Từ cậu bé ở Tân Caledonia đến người lính mang sách đi dọc đất nước

Suốt những năm tháng tuổi thơ ở Caledonia cho đến khi bước vào những cuộc chiến khốc liệt, sách luôn là một người bạn đồng hành của ông Đinh Quang Thìn.

 Đại tá Đinh Quang Thìn - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 - bên cạnh tủ sách của gia đình. Ảnh: Đức Huy.

Đại tá Đinh Quang Thìn - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 - bên cạnh tủ sách của gia đình. Ảnh: Đức Huy.

Trong căn phòng sinh hoạt chung của gia đình, Đại tá Đinh Quang Thìn lặng lẽ lật từng tấm ảnh mà ông đã cất giữ bấy lâu. Từ bức hình gia đình chụp tại đảo Tân Caledonia (New Caledonia) năm 1957, tới bức ảnh chụp cùng đồng đội trong chuyến hành quân, mỗi khung hình đều đánh dấu một cột mốc trong cuộc đời của ông.

Hơn hết, trong suốt hành trình dài hơn nửa thập kỷ, ông có một “người bạn” trung thành. Đó là những cuốn sách.

Hành trang của một người lính

Theo tác giả Yann Bencivengo trong tác phẩm Lao động di cư trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, Tân Caledonie là một quần đảo nằm ở nam Thái Bình Dương, bị Pháp chiếm làm thuộc địa năm 1853, sau đó trở thành lãnh thổ hải ngoại của Pháp khi Thế chiến thứ hai chấm dứt.

Trước khi việc khai thác được cơ giới hóa vào cuối những năm 1940, hoạt động này phải nhờ đến một lượng lớn lao động nhập cư dưới dạng hợp đồng, trong đó có hàng nghìn người Việt Nam.

 Bức ảnh gia đình ông Đinh Quang Thìn (hàng thứ ba, đứng thứ hai từ trái qua) chụp tại đảo Tân Caledonia. Nguồn: NVCC.

Bức ảnh gia đình ông Đinh Quang Thìn (hàng thứ ba, đứng thứ hai từ trái qua) chụp tại đảo Tân Caledonia. Nguồn: NVCC.

Hai vị thân sinh của ông Đinh Quang Thìn cũng theo dòng người di cư này đến vùng đát Tân Đảo. Dù cuộc sống của hai ông bà chỉ quanh quẩn trong những mỏ khai thác khoáng sản nhưng trái tim của họ luôn có một tình yêu lớn dành cho tri thức. Vì vậy, từ rất sớm, cha của cậu bé Đinh Quang Thìn ngày đó đã đi xin sách về cho con cái đọc.

Năm 1961, khi ông Đinh Quang Thìn tròn 8 tuổi, gia đình trở về Việt Nam theo tiếng gọi của Tổ quốc. Họ xuôi theo dòng người đi đến vùng đất Thái Nguyên và làm công việc của một người thợ mỏ. Tại đây, ông Thìn lần đầu được học tiếng Việt. Tình yêu sách của ông vẫn được duy trì bởi sự quan tâm từ người cha. Khi trưởng thành, ông đã thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Tuy nhiên, thay vì trở thành một nhà giáo, ông Thìn quyết định lên đường nhập ngũ. Bên cạnh những vật dụng cần thiết, hành trang của ông còn là hai cuốn sách Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Ostrovsky), Lý tưởng, ước mơ và nghĩa vụ (Trung tướng Trần Độ).

“Trong những năm tháng đất nước có chiến tranh, hai tác phẩm đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn chàng trai trẻ như tôi sẵn sàng cống hiến vì hòa bình của dân tộc. Đây cũng chính là các cuốn sách đã theo tôi suốt đường hành quân”, ông Đinh Quang Thìn nói.

