Thượng tọa Thích Thanh Thắng: 'Đừng biến Đức Phật thành người ban ơn, giáng họa'

Thượng tọa Thích Thanh Thắng cho rằng nghi lễ cầu bình an, cầu quốc thái dân an, đặc biệt trong dịp đầu năm mới có mặt trong hầu hết các truyền thống của Phật giáo. Riêng nghi lễ cúng sao (nhương tinh) không có nguồn gốc từ đạo Phật.

Mỗi dịp đầu năm mới, nhiều người lại bận rộn cúng bái với hy vọng có thể giải trừ hạn ách, đón nhận may mắn, tài lộc. Không ít người vì quá cuồng tín mà rơi vào cảnh trầm mê, hao tốn tiền của, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần của bản thân và cả gia đình.

VietNamNet mở diễn đàn Cầu cúng đầu năm: Giữ tín ngưỡng, tránh mê tín để độc giả cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Bài viết liên quan gửi về địa chỉ email: Bandoisong@vietnamnet.vn

Thượng tọa Thích Thanh Thắng, nguyên Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho rằng lễ dâng sao giải hạn không đúng tinh thần đạo Phật và việc niêm yết giá cho từng sao, từng người là hành vi tham lam, trục lợi, cần xóa bỏ ngay.

Thượng tọa Thích Thanh Thắng đang tu ở một ngôi chùa nhỏ tại Đồng Nai

Thượng tọa Thích Thanh Thắng đang tu ở một ngôi chùa nhỏ tại Đồng Nai

- Xin thầy cho ý kiến về một số nghi lễ như cúng cầu an, cầu tài, cầu lộc mỗi dịp đầu năm? Đây có phải là những nghi lễ chính thức được ghi chép trong kinh sách đạo Phật không, hay được du nhập, biến đổi theo nhu cầu của dân gian?

Thượng tọa Thích Thanh Thắng: Khi nói đến tôn giáo, chúng ta nên chú ý đến 3 khía cạnh chính tạo nên một nền tảng văn hóa tôn giáo, đó là: Giáo lý, kiến trúc và nghi lễ.

Nhìn vào 3 khía cạnh đó có thể dễ dàng phân biệt tôn giáo này với tôn giáo khác. Cũng như vậy, trong một tôn giáo như Phật giáo, nhìn vào các hình thức kiến trúc, nghi lễ đặc thù kia cũng sẽ biết nó thuộc truyền thống nào, vùng miền nào.

Nghi lễ cầu bình an, cầu quốc thái dân an, đặc biệt trong dịp đầu năm mới có mặt trong hầu hết các truyền thống của Phật giáo. Riêng nghi lễ cúng sao (nhương tinh) không có nguồn gốc từ đạo Phật. Tuy nhiên, nghi thức này từng phổ biến ở nhiều chùa chiền, đền, phủ ở miền Bắc.

Tại sao một nghi thức không có nguồn gốc từ đạo Phật lại xuất hiện trong các chùa chiền? Đây là kết quả của việc dung hội tín ngưỡng tôn giáo, khởi nguồn từ tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” (Phật - Đạo - Nho cùng một nguồn) trong lịch sử.

Biểu hiện rõ nhất là ở nhiều chùa phía Bắc, người xưa đã phối thờ trong điện Phật các vị thần trong đạo Lão như Đế Thiên, Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân. Sau này còn phối thờ cả Thánh Mẫu Liễu Hạnh (thuộc tín ngưỡng Tứ phủ).

Chính vì tính chất giao thoa tiếp biến này, một số nghi lễ Phật giáo tại miền Bắc có những nét hỗn dung văn hóa, mang đậm tính chất dân gian.

Tôi xin nhấn mạnh, cần nhìn những hình thức nghi lễ pha trộn này dưới góc độ tiếp biến văn hóa nội và ngoại sinh. Còn việc dựa vào nghi lễ nhằm giải hạn, cầu tài, cầu lộc… thuộc nhu cầu trần tục của những người có tín ngưỡng - tức họ tin vào việc ban ơn, giáng phúc giáng họa của thánh thần – là không đúng tinh thần Phật giáo.

- Theo thầy, đâu là ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan, cụ thể trong trường hợp lễ giải hạn, cầu an này? Chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng về các nghi lễ này?

Ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan khá mong manh, song vẫn có những điểm nhận biết. Chỉ cần nhìn vào động cơ tìm lợi, cách thức truyền đạt nội dung sai lệch, mang tính dọa dẫm, gây hoang mang lo lắng về vận hạn là rõ.

Chẳng hạn, nếu họ cúng sao đơn giản như một hình thức cầu an, gửi gắm ước nguyện tốt đẹp tới chốn linh thiêng thì nó cũng không khác với những nghi thức cầu nguyện của đa phần các tôn giáo khác.

Nhưng nếu cúng để mong giải vận hạn hay được thần thánh thêm tài, tiếp lộc thì không phù hợp với tinh thần đạo Phật. Vì đạo Phật được xây dựng trên nền tảng nhân quả: Gieo nhân lành gặp quả lành, gieo nhân xấu gặp quả xấu.

