Tiềm năng từ dòng sông di sản
Dòng Ngự Hà - con sông chia đôi Kinh thành Huế thành hai phần Nam - Bắc, đang dần thay đổi diện mạo. Dòng sông sạch hơn, trong hơn, với những hàng cây soi bóng xuống mặt nước biếc xanh.

Hệ thống thủy đạo kinh thành Huế là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt gắn với không gian cung đình xưa
Mới đây, UBND quận Phú Xuân tổ chức lễ phát động phong trào “Chung tay vì một dòng Ngự Hà trong xanh, sạch đẹp”. Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàng Tân Ninh kêu gọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân, đặc biệt là những hộ sống hai bên bờ sông Ngự Hà, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần đưa dòng sông trở thành một điểm nhấn đặc sắc về cảnh quan và từng bước hình thành sản phẩm tham quan du lịch đặc trưng cho quận Phú Xuân và cho Huế. Đây không chỉ là trách nhiệm với thiên nhiên mà còn là cách làm sống lại một dòng sông mang giá trị lịch sử, văn hóa.
Sau lễ phát động, hơn 1.000 lượt cán bộ, đoàn viên và người dân đã ra quân tổng dọn vệ sinh, lập lại trật tự đô thị tại các tuyến đường ven sông. Đồng thời, đội hình thanh niên tình nguyện “Ngự Hà Xanh” chính thức ra mắt, thể hiện sự chung tay của tuổi trẻ trong việc bảo vệ di sản quê hương.
Việc hồi sinh dòng Ngự Hà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái trên hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế. Tại diễn đàn “Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại Huế” dịp cuối năm 2024, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho rằng, “nếu biết cách khai thác hợp lý, hệ thống thủy đạo này có thể trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, vừa gìn giữ di sản vừa phát triển kinh tế bền vững”.
Theo ông Hoàng Việt Trung, dòng Ngự Hà hoàn toàn có thể được phát triển thành một tuyến du lịch đường thủy, nơi du khách được ngồi thuyền xuôi dòng khám phá những di tích lịch sử dọc hai bên bờ. Cùng với đó, dịch vụ ẩm thực trên sông với các nhà hàng nổi, thuyền phục vụ món ăn cung đình có thể tạo thêm sức hút đặc biệt. Du khách không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp của dòng sông mà còn có cơ hội trải nghiệm không gian văn hóa Huế theo cách riêng.
Không dừng lại, hệ thống thủy đạo còn có thể trở thành sân khấu cho những màn trình diễn nghệ thuật tái hiện không gian cung đình xưa, kết hợp công nghệ ánh sáng, âm thanh để mang đến những trải nghiệm sống động. Một điều quan trọng khác là khi dòng sông trở thành điểm đến du lịch, chính những cư dân sống ven sông sẽ trở thành những “người gác sông” tự nguyện. Khi đó, không còn cảnh rác thải vô tư trôi nổi hay nước sông bị ô nhiễm. Mỗi người đều hiểu rằng, một dòng sông sạch là nguồn lợi kinh tế, là niềm tự hào của cả cộng đồng.
Hy vọng một ngày không xa, du khách sẽ có thể ngồi trên những con thuyền nhỏ, lướt chầm chậm trên dòng Ngự Hà, chiêm ngưỡng những dấu tích lịch sử và đóng góp vào sự hồi sinh của một di sản quý giá. Khi những con đường, dòng sông được gìn giữ xanh sạch, khi người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, đó chính là bước đệm vững chắc để phát triển du lịch bền vững cho Huế.