hợp với tiêu chí khác.
Bên cạnh đó, không ít trường đại học chỉ sử dụng điểm của 4 - 6 học kỳ thay vì sử dụng điểm học bạ của 3 khối lớp THPT như trước đây. Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh sẽ bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT trong năm 2025.
Trường đại học này dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển, bao gồm xét tuyển thẳng (10%), ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10% - 20%), xét tuyển dựa trên Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40% - 50%), xét tuyển dựa trên Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (còn lại).
![Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) trong giờ học.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_454_51474541/95c2e226d06839366079.jpg)
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) trong giờ học.
Trước sự thay đổi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, khi thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng với 2 môn tự chọn trong số 9 môn, nhiều trường đại học đã bổ sung các tổ hợp xét tuyển mới.
Theo đó, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) dự kiến sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển gồm: D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh); A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); tổ hợp Toán, Tiếng Anh, Tin học; tổ hợp Toán, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Nhà trường dự kiến bỏ 2 tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và D07 (Toán, Tiếng Anh, Hóa học) thay bằng 2 tổ hợp mới gồm: Toán, Tiếng Anh, Tin học và Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và Pháp luật.
Một trong nhiều phương thức tuyển sinh gây chú ý là các kỳ kiểm tra đánh giá năng lực từ các trường đại học. Trong đó, đáng chú ý là Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Trong năm 2025, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực, với 2 đợt thi dự kiến vào ngày 30-3 và ngày 1-6 tại 25 tỉnh/thành phố, tương tự năm 2024.
Tuy nhiên, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh từ năm 2025 vẫn gồm 3 phần, nhưng có điều chỉnh so với bài thi hiện tại, tập trung chủ yếu vào phần giải quyết vấn đề nhằm phù hợp với Chương trình GDPT mới.
Bên cạnh các trường đại học lớn, các trường đại học địa phương cũng đã công bố thông tin xét tuyển đại học năm 2025. Trong năm 2025, Trường Đại học Tiền Giang dự kiến tiếp tục duy trì 4 phương thức xét tuyển vào trường gồm: Xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển điểm học bạ THPT; xét tuyển thẳng và xét tuyển điểm Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Trong mùa tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Tiền Giang sẽ tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tuyển sinh của nhà trường cần nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh khi cần tìm kiếm và tiếp cận với nguồn thông tin.
Những thay đổi trong phương thức và định hướng tuyển sinh của các trường đại học năm 2025 phản ánh xu hướng nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Thí sinh cần cập nhật thông tin tuyển sinh từ các trường để có sự chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2025 sắp tới.
CHỦ ĐỘNG VỪA HỌC VỪA ÔN
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, không khí dạy và học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhanh chóng trở lại ổn định, đặc biệt là đối với học sinh khối lớp 12.
Đây là thời điểm quan trọng khi các trường THPT không chỉ tập trung vào chương trình chính khóa, mà còn đẩy mạnh kế hoạch ôn tập để giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Với sự đa dạng trong phương thức xét tuyển đại học, việc ôn tập không chỉ dừng lại ở củng cố kiến thức, mà còn hướng đến rèn luyện kỹ năng làm bài, thích nghi với nhiều dạng đề khác nhau. Mỗi trường THPT đều có chiến lược riêng trong dạy và học, cũng như ôn tập nhằm giúp học sinh đạt kết quả cao nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 quan trọng này.
Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho), nhà trường chủ động việc vừa dạy chương trình vừa thực hiện công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 được triển khai một cách bài bản ngay từ sau Tết Nguyên đán 2025.
Thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước những thay đổi của việc dạy thêm, học thêm, được sự đồng thuận của Hội đồng Sư phạm nhà trường, các thầy, cô ở mỗi môn học sẽ dạy tăng cường 2 tiết hoàn toàn miễn phí, để các em có thể chủ động ôn thi. Để công tác ôn tập hiệu quả, ở từng bộ môn đã thành lập ngân hàng các câu hỏi nhằm tạo điều kiện cho học sinh có thể chủ động ôn tập.
Cùng với Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, các trường THPT khác chủ động trong việc vừa giảng dạy vừa ôn tập cho học sinh lớp 12 với phương châm “học đến đâu, chắc đến đó”.
Đối với Trường THPT Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo), bên cạnh dạy và học theo chương trình, nhà trường thường xuyên quan tâm, chăm lo đối với học sinh có học lực yếu kém, với quyết tâm không để bất cứ học sinh lớp 12 nào phải bị bỏ lại phía sau.
Theo kinh nghiệm của nhà trường, với học sinh có học lực yếu kém, giáo viên không thể đòi hỏi cao ở các em học sinh này, chủ yếu là giúp các em lấy lại những kiến thức căn bản.
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên của trường thường xuyên động viên học sinh có học lực khá, giỏi hỗ trợ các bạn có học lực yếu kém hơn, qua đó vừa củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn tiến bộ. Nhờ vậy, nhiều học sinh đã có kế hoạch ôn tập phù hợp với nguyện vọng xét tuyển đại học của mình.
Nhìn chung, với sự chủ động của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, học sinh lớp 12 đang có những bước chuẩn bị vững chắc cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Việc kết hợp giữa dạy học chính khóa và ôn tập một cách khoa học, hợp lý không chỉ giúp học sinh đạt kết quả tốt, mà còn giảm áp lực trong giai đoạn ôn thi cao điểm. Với sự đồng hành tận tình của các thầy cô giáo, tin rằng các em học sinh lớp 12 sẽ vững vàng vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 quan trọng sắp tới, mở ra cánh cửa vào giảng đường đại học.