- Ở nhiều nơi, đặc biệt là một số thành phố lớn, vẫn diễn ra cảnh hàng trăm người ngồi xếp hàng, chen chúc trong các buổi lễ đầu năm. Việc một số người cho rằng nên cầu an ở một ngôi chùa cụ thể hoặc nhờ những vị sư cụ thể cúng lễ cầu an cho mình và gia đình thì mới linh nghiệm, hay phải chuẩn bị những lễ vật thật giá trị, thật cầu kì mới đạt kết quả như mong muốn, có phải là quan niệm đúng không, thưa thầy?

Nhìn vào các sự kiện trên, chúng ta thấy rõ ràng nó không thể hiện đúng giá trị nền tảng tâm linh tinh thần của đạo Phật. Vì đạo Phật tồn tại hàng nghìn năm nay, gắn bó với dân tộc này không phải ở số lượng người chen chúc nhau trong mỗi dịp lễ trọng, không phải ở chùa to Phật lớn, hay một số chùa có tiếng linh thiêng, càng không phải ở những nơi mâm cao cỗ đầy.

Vì nếu Phật giáo chỉ ồn ào với các hình thức như vậy thì chính là đem phương tiện nghi lễ ra chiều chuộng tâm lý đám đông, nhằm che mờ giáo lý cốt tủy của mình. Phật giáo như vậy giống như một thứ có xác mà không có hồn, không thể đáp ứng được sự đổi thay ngày càng tiến bộ của thời đại.

Đầu năm là dịp người dân đi cúng lễ rất nhiều. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế

Đầu năm là dịp người dân đi cúng lễ rất nhiều. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế

- Người đi chùa, nhất là giới trẻ đi chùa ngày càng đông mà phần nhiều chưa hiểu về Phật pháp có phải là hiện tượng phổ biến ngày nay không, thưa thầy?

Đúng như vậy! Nhìn vào các hình thức mang nặng tâm lý đám đông là thấy ngay những biến tướng lệch lạc. Những người có trách nhiệm trong Giáo hội cần nhìn thẳng vào sự thật này. Đừng tự ru ngủ mình bằng các hình thức kiến tạo bề nổi.

Cứ nhìn vào ứng xử thiếu chuẩn mực ở những nơi chùa chiền những năm gần đây như: rải tiền lẻ, nhét tiền hay chùi tiền vào tượng Phật cầu may, ăn mặc hở hang, nói cười ồn ào nơi tôn nghiêm... là rõ. Khi những sự kiện nghi lễ, các hình thức ứng xử kém hay kém đẹp ngày càng trở thành chủ đề bàn luận không thiện cảm, dù là chủ quan hay khách quan, một khi đã dậy sóng dư luận, thì Phật giáo không còn chủ động tích cực được nữa.

Chủ động tích cực chính là chữa trị tận gốc các vấn nạn do thiếu một nền tảng văn hóa ứng xử và kiến thức Phật học đem đến. Vì đa phần sự phê bình của công chúng là cảm giác đằng sau những bước chân chen chúc kia có sự làm màu sống ảo, u mê, không được trí tuệ dẫn dắt.

Nếu người đi chùa không tự kéo mình vào thị phi đó thì dư luận cũng không ai chú ý. Từ quan sát đến chú ý và rồi “soi xét”, chứng tỏ những chuyện liên quan đến hình ảnh chùa chiền đang dần trở thành một chủ đề bàn luận thiếu thiện cảm. Rất đáng buồn.

- Vậy theo thầy, nên làm thế nào để người đi chùa hiểu đúng về giáo lý đạo Phật?

Việc học Phật luôn tuân theo một lộ trình căn bản, đó là Văn - Tư - Tu. Văn là nghe. Tư là tư duy, nghiền ngẫm. Tu là tu tập. Có nghĩa rằng điều gì đã nghe được, học được thì nên tư duy nghiền ngẫm, sau đó ứng dụng vào trong đời sống tu tập. Học hỏi và thực hành như thế mới soi tỏ cuộc sống của mình, mới sống đẹp, sống lương thiện tử tế, mới làm sáng giáo lý đạo Phật.

Nhưng muốn người đi chùa hiểu đúng, trước tiên người có trách nhiệm truyền giảng lời Phật dạy cũng phải đi theo lộ trình ấy, đừng bẻ cong giáo lý để tìm lợi ích cho mình. Đạo Phật vốn nêu cao tinh thần chánh niệm tỉnh thức, “duy tuệ thị nghiệp”, thực nghiệm, thực chứng.

Vì vậy cần phải tích cực giảng dạy những giáo lý căn bản, cốt lõi. Đừng để người đi lễ chùa biến Đức Phật thành một vị thần ban ơn, giáng họa. Nếu tăng ni, Phật tử không tự sửa đổi mình, làm sáng giáo lý của mình, dấn thân tích cực nhập thế trên tinh thần Bồ Tát đạo, thì lấy tư cách gì để bước vào kỷ nguyên mới của thời đại.

Xin cảm ơn thầy!

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuong-toa-thich-thanh-thang-dung-bien-duc-phat-thanh-nguoi-ban-on-giang-hoa-2370095.html
Zalo