Ký ức về cuộc chiến 50 năm trước của ông không chỉ có bom đạn, khói lửa, đó còn là những giây phút yên bình đọc sách, bình văn thơ cùng đồng đội giữa rừng núi Trường Sơn. Bên một dòng suối nhỏ, người kiếm củi, người nấu cơm, người nằm nghỉ tranh thủ những tia sáng nhỏ dưới các tán cây để đọc sách cho anh em nghe. Đôi khi, mọi người lại bàn luận về một nhân vật trong tiểu thuyết hoặc bài thơ mới ngâm.

 Đại tá Đinh Quang Thìn (bên trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm. Ảnh: Nguyễn Việt/Báo QĐND.

Đại tá Đinh Quang Thìn (bên trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm. Ảnh: Nguyễn Việt/Báo QĐND.

Từ khoảnh khắc ngắn ngủi đó, có thể thấy tâm hồn của những người lính trẻ cũng đầy mơ mộng dẫu khó khăn muôn bề. Đây cũng chính là hình ảnh trong rất nhiều áng thơ về Trường Sơn của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trung Thu…

Sau khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh vào tháng 4/1975 một năm, ông Thìn cùng đồng đội tham gia nhiệm vụ quốc tế. Khi trở về, hành trang của ông là cuốn sách Năm 1975 họ đã sống như thế của nhà văn Nguyễn Trí Huân, Hòn đất của nhà văn Anh Đức.

Người cựu chiến binh mê sách

Trong những năm tháng hòa bình, Đại tá Đinh Quang Thìn vẫn tìm đến sách như một người bạn tri kỷ, một phương tiện để kết nối lại với ký ức, để sống chậm rãi và sâu sắc hơn giữa đời thường. Khi trở về từ Campuchia vào năm 1986, đến năm 1988, ông mới có điều kiện để xây dựng tủ sách đầu tiên.

Ban đầu, ông tìm sách từ các hiệu sách cũ ở Thái Nguyên. Tại đây, đôi khi phải mất hàng giờ đồng hồ lục lọi ông mới tìm được một cuốn sách đáng quý. Một tuần vài lần ông đi đến 3-4 hiệu sách, không quản ngại thời gian hay công sức. Tình yêu sách lớn dần theo năm tháng, từng cuốn sách góp nhặt như từng mảnh ghép giúp ông hoàn thiện đời sống tinh thần sau chiến tranh.

Các cuốn sách được ông Đinh Quang Thìn cất giữ cẩn thận trong tủ sách gia đình. Ảnh: Đức Huy.

Các cuốn sách được ông Đinh Quang Thìn cất giữ cẩn thận trong tủ sách gia đình. Ảnh: Đức Huy.

Những người xung quanh, đặc biệt là các bạn sinh viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, thường xuyên mượn sách từ tủ của ông và ông luôn sẵn sàng chia sẻ. Tủ sách được ông chia thành từng mục rõ ràng như chiến tranh, lịch sử, văn học kinh điển, thiếu nhi, khoa học…

Hiện, tủ sách đã lên đến hơn gần 1.000 cuốn, trải dài từ phòng khách đến phòng ngủ. Không chỉ vậy, ông cũng tặng sách cho nhiều đồng đội của mình, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn. Với ông Thìn, những cuốn sách là món quà quý giá nhất.

Mỗi sáng, ông dậy từ 4 giờ để đọc sách, một phần vì không ngủ được, phần khác vì ông không muốn để thời gian trôi qua vô nghĩa. Tình yêu sách của ông cũng lan tỏa tới con cháu trong nhà. Một người con theo đuổi nghiên cứu văn học, người còn lại làm nghề kiến trúc, nhưng cả hai đều giữ niềm đam mê đọc sách từ sự ảnh hưởng của cha. Với ông, sách là nơi lưu giữ ký ức và là công cụ để hướng dẫn con cháu trưởng thành.

Ông mong một ngày không xa có thể hoàn thành cuốn sách của riêng mình, viết về những tháng năm trận mạc, về đồng đội, về những người đã nằm lại nơi chiến trường.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-cau-be-o-tan-caledonia-den-nguoi-linh-mang-sach-di-doc-dat-nuoc-post1546744.html
Zalo