Điều gì xảy ra nếu ông Trump 'xóa sổ' Bộ Giáo dục Mỹ?

Các nhà giáo dục lo lắng khi Tổng thống Donald Trump đang có kế hoạch giải thể Bộ Giáo dục Mỹ và 'trả lại' quyền giáo dục cho các tiểu bang.

 Ông Trump muốn bỏ Bộ Giáo dục và trao lại quyền cho các địa phương. Ảnh: Reuters.

Ông Trump muốn bỏ Bộ Giáo dục và trao lại quyền cho các địa phương. Ảnh: Reuters.

Đối với nhiều học sinh da màu, quyền tiếp cận nền giáo dục công bằng phụ thuộc vào các sáng kiến và chương trình do Bộ Giáo dục Mỹ cung cấp. Bộ cũng đóng vai trò cung cấp nguồn tài trợ cho học sinh thu nhập thấp và các học sinh yếu thế.

Nhưng những điều này có thể bị gián đoạn hoặc chấm dứt hoàn toàn vì Tổng thống Donald Trump đang có kế hoạch giải thể Bộ Giáo dục Mỹ và "trả lại" quyền giáo dục cho các tiểu bang.

Mặc dù một mình Tổng thống Trump không thể xóa sổ một cơ quan liên bang, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng bất kỳ hoạt động cải tổ nào cũng có thể phá vỡ vai trò, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục, nhất là những vai trò hỗ trợ học sinh thiệt thòi.

Vai trò của Bộ Giáo dục Mỹ

Theo The Guardian, Bộ Giáo dục Mỹ được thành lập từ năm 1867 nhằm thu thập dữ liệu trường học khi các tiểu bang bắt đầu xây dựng hệ thống giáo dục riêng. Một năm sau đó, bộ bị Quốc hội Mỹ bãi bỏ vì lo ngại sự can thiệp quá mức lên hệ thống giáo dục tiểu bang.

Vào năm 1980, dưới thời cựu tổng thống Jimmy Carter, Bộ Giáo dục lại được tái hình thành như một cơ quan hành pháp với mục đích đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng ở bậc tiểu học, trung học và đại học ở các tiểu bang.

Trong lịch sử, bộ này đã giám sát việc thực hiện luật dân quyền liên bang tại các học khu địa phương, ví dụ như việc bãi bỏ chế độ phân biệt chủng tộc trong các trường học.

Hiện nay, Bộ Giáo dục Mỹ điều phối một số dịch vụ ở các tiểu bang, đặt ra các ưu tiên và tài trợ giáo dục cho các học khu. Ngoài ra, một chức năng quan trọng khác của bộ này là điều tra các hành vi vi phạm dân quyền.

Theo báo cáo thường niên, trong năm 2023, Văn phòng Dân quyền của Bộ Giáo dục nhận được hơn 19.200 khiếu nại, trong đó 45% khiếu nại liên quan phân biệt giới tính, 18% khiếu nại liên quan phân biệt chủng tộc và quốc tịch, bao gồm việc bắt nạt, quấy rối từ chính viên chức trong trường học.

Ví dụ, văn phòng này đã điều tra học khu Jefferson - học khu công lập lớn nhất bang Kentucky, và phát hiện học sinh da đen bị phạt thường xuyên và nghiêm khắc hơn học sinh da trắng. Qua đó, học khu được yêu cầu sửa đổi chính sách kỷ luật kể từ tháng 3/2025.

 Học sinh da đen, học sinh khuyết tật có thể gặp khó khăn nếu mất đi nguồn tài trợ của Bộ Giáo dục Mỹ. Ảnh: Green Dot Public Schools.

Học sinh da đen, học sinh khuyết tật có thể gặp khó khăn nếu mất đi nguồn tài trợ của Bộ Giáo dục Mỹ. Ảnh: Green Dot Public Schools.

Loạt điều tra của Văn phòng Dân quyền có thể buộc các trường học phải thay đổi quy định, nội quy vì các trường rất sợ mất đi nguồn tài trợ liên bang. Nếu không có những đợt điều tra này, các trường sẽ nhởn nhơ, ít tuân thủ luật pháp.

Những thống kê của Bộ Giáo dục không chỉ cung cấp thông tin chi tiết về sự chênh lệch, bất bình đẳng trong giáo dục, mà còn xác định nguồn tài trợ mà một học khu đủ điều kiện để nhận.

Do đó, các chuyên gia giáo dục cho rằng việc xóa bỏ hoàn toàn Bộ Giáo dục là điều không thể xảy ra, đặc biệt là khi nhiều văn phòng trực thuộc bộ đã được ghi nhận vai trò trong luật liên bang. Trước thời ông Trump, cựu Tổng thống Ronald Reagan cũng từng cố xóa bỏ Bộ Giáo dục, nhưng không thành công.

Học sinh thiệt thòi sẽ càng thiệt thòi

Dù rất khó để bỏ bộ, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn có thể thay đổi những chính sách quan trọng của bộ để "định hình lại việc thực thi quyền công dân theo mục đích của họ". Đây là điều mà ông Wil Del Pilar, Phó chủ tịch cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận EdTrust, đề cập khi nói về ý định bỏ Bộ Giáo dục của ông Trump.

Dưới thời ông Trump, Bộ Giáo dục Mỹ có thể bị thiếu kinh phí hoạt động hoặc thiếu nhân sự. Xa hơn nữa, những văn phòng trực thuộc như Văn phòng Dân quyền sẽ phải vật lộn để điều tra lượng lớn khiếu nại ngày càng tăng.

Những học sinh bị tước quyền công dân, bao gồm học sinh da màu và học sinh khuyết tật, những người phụ thuộc vào nguồn tài trợ của liên bang, sẽ bị ảnh hưởng vì ông Trump có thể tiếp tục cắt giảm chương trình này.

Bàn về vấn đề này, bà Rachel Perera, nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính sách Giáo dục Brown thuộc Viện Brookings, cho biết khoảng 90% nguồn tài trợ trường học đến từ địa phương và tiểu bang, 10% còn lại đến từ liên bang. Đáng chú ý, 10% này được dành cho học sinh nghèo, học sinh da màu. Nếu nguồn tài trợ này biến mất chỉ sau một đêm, các trường học sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn.

Tương tự, bà Sarah Hinger, đại diện Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), cho biết những dữ liệu quan trọng về bất bình đẳng trong giáo dục có thể sẽ không được thu thập và công khai theo yêu cầu của ông Trump. Điều này có thể làm chậm quá trình giải ngân nguồn tài trợ cho những học sinh thiệt thòi.

"Nếu các trường không làm tốt việc thu thập, xem xét thông tin và chính quyền liên bang không thể đảm bảo việc công chúng có thể xem xét thông tin đó, sự chậm trễ trong việc cung cấp nguồn tài trợ cho học sinh sẽ xảy ra", bà Hinger nhấn mạnh.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dieu-gi-xay-ra-neu-ong-trump-xoa-so-bo-giao-duc-my-post1527101.html
Zalo