Tiêm 3 mũi vaccine Sinovac vẫn không ngăn được biến thể Omicron
Ngày 23/12, một nghiên cứu phòng thí nghiệm cho kết quả việc tiêm hai mũi thông thường và mũi thứ 3 tăng cường bằng vaccine COVID-19 của công ty dược phẩm Sinovac Biotech Ltd., (Trung Quốc) là không đủ để bảo vệ trước biến thể mới Omicron.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Hong Kong và Đại học Trung Hoa Hong Kong, việc tiêm ba mũi vaccine Sinovac không tạo đủ mức trung hòa kháng thể để bảo vệ người được tiêm trước sự tấn công của biến thể siêu lây nhiễm mới Omicron.
Nghiên cứu nói trên gợi ý rằng những người đã tiêm vaccine Sinovac, được biết tới là CoronaVac, nên tìm cách tiêm một loại vaccine khác cho mũi tăng cường. Việc những người tiêm hai mũi đầu bằng CoronaVac và tiêm mũi thứ ba là vaccine công nghệ mRNA của hãng BioNTech SE sẽ cải thiện đáng kể mức độ kháng thể chống lại Omicron.
Kết quả nghiên cứu đồng thời cho thấy tiêm hai mũi vaccine của BioNTech, được biết tới là Comirnaty, cũng là không để bảo vệ trước Omicron. Song việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của BioNTech lại tăng khả năng bảo vệ trước biến thể mới này.
Nghiên cứu trên, do hai nhà nghiên cứu Malik Peiris và David Hui đứng đầu, đã đánh giá việc sản sinh kháng thể trung hòa virus trong máu của những người được tiêm hai mũi vaccine Sinovac ở Hong Kong. Các nhà nghiên cứu khẳng định hai liều vaccine sử dụng cùng loại là không đủ để chống lại omicron.
Kết quả nghiên cứu ban đầu này là điều đáng thất vọng đối với những người đã tiêm vaccine CoronaVac. Đã có hơn 2,3 tỷ liều vaccine Sinovac được sản xuất và xuất kho, chủ yếu được dùng ở Trung Quốc và một số nước đang phát triển.
Tuần trước, Sinovac công bố các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy 94% những người tiêm ba liều vaccine đều tạo ra kháng thể trung hòa, song công ty này không không nêu rõ mức độ trung hòa kháng thể là bao nhiêu.
Đại diện của Sinovac chưa bình luận gì về kết quả nghiên cứu của Đại học Hong Kong.
Trước đó cùng ngày, hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo vaccine tiêm mũi thứ ba của hãng này có hiệu quả chống lại biến thể mới Omicron, với mức trung hòa tương đương so với kháng thể chống lại biến chủng Delta sau hai liều tiêm thông thường.
Dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất từ phòng thí nghiệm tại Đại học Oxford, hãng AstraZeneca khẳng định một liệu trình tiêm 3 liều vaccine của hãng này có hiệu quả chống lại biến thể.
Nghiên cứu này, chưa được công bố trên một tạp chí y khoa, cho thấy mức độ kháng thể chống lại Omicron sau khi tiêm mũi tăng cường là cao hơn kháng thể ở những người đã bị nhiễm và hồi phục tự nhiên sau khi mắc COVID-19.
Công ty có trụ sở tại London (Anh) cho biết các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã thực hiện nghiên cứu độc lập với những đồng nghiệp nghiên cứu vaccine AstraZeneca. Mene Pangalos, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của AstraZeneca, nêu rõ: "Khi hiểu rõ hơn về Omicron, chúng tôi tin tưởng sẽ tìm thấy phản ứng tế của bào T cung cấp sự bảo vệ bền vững trước nguy cơ mắc bệnh nặng và nhập viện”.
Nghiên cứu của Oxford đã phân tích mẫu máu của những người bị mắc COVID-19, những người đã tiêm chủng hai liều vaccine và một mũi tăng cường, cũng như cả những người trước đây từng bị nhiễm các biến thể đáng lo ngại khác. Trong số này có mẫu xét nghiệm lấy từ 41 người được tiêm ba liều Vaxzevria.
Dù kết quả nghiên cứu ban đầu là tích cực, song AstraZeneca cho biết công ty này đang phối hợp với đối tác tại Đại học Oxford để sản xuất một loại vaccine dành riêng cho biến thể Omicron. Đây cũng là nỗ lực mà nhiều nhà sản xuất vaccine khác đang thúc đẩy.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh giới khoa học và các chính phủ đã nỗ lực tăng cường “tấm khiên phòng thủ” trước biến thể mới siêu lây nhiễm Omicron bằng các mũi vaccine và liệu pháp, do biến thể này được đánh giá sẽ chiếm đa số ca mắc trên toàn cầu và buộc các chính phủ phải tái áp đặt những biện pháp phòng dịch dịp cuối năm.