Vì sao phim mới của Kay Trần, Thanh Duy có bối cảnh hồ đá mà không phải hồ nước?
Những tưởng hồ nước nào cũng giống nhau, nhưng ê-kíp làm phim 'Dưới Đáy Hồ' đã phải cất công đi tìm một hồ đá đúng như kịch bản miêu tả.
Ý tưởng về dự án Dưới Đáy Hồ vốn đã bắt có từ lâu, nhưng đến năm 2024, bộ đôi Trần Hữu Tấn và Hoàng Quân mới bắt đầu hành trình đi tìm bối cảnh cho hồ đá trong câu chuyện.
Hồ đá khác hồ nước ở chỗ xung quanh bao bọc bởi vách đá dựng đứng trơn trượt, lòng hồ gồ ghề, độ sâu lớn, nhiều đá ngầm lởm chởm và đặc biệt nguy hiểm vào chiều tối. Bù lại, hồ đá luôn có mặt nước màu xanh tuyệt đẹp được tạo nên từ các một số thành phần kim loại và khoáng chất có trong nước hồ.

Hồ đá nhìn lúc ban ngày rất yên bình.
Để tìm ra được một bối cảnh quay phù hợp, đoàn phim mất nhiều tuần đến khắp các tỉnh khu vực phía Nam và quyết định chọn một hồ đá cổ nhất tại Bà Rịa (Vũng Tàu) - nơi từng là mỏ khai thác đá tự nhiên. Vào ban ngày, nơi này nom rất yên bình nhưng khi màn đêm dần buông lại phủ đầy cảm giác nguy hiểm cận kề, khiến ai nấy đều căng thẳng.

Nhưng đêm xuống lại đầy bí ẩn, đáng sợ.
Nói về ý tưởng cho thế giới song trùng nơi đáy hồ, đạo diễn Trần Hữu Tấn tin rằng trong mỗi người đều tồn tại một phần bản thể âm thầm mà ta ít khi đối diện. Có thể là những vết thương chưa lành, một cảm xúc từng bị dồn nén, hay một ký ức mà vì sợ hãi, ta đã cố gắng quên đi. Nhưng chúng ta càng trưởng thành, những phần bản thể ấy không biến mất mà chỉ nằm im, đợi được đánh thức.

Hồ đá cũng như một nhân vật trong phim.
Trong phim Dưới Đáy Hồ, khi nhân vật đặt chân đến đây cũng là lúc cái hồ bắt đầu nhìn lại họ. Nó lặng im lắng nghe những điều mà con người không dám nói thành lời rồi phản chiếu lại bằng những phiên bản song trùng kỳ quái nhất. Chính vì thế, cái hồ trong phim là một nhân vật đặc biệt, không cần thoại, không cần biểu cảm, nhưng hiện diện như một bóng tối âm thầm mà mạnh mẽ, luôn theo sát từng chuyển động của các nhân vật.