Điều gì khiến Thành Đô trở thành đô thị đông dân kỳ lạ ở Trung Quốc
Thành Đô, một trong bốn thành phố đông nhất Trung Quốc, đang thu hút nhiều thanh niên tới sinh sống nhờ chi phí sinh hoạt thấp và sự cân bằng công việc - cuộc sống.

Nhiều người trẻ thích Thành Đô vì chi phí sinh hoạt rẻ trong khi người dân thoải mái và cởi mở. Ảnh: China Daily.
Fang Wei - nhân viên trong ngành tài chính - đã gật đầu ngay tắp lự khi được công ty đề nghị thuyên chuyển tới thành phố Thành Đô hồi tháng 2. Mặc dù mức lương vẫn giữ nguyên, anh sẽ được trợ cấp nhà ở. Phúc lợi này không có khi anh làm việc tại Bắc Kinh, nơi Wei đã sinh sống suốt 10 năm qua.
Bên cạnh chi phí sinh hoạt thấp hơn, Thành Đô cũng có nhịp sống chậm rãi, anh chia sẻ với Straits Times. “Những ngày cuối tuần sẽ thú vị hơn, vì tôi thích đi bộ đường dài và Thành Đô nằm gần một số tuyến đường đi bộ đẹp nhất Trung Quốc với cảnh quan tuyệt đẹp”, người đàn ông 37 tuổi độc thân nói.
Không chỉ có Wei, nhiều người Trung Quốc cũng yêu thích Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, dựa trên số liệu thống kê dân số mới nhất công bố hồi tháng 3.
Cuộc đua thu hút nhân tài
Dân số thường trú của Thành Đô là 21,4 triệu người, sau Trùng Khánh là 31,9 triệu người, Thượng Hải là 24,8 triệu người và Bắc Kinh là 21,8 triệu người.
Tuy nhiên, dân số thường trú tại Thành Đô tăng 71.000 người/năm vào năm 2024, ngược lại Trùng Khánh giảm 9.600 người/năm, Thượng Hải và Bắc Kinh giảm lần lượt là 71.900 và 26.000 người.
Do đó, Thành Đô là thành phố duy nhất trong số bốn thành phố đông dân nhất Trung Quốc ghi nhận mức tăng này. Sự tăng trưởng cũng diễn ra trong bối cảnh dân số Trung Quốc giảm trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024. Trung Quốc mất danh hiệu quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ năm 2022 do tỷ lệ sinh giảm và chính sách nhập cư nghiêm ngặt.

Thành Đô là thành phố duy nhất trong số bốn thành phố đông dân nhất Trung Quốc ghi nhận mức tăng dân số. Ảnh: Moment RF.
Tỷ suất sinh tại Trung Quốc hiện dưới mức sinh thay thế. Con số này tăng nhẹ vào năm 2024 sau 7 năm đi xuống liên tiếp. Các quan chức lý giải hiện tượng này là do tâm lý hậu Covid-19, các chính sách thân thiện với gia đình và năm Rồng (theo lịch Mặt Trăng), bởi người Trung Quốc tin năm Rồng là năm tốt lành để sinh con. Dẫu vậy, các chuyên gia nhận định xu hướng khó kéo dài sang tới năm 2025.
Các thành phố lớn đang cạnh tranh thu hút thanh niên và nhân tài nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh già hóa dân số và thu hẹp quy mô lực lượng lao động. Chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều khoản trợ cấp nhà ở, phúc lợi và tài trợ nghiên cứu để tìm kiếm nhân tài trẻ, đặc biệt những người trong ngành công nghệ tiên tiến.
Giáo sư Yuan Xin - chuyên gia nhân khẩu học tại Đại học Nam Khai - nhận định cơ hội việc làm rộng mở là lý do chính thúc đẩy dân số Thành Đô.
“Nhà nước hỗ trợ mạnh cho Vành đai kinh tế Thành Đô - Trùng Khánh”, ông nói, đồng thời chỉ ra sáng kiến kinh tế do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào tháng 1/2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở phía tây nam Trung Quốc.
Nhiều lợi thế
Theo Kế hoạch công tác Thành Đô năm 2025 công bố vào tháng 3, 936 dự án công và tư quan trọng, từ khoa học và công nghệ đến sinh thái, được lên kế hoạch trong năm 2025, nhiều hơn 36 dự án so với năm 2024.
Ngoài ra, Thành Đô và Trùng Khánh là những tấm gương nổi bật ở khu vực vùng núi không quá thịnh vượng của Trung Quốc, so với các thành phố ven biển phía đông và phía nam giàu có hơn như các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông.
Cả hai đều quan trọng trong kế hoạch phát triển chung của Trung Quốc, với Thành Đô mong muốn trở thành trung tâm kinh doanh và đầu tư, còn Trùng Khánh - có cảng nội địa sâu nhất đất nước - mở cửa cho thương mại trực tiếp với nước ngoài nhằm phát triển cơ sở hậu cần và cảng. Cách nhau khoảng 308 km, nhiều người đi làm giữa hai thành phố chỉ trong hơn một giờ bằng tàu cao tốc.

Thành Đô nổi tiếng với lối sống thoải mái như chơi mạt chược, thưởng trà, lẩu và quầy thịt nướng đêm. Ảnh: Pixabay.
Thành Đô nổi tiếng với lối sống thoải mái như chơi mạt chược, thưởng trà, lẩu và quầy thịt nướng đêm, và là nơi sinh sống quốc bảo gấu trúc.
Năm 2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thành Đô tăng trưởng 5,7%, ngang mức của Trùng Khánh trong cùng kỳ và cao hơn trung bình toàn quốc là 5%. Sáng kiến Thành Đô - Trùng Khánh đóng góp khoảng 6,5% vào GDP quốc gia năm 2024, tăng so với mức 6,3% năm 2019 trước khi triển khai.
Những người Trung Quốc trẻ chuyển đến Thành Đô vì yêu thích lối sống thoải mái, chi phí thấp, cơ hội kinh tế rộng mở hơn cũng như thái độ của cư dân thành phố.
Zhu Liming, 26 tuổi, chuyển đến Thành Đô vào tháng 7/2024 để tìm việc tại công ty truyền thông. “Quê hương Cát Lâm của tôi không có nhiều việc làm cho người trẻ”, anh nói.
Tương tự, Amy Hu, 31 tuổi, chuyển đến Thành Đô vào năm 2023. Hu cho biết Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, là "nơi bảo thủ hơn nhiều" so với Thành Đô. "Gia đình và đồng nghiệp liên tục hỏi tôi có dự định kết hôn hay cần được mai mối không", cô nói. Dù mức lương hiện tại “thấp hơn một chút”, Hu cũng không bận tâm vì coi đây là cơ hội để bắt đầu lại.
Đối với Fang, số tiền tiết kiệm cho tháng 3 tăng khoảng 30%, mặc dù lối sống vẫn vậy. “Tôi vẫn chưa quyết có định cư lâu dài ở Thành Đô không. Cuộc sống ở đây chậm rãi hơn Bắc Kinh, thời tiết và thức ăn cũng thích hơn. Song sau cùng, tôi vẫn phải xem xét mức lương và phúc lợi đi kèm”, anh kết luận.